+Aa-
    Zalo

    "Phù phép” người không có thật thành thương binh?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Có trường hợp cả gia đình năm người cùng được hưởng chế độ chính sách thương bệnh binh và chất độc màu da cam.
    (ĐSPL) - Có trường hợp cả gia đình năm người cùng được hưởng chế độ chính sách thương bệnh binh và chất độc màu da cam. Ly kỳ hơn, “bà Phạm Thị Xuyên” không có người thật, tên thật ở xã Việt Hùng nhưng cũng có tên trong danh sách hưởng lương trợ cấp thương binh hàng tháng.
    Hàng trăm người “bỗng dưng” được hưởng chính sách?
    Thời gian gần đây báo nhận được đơn thư của ông Nguyễn Cao Khải (SN 1960, trú tại xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), tố cáo cán bộ phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Trực Ninh, cán bộ xã Việt Hùng, đã buông lỏng quản lý về việc làm sai lệch thông tin chế độ chính sách thương bệnh binh trên địa bàn. Theo đó, một số đối tượng đang được hưởng chính sách lại không đúng như thực tế mà họ được hưởng, thậm chí ngay cả cán bộ xã cũng nằm trong danh sách này.
    Ngay sau khi nhận được đơn thư, PV báo đã tìm đến ông Nguyễn Cao Khải, xóm 13 (xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là chủ nhân của đơn thư trên để tìm hiểu về vụ việc.

    Ông nguyễn Cao Khải, người đã phát hiện ra hàng loạt những trường hợp hưởng chế độ chính sách không đúng thực tế ở xã Việt Hùng đang chia sẻ với PV.


    Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Cao Khải cho hay: “Việc các trường hợp hưởng chế độ chính sách thương bệnh binh, chất độc màu da cam không đúng như thực tế ở xã Việt Hùng chúng tôi đã có từ rất lâu rồi. Rất nhiều người dân trong xã đều biết nhưng không ai dám đứng ra tố cáo vì sợ bị thù hằn. Việc này tôi cũng đã chất vấn hội đồng nhân dân xã Việt Hùng rất nhiều lần nhưng không được UBND xã trả lời”.
    Qua nhiều lần chất vấn HĐND xã, ông Khải và một số đại biểu HĐND trong xã đã yêu cầu ban Lao động, Thương binh và Xã hội xã cung cấp sổ lương của các trường hợp đang được hưởng chế độ chính sách xã Việt Hùng để đối chiếu. Qua so sánh ông Khải cùng nhóm đại biểu đã phát hiện ra rất nhiều các trường hợp hưởng chế độ thương bệnh binh, chất độc màu da cam sai quy định của Nhà nước.
    Tại các buổi họp hội đồng sau đó, vấn đề này đã được các đại biểu đưa ra chất vấn nhiều lần nhưng không được giải quyết. Cầm cuốn sổ chi trả lương trợ cấp của xã Việt Hùng năm 2013, ông Nguyễn Cao Khải đã chỉ cho PV hàng loạt các trường hợp theo ông là đang hưởng chế độ thương bệnh binh, chất độc màu da cam là sai lệch, không đúng thực tế.
    Ông Khải bức xúc nói: “Nói có sách mách có chứng, ở xã tôi có trường hợp đi bộ đội năm 1982 hoặc năm 1976 cũng được hưởng chế độ thương binh. Có mấy trường hợp hưởng từ hai đến ba chế độ chính sách một cách vô lý. Thậm chí người không có thật cũng có tên trong danh sách nhận chế độ.

    Một số đơn thư trong 57 đơn thư mà ông Khải đã gửi đi được cơ quan chức năng phúc đáp.


    Ở xã Việt Hùng trong số hơn 300 trường hợp được hưởng lương chế độ thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam thì có tới hơn 115 trường hợp được hưởng lương chất độc màu da cam. Trên thực tế số lượng người được hưởng chế độ nạn nhân chất độc màu da cam chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
    Ông Khải cũng chỉ ra cụ thể một số trường hợp trong xã Việt Hùng như: Bà Chu Thị Nhung được hưởng lương ba chế độ (chế độ bệnh binh, chế độ mất sức và chế độ tuất của chồng). Trường hợp của ông Hoàng Thanh Hảo nhập ngũ năm 1976 nhưng lại được hưởng lương chất độc màu da cam. Đáng ra, ông này chỉ được hưởng lương bệnh binh.
    Ngoài ra, có ông Lương Xuân An giả vờ mù để được hưởng chế độ. Ông Hoàng Văn Hưởng vừa được hưởng chế độ thương binh nặng vừa được hưởng chế độ chất độc màu da cam. Gia đình ông Hưởng có tất cả năm người hưởng chế độ theo ông này, bao gồm vợ và ba người con. Ly kỳ hơn là trường hợp của “bà Phạm Thị Xuyên” không có người thật, tên thật ở xã Việt Hùng nhưng cũng có tên trong danh sách hưởng lương chợ cấp thương binh hàng tháng… 

    Cán bộ đi bộ đội thời bình đổi tên để nhận tiền thương binh

    Trong danh sách nối dài những trường hợp hiện đang hưởng chế độ chính sách mà theo ông Nguyễn Cao Khải khẳng định là sai lệch còn có cả những trường hợp là cán bộ xã. Trường hợp được ông Khải nhắc đến là ông Trần Văn Thưởng hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hùng. Ông Thưởng nhập ngũ năm 1982. Hiện ông này đang được hưởng chế độ mất sức 81\%. Điều đáng nói, tên trên danh sách nhận lương chế độ này lại là “Trần Quang Thưởng”. Đây là hai tên khác nhau và nhiều người nghi ngờ đây là chiêu che mắt dư luận của ông Thưởng.
    Xem thêm video: Ông lão thu mua phế liệu, lừa chạy chế độ chính sách ẵm tiền.

    Cũng tương tự như ông Thưởng, ông Nguyễn Ngọc Đanh hiện đang là Trưởng ban Chính sách Thương bệnh binh xã Việt Hùng, nhưng tên trong danh sách hưởng chế độ chất độc màu da cam lại là Nguyễn Văn Đanh. Hai trường hợp này cùng có chung một đặc điểm là thay đổi tên đệm. “Riêng trường hợp của ông Đanh thì tôi nắm rất rõ, vì ông Đanh là chú ruột tôi! Ông Đanh nhập ngũ năm 1975 sau đó ông về được hưởng chế độ mất sức 21\%. Vậy mà hiện nay lại được hưởng lương chế độ chất độc màu da cam”, ông Khải khẳng định chắc chắn.
    Theo lý giải của ông Khải, thì ông Trần Văn Thưởng đang hưởng chế độ mất sức 81\% nhưng hiện ông Thưởng là Phó Chủ tịch xã vậy thì làm sao đảm bảo được sức khỏe trong công việc. Theo quy định, những trường hợp được hưởng chế độ chất độc màu da cam phải có giấy SZ và từ năm 1973 đến 30/4/1975 thì mới được hưởng chế độ này. Ông Khải cũng cho rằng trong số 115 người của xã Việt Hùng đang được hưởng chế độ chất độc màu da cam chỉ có vài trường hợp là có thật, còn hàng trăm trường hợp kia là sai lệch.
    Nhận thấy có nhiều uẩn khúc trong vấn đề chế độ chính sách của xã mình, ông Khải đã không ngần ngại đứng ra để vạch trần sự việc. Tháng 9/2014 ông Khải bắt đầu viết đơn thư gửi đi các cơ quan chức năng xem xét và giải quyết về vấn đề này cũng với mục đích làm sáng tỏ sự việc.  Cũng từ thời điểm đó đến nay, ông Nguyễn Cao Khải đã gửi đơn thư đi hơn 50 cơ quan từ trung ương đến các cơ quan của tỉnh Nam Định, huyện Trực Ninh nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
    Một điều đáng chú ý nữa là, trong suốt quá trình ấy, ông Khải cũng gặp phải không ít phiền toái. Công an huyện Trực Ninh cũng đã ba lần mời ông lên làm việc vì đơn thư tố cáo của ông. Nghiêm trọng hơn ông cũng nhiều lần bị đe dọa, thậm chí là bị hành hung. Ông Khải cho rằng chính những người bị ông tố cáo đang được hưởng chế độ không đúng là thủ phạm hành hung ông.
    Ẩn sâu trong vụ việc này là gì? Phải chăng hàng loạt các trường hợp đang hưởng các chế độ chính sách mà ông Nguyễn Cao Khải đã chỉ ra là làm khống, chạy chọt thì mới có, nó đang là một thực trạng ở xã Việt Hùng? Có hay không việc nhiều người ở xã Việt Hùng đang lợi dụng danh nghĩa của việc hưởng chính sách của bộ đội, chiến sỹ để trục lợi bất chính từ phía ngân sách Nhà nước? Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin để giải đáp các câu hỏi trên cho quý độc giả trong số báo tới. Liệu những người được nêu tên trong danh sách này sẽ giải thích thế nào về vụ việc liên quan đến mình.                    

    Cán bộ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”!

    Những sai lệch của các trường hợp đang hưởng chế độ chính sách của Nhà nước là có sự tiếp tay của chính những cán bộ địa phương? Theo như ông Khải chỉ ra trong danh sách chi trả trợ cấp hàng tháng năm 2013, cái tên Phạm Thị Xuyên là người không có thật ở địa phương. “Không có ai ở địa phương có tên như vậy. Tiền trợ cấp hàng tháng cho “bà Phạm Thị Xuyên” được ông Nguyễn Ngọc Đanh tự mình phát, tự mình nhận, vậy ông Đanh “vừa đá bóng, vừa thổi còi””, ông Khải nói.

    Đ.S - D.K


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phu-phep-nguoi-khong-co-that-thanh-thuong-binh-a91398.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan