+Aa-
    Zalo

    Nam sinh bị “đuổi” học vì cắt tóc khác biệt: Tranh cãi về cách xử lý của nhà trường

    • DSPL
    ĐS&PL Thông tin nam sinh lớp 9 cắt tóc “khác biệt” bị Hiệu trưởng “đuổi” học lan truyền, nhiều ý kiến trái chiều về chuyện đúng - sai.

    Thông tin nam sinh lớp 9 cắt tóc “khác biệt” bị Hiệu trưởng “đuổi” học lan truyền, nhiều ý kiến trái chiều về chuyện đúng - sai. Nhưng chung quy lại, tất cả đều mong muốn sẽ có một nhân cách tốt được hình thành, bởi thế, việc giáo dục cần có sự định hướng đúng đắn, phối kết hợp từ gia đình, nhà trường và đặc biệt là tôn trọng, uốn nắn phù hợp “cái tôi” của mỗi học sinh.

    Chỉ là hiểu lầm?!

    Vừa qua, một tài khoản Facebook có tên Nguyễn Thị Phương Hoa đã đăng tải bài viết trên trang cá nhân, với nội dung bày tỏ bức xúc khi một học sinh lớp 9 trường THCS Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cắt kiểu tóc “khác biệt” bị Hiệu trưởng “đuổi” về nhà trong hai ngày đầu tiên trở lại trường (ngày 4 - 5/5).

    Ngay sau khi bài đăng trên xuất hiện, dư luận không ngừng tranh cãi về vấn đề ai đúng, ai sai? Bên cạnh một số quan điểm ủng hộ việc học sinh này có quyền thể hiện cá tính, là hàng loạt bình luận tỏ ra phản đối vì học sinh phải tuân thủ nội quy của nhà trường.

    Câu chuyện được chia sẻ trên FB.

    Trao đổi với PV ĐS&PL bà Bùi Thị Hương - Hiệu trưởng trường THCS Phú Diễn - chia sẻ: “Đây là chuyện xảy ra từ ngày 4/5, ngày đầu tiên học sinh trường THCS Phú Diễn đi học trở lại. Tuy nhiên, nội dung được đăng tải trong bài viết của tài khoản Nguyễn Thị Phương Hoa trên Facebook kia là không đúng!

    Khoảng 7h15 sáng hôm đó, học sinh H. (lớp 9A1) đến trường, cô Phó Hiệu trưởng thấy kiểu tóc của em H. có sự “khác biệt”, tóc dài và vuốt gel ngược về phía sau gáy, nên đã gọi điện cho mẹ của H.. Ban đầu, nhà trường muốn trao đổi để phụ huynh nắm được thông tin và đưa con đi cắt tóc, nhưng phụ huynh bận nên không thể đến trường đón con.

    Khi tôi xuống cổng trường, định bảo cho em H. vào lớp học bình thường thì thầy giáo Thể dục đã đưa H. về nhà. Đây là sự sơ suất thuộc về nhà trường, đáng lẽ, trước khi quyết định đưa H. về nhà, thầy phải báo cáo với ban Giám hiệu. Sau đó, phụ huynh đã hiểu lầm tôi đuổi học em. Trong lúc bức xúc ở thời điểm đó, mẹ của H. đã chia sẻ thông tin này và gửi kèm hình ảnh cho một giáo viên dạy trung tâm mà H. đang theo học và câu chuyện đã được đăng tải như vậy.

    Ngay sau khi biết chuyện H. về nhà, nhà trường đã liên lạc với mẹ của H., trao đổi để mẹ cho con đi cắt tóc rồi trở lại trường ngay trong buổi chiều, đảm bảo kiến thức, nhưng mẹ bảo cho con nghỉ một ngày. Sáng hôm sau (ngày 5/5), em H. vẫn đi học bình thường”.

