+Aa-
    Zalo

    Quảng Nam: Sạt lở đất chia cắt nhiều tuyến đường sau lũ dữ

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã khiến sạt lở đất, nhiều tuyến đường các huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Tiên Phước (Quảng Nam) bị chia cắt.

    (ĐSPL) - Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã khiến sạt lở đất, nhiều tuyến đường ở các huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Tiên Phước (Quảng Nam) bị chia cắt.

    Báo Tri thức trực tuyến cho biết, những ngày qua, do mưa lớn, tại tỉnh Quảng Nam liên tục xảy ra sạt lở đất chắn ngang mặt đường khiến xe cộ lưu thông khó khăn và đè sập một số nhà dân.

    Tại huyện miền núi Bắc Trà My, tuyến đường ĐH 8 từ xã Trà Đốc đi Trà Bui bị sạt lở gần 30m. Giao thông qua tuyến này gần như bị chia cắt hoàn toàn.

    Theo ghi nhận, ngoài các vị trí sạt lở lớn, trải dài trên tuyến còn một lượng lớn đất đá vương vãi trên đường khiến việc lưu thông của người dân gặp trở ngại.

    Tuyến đường ĐH 8 từ xã Trà Đốc đi Trà Bui bị sạt lở gần 30m. Ảnh: Tri thức trực tuyến.

    Nước lũ chia cắt đường điểm nối kết giữa 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My tại điểm cầu sông Trường. Tại đây, mặt đường lầy lội bùn đất và xuất hiện khu vực nước chảy xiết gây nguy hiểm.

    Trên các tuyến đường xung yếu, lực lượng chức năng huyện Bắc Trà My luôn có mặt chốt gác, đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời tổ chức dọn đường, giúp người đi đường di chuyển nhanh qua khu vực trong điều kiện thời tiết xấu.

    Việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Ảnh: Thanh niên.

    Tình trạng lở đất đá cũng xảy ra gây sập nhà dân. Tại thôn 6, xã Trà Tân (đoạn qua thủy điện Sông Tranh 2), nhà của ông Nguyễn Hữu Phước (40 tuổi) bị đất đá ập xuống làm đổ sập hoàn toàn. Theo chủ nhà, những người trong gia đình may mắn thoát nạn.

    Nhà ông Phước bị đất đá đổ xuống làm sập hoàn toàn. Ảnh: Tri thức trực tuyến.

    Trao đổi trên báo Thanh niên, ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Trà My xác nhận tình trạng lưu thông trên địa bàn huyện đang bị tê liệt, cô lập 6 xã vùng cao của huyện.

    “Mưa lũ làm làm sạt lở đất, gây sập nhà của 3 ngôi nhà dân, rất may là không có thiệt hại về người. Hiện tại địa phương huyện đã huy động lực lượng để dời vật dụng, đồ đạc của người dân đến nơi an toàn”, ông Thiệu thông tin thêm.  

    Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau:

    "1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:

    a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

    b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

    c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

    d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

    đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

    e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

    2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau:

    a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;

    b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

    c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu;

    d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai".

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quang-nam-sat-lo-dat-chia-cat-nhieu-tuyen-duong-sau-lu-du-a174762.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Sạt lở ở Cần Thơ do hố xoáy tự nhiên

    Sạt lở ở Cần Thơ do hố xoáy tự nhiên

    Ngày 5.10, xảy ra vụ sạt lở lớn trên sông Cần Thơ, đoạn thuộc địa bàn P.Xuân Khánh (Ninh Kiều) khiến người dân lo lắng. Hiện tình trạng sạt lở đã được tạm thời khắc phục.