+Aa-
    Zalo

    Quái chiêu biến đồng nghiệp từ chủ nợ thành con nợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Như chúng tôi đã phản ánh ở bài viết “Cho vay gánh ngay khốn khổ”, Hà Thị Kim không chỉ bịa chuyện chồng mắc bệnh hiểm nghèo, mà ả còn dùng những quái chiêu lợi dụng lòng tốt của đồng nghiệp để vay tiền ăn chơi sang chảnh…

    Cho vay nhưng nợ dội trúng đầu

    Cho đến bây giờ, dù sự việc đã xảy ra gần một năm nhưng chị Đặng Hồng Gấm chưa vợi nỗi bức xúc lo âu sau cú sốc trở thành chủ nợ và con nợ bất đắc dĩ. Năm 2016, chị Đặng Hồng Gấm xin vào làm việc cùng cơ quan của Hà Thị Kim. Phải nói rằng Gấm là cô gái ít va chạm, nhút nhát, chỉ chuyên tâm vào công việc thuần tuý được giao. Thấy Gấm hiền lành, chịu thương chịu khó, Hà Thị Kim lân la làm thân. Kim chủ động hỏi han và luôn tỏ ra quan tâm Gấm như người chị đối với em gái.

     Hồng Gấm nói trong nước mắt: “Không liên quan tới công việc, nhưng vì thấy Hà Thị Kim gần gũi ân cần, nên tôi thân thiết với chị ta. Tôi đâu ngờ Hà Thị Kim đã lợi dụng sự tin tưởng rồi đẩy tôi vào tình huống tréo ngoe, vừa là chủ nợ vừa là con nợ”. 

    Cầm những tờ giấy xác nhận nợ vô tri vô giác do Hà Thị Kim viết trên tay, chị Đặng Hồng Gấm kể lại câu chuyện mà chỉ thoáng nghe thôi, đã thấy Hà Thị Kim tinh quái đến mức nào: 

    “Tôi từng tới nhà Hà Thị Kim chơi, biết rõ về gia đình Kim nên chị ta không lừa tôi theo kiểu bịa chuyện chồng bị ung thư mà nói rằng cần vốn làm ăn và lo cho bố mẹ đẻ. Chị ta nhiều lần hỏi tôi vay tiền, nhưng lương tôi eo hẹp, cuộc sống gần như vẫn phụ  thuộc bố mẹ, nên mỗi lần tôi chỉ có thể cho Kim vay vài triệu đồng. Kim thường phàn nàn với tôi rằng, tuy có chồng làm ngân hàng nhưng lương thấp, một tay chị ta phải lo kinh tế gia đình. Vì giao dịch nhiều nên Kim cần sử dụng thẻ tín dụng thanh toán để được hoàn tiền. 

    Năm 2020, Kim tỉ tê vay tiền bằng cách nhờ tôi đứng tên 1 tài khoản tín dụng để Kim sử dụng tiền từ thẻ tín dụng đó. Kim tiêu bao nhiêu trong thẻ thì ngân hàng sẽ báo tới số điện thoại của tôi, rồi Kim sẽ trả lại bằng tiền mặt để tôi thanh toán với ngân hàng. 

    Thời gian đầu, tài khoản tín dụng do tôi đứng tên có hạn mức 70 triệu đồng, nên Hà Thị Kim chi tiêu dưới hạn mức đó và trả lại tôi tiền mặt. Vì thấy Kim vẫn trả lại những khoản đã chi tiêu trong tài khoản tín dụng nên tôi không mảy may nghi ngờ. Sau đó, tài khoản tín dụng này được nâng hạn mức lên 100 triệu đồng.

    Tháng 1 năm 2021, Hà Thị Kim lại nhờ tôi đứng tên vay 40 triệu đồng của một tổ chức tín dụng tại Hà Nội. Hà Thị Kim nói với tôi rằng, khoản vay 40 triệu đồng này, Kim sẽ thay tôi trả cho tổ chức tín dụng trong vòng một tháng. Trong giấy xác nhận vay nợ với tôi, Hà Thị Kim khẳng định: “Sau khi thực hiện thành công hợp vay tiền đồng số 20…, tôi là người cầm tiền, Gấm không cầm một đồng nào trong số đó”. 

    Mạo danh tòa án lừa đảo, tống tiền qua điện thoại

    Ảnh minh họa

    Vay tiền rồi trả bằng… lời hứa

    Tuy nhiên, đến tháng 3 năm 2021, tôi choáng váng khi nhân viên ngân hàng nơi tôi đứng tên tài khoản tín dụng gọi thông báo tôi phải chi trả toàn bộ số tiền đã tiêu hết hạn mức 100 triệu đồng cũng như khoản lãi hàng tháng. Tôi giật mình gọi đến tổ chức tín dụng mà tôi đã đứng tên vay 40 triệu đồng giúp Kim thì một lần nữa té ngửa bởi Kim không hề trả lãi cho tổ chức này chứ đừng nói tới gốc. 

    Tôi hẹn gặp Kim thì chị ta tỏ thái độ trâng tráo nói chưa có tiền trả. Khi người thân tôi làm căng thì Kim hứa hẹn đủ điều, viết giấy vay nợ. Cho đến hôm nay, chị ta chưa trả lại tôi 1 xu nào trong tổng số gần 200 triệu đồng lừa vay của tôi”, chị Gấm buồn bã kể. 

    Chị Gấm cho biết thêm, những ngày sau đó, ngân hàng và tổ chức tín dụng liên tục gọi điện cho chị đòi nợ. Thậm chí chị còn bị đe doạ nếu không trả tiền. Để khắc phục hậu quả, chị Gấm phải phiền luỵ đến gia đình. Bố mẹ chị Gấm công việc không ổn định, không có tích luỹ. Ông nội chị Gấm ở tuổi gần đất xa trời phải đứng ra vay mượn họ hàng để giải quyết nợ nần cho cháu gái.

    Cũng trong thời gian phát hiện mình bị Hà Thị Kim lừa vay, chị Gấm đau đớn biết Kim còn “vay tiền trả lời hứa” của nhiều đồng nghiệp nơi chị công tác và những người bên ngoài cơ quan với số tiền lên tới vài tỷ đồng. Ai tìm gặp đòi tiền thì ả lại dùng bài cũ rích là hứa hẹn. Nếu ức chế nổi nóng thì ả tỏ thái độ bất cần.

    “Qua sự việc này, tôi đã tìm hiểu và biết được Hà Thị Kim đang lợi dụng những bất cập của pháp luật trong xử lý vay mượn để chiếm đoạt tiền mồ hôi nước mắt của bao người, khiến họ thiệt hại đau đớn. Tôi mong các cơ quan pháp luật sớm sửa đổi, bổ sung các chế tài để ngăn chặn tình trạng nợ khó đòi và xử lý những kẻ gian trá, làm bậy như Hà Thị Kim”, chị Gấm nói.

    L.C

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quai-chieu-bien-dong-nghiep-tu-chu-no-thanh-con-no-a517243.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.