    Thầy giáo Thể dục Phạm Thành Duy cũng trần tình: “Sáng 4/5, tôi được phân công nhiệm vụ đo thân nhiệt cho học sinh tại cổng trường, thấy cô Phó Hiệu trưởng gọi điện trao đổi với phụ huynh em H. xong, H. vẫn đứng đó, tôi gợi ý đưa em về nhà để đi cắt tóc, chiều còn trở lại trường học. H. đồng ý nên tôi đã đưa em về. Tôi chỉ nghĩ, đưa H. về sớm thì có thời gian đi cắt tóc để trở lại trường sớm hơn”.

    “Ngày 7/5, khi phụ huynh em H. đến trường, trao đổi cùng ban Giám hiệu, đã không còn chút băn khoăn nào về chuyện này nữa. Nhà trường đã trao đổi để phụ huynh nói chuyện với tài khoản Nguyễn Thị Phương Hoa, phụ huynh cũng đề nghị không cung cấp thông tin về H. thêm để tâm lý con không bị xáo trộn, ảnh hưởng việc học” - bà Bùi Thị Hương thông tin thêm.

    Vị Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi tôn trọng cá tính, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân, nhưng ít nhất, điều đó phải nằm trong khuôn khổ, nếu “thả lỏng”, có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến chính học sinh”.

    Trường THCS Phú Diễn.

    Tranh cãi về cách xử lý của nhà trường

    Trước câu chuyện nam sinh lớp 9 phải về nhà trong ngày đầu đến trường vì kiểu tóc “khác biệt”, nhiều học sinh, phụ huynh, giáo viên đã bày tỏ những quan điểm khác nhau.

    Thầy Nguyễn Hồng Quân, giáo viên THCS Cốc Ly (Lào Cai) cho rằng: “Nam sinh để kiểu tóc “khác biệt” có thể do muốn thể hiện cá tính, hoặc có cái nhìn nghệ thuật, có quan điểm thẩm mỹ khác với mọi người. Ai cũng có quyền thể hiện cá tính của mình, nhưng nên được đặt trong môi trường và hoàn cảnh phù hợp”.

    Chị Lê Ngọc Quỳnh (Hà Nội) cho biết: “Tôi không đánh giá người khác qua hình thức, nhưng tôi tin, điều này sẽ phần nào có tác động tới phong cách và hành vi của một con người. Có thể không phải hoàn toàn, nhưng nếu một người không ý thức được việc làm nào là hợp quy với môi trường đang tồn tại thì cũng cần có những biện pháp để uốn nắn. Ít nhất cũng biết ở đâu nên mặc quần đùi, áo phông, ở đâu nên mặc vest..., không phải cứ “vin cớ” hiện đại để “làm bừa”. Kiểu tóc của cậu học trò kia có thể là không sao với ai đó, nhưng tôi cho rằng không phù hợp trong môi trường học phổ thông”.

    Đồng tình với quan điểm của vị phụ huynh này, nữ sinh Lê Nguyễn Yến Anh (trường THPT Thăng Long, Hà Nội) cho rằng: “Theo em, nhà trường đã có quy định về trang phục, đầu tóc,... thì học sinh nên tuân thủ, điều đó thể hiện ý thức... Môi trường giáo dục đòi hỏi sự chuẩn mực. Bản thân mỗi người đều có quyền thể hiện cá tính nhưng không có nghĩa là thể hiện bằng việc làm trái với quy định đã đề ra. Bản thân em ngày trước, có lần mặc quần sai đồng phục đến trường, cũng bị giám thị giữ lại ở phòng bảo vệ, gọi điện cho bố mẹ mang quần đồng phục đến thay, nếu không, sẽ không được vào lớp và bị hạ hạnh kiểm... Sau lần đó, em không tái phạm nữa”.

    Bà Trần Thị Mỹ Lâm - Hiệu trưởng trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Trường tôi cũng có một câu chuyện tương tự, khi học sinh quay trở lại trường, có một nam sinh để tóc dài, làm “xù bông” lên. Khi tôi hỏi chuyện, con giải thích, do vừa thực hiện giãn cách xã hội nên con không thể đi cắt tóc được. Tôi vẫn để con vào lớp học bình thường và nhắc nhở con về cắt tóc.

    Đối với câu chuyện nội quy, tôi cho rằng, tất cả những nội quy, quy định trong nhà trường cũng đều trên cơ sở, căn cứ của trường trung học. Khi đã xây dựng nội quy, đều đã có sự thống nhất, cam kết thực hiện giữa nhà trường với phụ huynh và học sinh. Khi học sinh vi phạm, nhà trường sẽ uốn nắn, chứ cũng không xử lý căng thẳng”.

    Mặc dù ủng hộ quan điểm tuân thủ nội quy, bởi “trong điều lệ của nhà trường cũng đã ghi rất rõ quy định nam phải cắt tóc ngắn, gọn gàng,...”, nhưng bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đánh giá: “Cách xử lý của trường theo nội dung được đăng tải, tôi cho rằng chưa được “uyển chuyển”.

    Học sinh đã trót cắt tóc như vậy, thì cứ để học sinh vào học, rồi về nhà cắt lại tóc cho phù hợp sau, như vậy sẽ khiến học sinh cảm thấy được tôn trọng. Tôi quan niệm, học sinh cũng như con mình, đặc biệt ở độ tuổi thích thể hiện cá tính, thể hiện cái tôi thì tôi không bao giờ căng thẳng hay có ý định “thiết quân luật”.

    Cũng có những học sinh vi phạm tương tự, tôi dùng thái độ nhẹ nhàng để nhận xét, khuyên răn: “Cô thấy con cắt tóc như thế này chưa đẹp”, hôm sau, trò đó sửa lại ngay. Có học sinh mặc quần đùi đến trường, tôi bảo: “Quần đùi của con còn đắt hơn quần đồng phục đấy, nhưng con có thấy mình đang mặc khác biệt với các bạn không? Cô thấy như vậy không đẹp!”. Vậy là học sinh thay đổi... Và rồi, bản thân mỗi học sinh cũng dần nhận ra, nội quy của trường tồn tại cũng là vì chính học sinh”.

    Tôn trọng cá tính trong khuôn khổ

    Trước câu chuyện “hiểu lầm” trên, một phụ huynh bày tỏ: “Theo tôi, nội quy là để dạy con người ta vào khuôn khổ, biết trên biết dưới, ra đời biết “mềm nắn rắn buông”. Con cái còn nhỏ thì cứ để nhà trường kèm cặp, chứ hơi một tí là bênh chằm chặp, sau này hư, lại hối không kịp. Phụ huynh nào cảm thấy nền giáo dục không phù hợp thì hãy thử cho con ở nhà, tự dạy, sẽ hiểu thôi...”.

    Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng - Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý 247 - cũng phân tích: “Trong quá trình phát triển của con người, mỗi giai đoạn đều có những khủng hoảng và vấn đề cần phải giải quyết. Tuổi vị thành niên là giai đoạn phát triển mạnh mẽ về thể chất và tinh thần, giai đoạn “cái tôi” của mỗi người được thể hiện rõ nhất, muốn chứng minh và được mọi người công nhận mình như một người trưởng thành. Điều đó khó tránh khỏi những biểu hiện thích “đi lệch hướng” của một số quy tắc... Cả phụ huynh và nhà trường cần hết sức lưu ý để có những uốn nắn kịp thời.

    Có những trường hợp phụ huynh chưa cần biết con mình đúng hay sai ở nhà trường, đều bênh con mình, thì hệ lụy cũng rất lớn đối với sự phát triển của đứa trẻ. Đứa trẻ sau này tính cách sẽ rất ngạo mạn và luôn cho mình là đúng, bởi những điều đứa trẻ hồi nhỏ sai thì bố mẹ đều biện minh cho nó là đúng. Điều đó hình thành nên một con người ích kỷ và bảo thủ sau này. Chính vì vậy, tôi mong các bậc phụ huynh không nên “nóng vội”, luôn bình tĩnh để suy xét kỹ lưỡng trước mỗi tình huống, tránh những chuyện ngoài ý muốn xảy ra”.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng tạp chí Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (77)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-sinh-bi-duoi-hoc-vi-cat-toc-khac-biet-tranh-cai-ve-cach-xu-ly-cua-nha-truong-a323573.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.