+Aa-
    Zalo

    "Quang Trung - Nguyễn Huệ là cha con": Đừng đổ lỗi cho học sinh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Tôi cho rằng đây là bài học vô cùng đau xót cho chúng ta. Lỗi ở đây không thuộc về các em học sinh, cái này nằm ở cách thức giảng dạy lịch sử...

    (ĐSPL) - "Tôi cho rằng đây là bài học vô cùng đau xót cho chúng ta. Lỗi ở đây không thuộc về các em học sinh, cái này nằm ở cách thức giảng dạy lịch sử của chúng ta có vấn đề" - Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận định.

    [mecloud]yGkmDQT18Y [/mecloud]

    Học sinh ngô nghê trả lời về Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ

    Ngày 11/7 vừa qua, Chương trình Chuyển động 24h của VTV1 đã phát một clip báo động tình trạng hổng kiến thức Lịch sử của học sinh hiện nay.

    Tượng Vua Quang Trung Nguyễn Huệ.

    Các phóng viên của chương trình đã hỏi một số học sinh (độ tuổi thuộc bậc THCS) trên hai tuyến phố Tây Sơn và Đặng Tiến Đông của thủ đô Hà Nội với câu hỏi về vị vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.

    Mặc dù "Gò Đống Đa là một di tích lịch sử gắn liền với trận đại phá và chiến thắng quân Thanh của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vào thế kỷ thứ 18. Kiến thức quan trọng này đã được nhắc đến rất là nhiều lần trong cuốn sách giáo khoa Lịch sử từ cấp 1 đến cấp 3", thế nhưng, câu trả lời nhận được từ các em học sinh lại khiến rất nhiều người bất ngờ.

    Một số em cho biết,  Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai người khác nhau, có những mối quan hệ như: Hai anh em, bố con, bạn bè cùng chiến đấu.

    Các em học sinh ngô nghê trả lời về câu hỏi Quang Trung và Nguyễn Huệ là ai?

    Một học sinh hồn nhiên cho biết: "Quang Trung là tên trường em đang học". Khi được hỏi tên trường, nam sinh trả lời: "Trường em là trường Nguyễn Du".

    Trong khi đó, sách giáo khoa Lịch sử ở các cấp từ tiểu học, đều nhắc đến trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) chỉ huy đánh thắng quân Thanh vào thế kỷ 18.

    Đoạn clip của chương trình Chuyển động 24h đã nhanh chóng được cư dân mạng chia sẻ và bình luận rôm rả. Không ít bạn cho rằng các em học sinh bây giờ nên chú trọng hơn tới Lịch sử và hãy cố gắng nhớ được những điều cơ bản như trên, để tránh trường hợp bị hỏi và có những câu trả lời vô cùng ngô nghê.

    Đừng vội trách các em học sinh

    Liên quan tới vấn đề này, PV báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

    Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho biết: "Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi có nắm được thông tin nhiều em học sinh tại Hà Nội trả lời sai về câu hỏi rất đơn giản: Quang Trung và Nguyễn Huệ là ai? Điều bất ngờ là các em lại trả lời Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em; hay Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai bố con, họ là bạn cùng chiến đấu... Trong khi đó ai cũng biết Quang Trung và Nguyễn Huệ là một".

    Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

    "Đừng phì cười trước những câu trả lời ngô nghê của các em học sinh. Tôi cho rằng đây là bài học vô cùng đau xót cho chúng ta. Lỗi ở đây không thuộc về các em học sinh, cái này nằm ở cách thức giảng dạy lịch sử của chúng ta có vấn đề. Lịch sử, một bộ môn đáng lẽ là phải hấp dẫn với các em học sinh, nhưng từ giáo trình, tới giáo khoa, cho tới thầy, cô giảng dạy lại thực hiện một cách nhồi nhét, khuôn mẫu" - Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nhận định.

    Đưa ra quan điểm về cách thức giảng dạy bộ môn Lịch sử, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho biết: "Cùng một nội dung thông tin, nhưng thay vì phương pháp dạy lịch sử chỉ bê nguyên trong sách giáo khoa, sao chúng ta không hướng dẫn các em một cách gần gũi hơn. Như bài học về Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, sao chúng ta không dẫn các em tới Gò Đống Đa, hướng dẫn cho các em biết trận đánh ở Gò Đống Đa trong lịch sử như thế nào. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh ở đây ra sao?… Nếu chúng ta có thể giảng dạy như vậy thì các em học sinh sẽ thấm hơn là ngồi trong phòng học và nghe thầy cô thao thao bất tuyệt."   

    "Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, báo chí đã nêu có những phòng không có học sinh thi môn Lịch sử, có những phòng chỉ có một hoặc hai thi sinh tham dự kỳ thi. Rõ ràng vấn đề ở đây là phương pháp, cách thức, tổ chức, học tập về môn Lịch sử. Phải làm sao đó để môn học này cũng hấp dẫn như các bộ môn khác. Đây là câu hỏi mà các cấp trong ngành giáo dục phải trả lời được câu hỏi đó" - Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho biết thêm.

    XUÂN TÙNG

    Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (1753-1792) hay còn được gọi là Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, hoặc  "Anh hùng áo vải Quang Trung" là vị vua thứ hai của nhà Tây Sơn. Ông quê ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

    Nguyễn Huệ được xem là một thiên tài quân sự.  Vào Nam ra Bắc xuất quỷ nhập thần. Mỗi lần xông trận, ông thường dẫn quân đi đầu. hiệu lệnh nghiêm minh, kỷ luật sắt thép, hành quân thần tốc: 

    Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến: Trịnh ở phía Bắc và Nguyễn ở phía Nam. 

    Ngoài ra, Nguyễn Huệ cũng đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía Nam, của Đại Thanh từ phía Bắc.

    - Năm 1789, hơn 200,000 quân Thanh sang xâm lược nước ta, chiếm thành Thăng Long. Quân Tây Sơn do Ngô văn Sở chỉ huy rút về Tam Điệp. Để cho việc lãnh đạo được danh chính ngôn thuận, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế niên hiệu Quang Trung tại Phú Xuân và thống lĩnh thủy bộ ra Bắc diệt quân xâm lược nhà Thanh, giải phóng Thăng Long và Bắc Hà.
    Ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu, trời còn chưa sáng, Nguyễn Huệ thân chinh đốc chiến, cho hơn trăm voi tiến lên trước, bộ binh theo sau, đánh nhau kịch liệt với quân Thanh. Giữa trưa, ông cùng với tướng sĩ, chiến bào nhuộm đen khói thuốc súng, tiến vào Thăng Long, kết thúc chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử.

    Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Quang Trung đã đề ra chính sách cầu hiền cùng nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ xây dựng Đại Việt.

    [mecloud]hwnpW7Viyo[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quang-trung---nguyen-hue-la-cha-con-dung-do-loi-cho-hoc-sinh-a102028.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.