+Aa-
    Zalo

    Quân đội Mỹ, Trung Quốc bàn bạc về trao trả thiết bị lặn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, quân đội Mỹ và quân đội nước này đang tiến hành đàm phán mà "không gặp trở ngại" về việc trao trả thiết bị lặn của Mỹ...

    (ĐSPL) - Ngày 19/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, quân đội Mỹ và quân đội nước này đang tiến hành đàm phán mà "không gặp trở ngại" về việc trao trả thiết bị lặn của Mỹ do Bắc Kinh thu giữ trên Biển Đông hồi tuần trước.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bày tỏ tin tưởng rằng vấn đề thiết bị lặn của Mỹ sẽ được giải quyết một cách thỏa đáng, TTXVN đưa tin.

    Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cáo buộc Washington thổi phồng vấn đề.

    Giới truyền thông và chuyên gia Trung Quốc cáo buộc thiết bị lặn của hải quân Mỹ bị Bắc Kinh thu giữ ngày 15/12 trên Biển Đông là một phần trong nỗ lực do thám của Washington tại vùng biển này, Vnexpress dẫn tin Reuters ngày 19/12 cho biết.

    Phiên bản tiếng Anh của tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay đăng bài xã luận cho rằng tàu khảo sát USNS Bowditch của Mỹ vận hành thiết bị lặn trên, "liên tục vi phạm" khi tiến hành hoạt động gián điệp chống lại Trung Quốc vào năm 2001 và 2002.

    Tàu USNS Bowditch của Mỹ. - Ảnh: Reuters

    Tàu từng hoạt động ở vùng biển Hoàng Hải và bị các tàu hải quân Trung Quốc theo đuôi. Nó cũng từng hoạt động ở eo biển Đài Loan trong quá khứ, bài xã luận viết và thêm rằng tàu là "phần nổi của tảng băng chìm" trong chiến lược quân sự Mỹ nhắm vào Trung Quốc.

    "Việc giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng trong hành vi của thiết bị lặn không thể che đậy ý đồ thực sự phía sau", theo báo Trung Quốc.

    Giáo sư Ma Gang, thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, mô tả tàu USNS Bowditch của hải quân Mỹ là một tàu do thám quân sự "khét tiếng", đã nhiều lần do thám các vùng biển ven Trung Quốc.

    "Dữ liệu đại đương rất quan trọng cho kế hoạch thành lập các hạm đội, thiết lập tuyến đường dành cho tàu ngầm cũng như các kế hoạch chiến đấu. Chính vì thế, việc hải quân Trung Quốc nghi ngờ hoạt động của Bowditch là chuyện bình thường", giáo sư Ma nhấn mạnh.

    Zhang Huang, giám đốc trung tâm Nghiên cứu an ninh thuộc Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng Mỹ luôn mượn những lý do dân sự để thu thập những thông tin có ý nghĩa về quân sự.

    "Ngay cả khi được giám sát chặt chẽ tại Biển Đông, thiết bị lặn của Mỹ cũng có thể thu thập những thông tin liên quan đến các tuyến đường tàu ngầm của hải quân, de dọa nghiêm trọng đến an ninh hàng hải của Trung Quốc", ông Zhang tuyên bố.

    Lầu Năm Góc hôm 17/12 xác nhận Trung Quốc nhất trí trao trả thiết bị lặn không người lái cho Mỹ. Washington cho rằng thiết bị lặn của do USNS Bowditch vận hành hoạt động một cách hợp pháp nhưng Trung Quốc hôm 15/12 thu giữ trái phép thiết bị ở cách Vịnh Subic, Philippines khoảng 90 km về phía tây bắc. Thiết bị lặn khi đó thu thập dữ liệu về độ mặn, nhiệt độ và độ trong của nước.

    ĐIỀU 27. Khoản 1, Khoản 2  Quyền tài phán hình sự ở trên một tàu nước ngoài (Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, năm 1982

    1. Quốc gia ven biển không được thực hiện quyền tài phán hình sự của mình ở trên một tàu nước ngoài đi qua lãnh hải để tiến hành việc bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm sau một vụ vi phạm hình sự xảy ra trên con tàu trong khi nó đi qua lãnh hải, trừ các trường hợp sau đây:

    a) Nếu hậu quả của vụ vi phạm đó mở rộng đến quốc gia ven biển;

    b) Nếu vị vi phạm có tính chất phá hoại hòa bình của đất nước hay trậttự trong lãnh hải;

    c) Nếu thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc một viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu mang cờ yêu cầu sự giúp đỡ của các nhà đương cục địa phương hoặc

    d) Nếu các biện pháp này là cần thiết để trấn áp việc buôn lậu chất ma túy hay các chất kích thích.

    2. Khoản 1 không đụng chạm gì đến quyền của quốc gia ven biển áp dụng mọi luật pháp mà luật trong nước mình qui định nhằm tiến hành các việc bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm ở trên con tàu nước ngoài đi qua lãnh hải, sau khi rời khỏi nội thủy.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

    Link nguồn:http://thuvienphapluat.vn

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-doi-my-trung-quoc-ban-bac-ve-trao-tra-thiet-bi-lan-a174832.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan