+Aa-
    Zalo

    An toàn trong bữa ăn học đường: Hiệu trưởng không thể trốn tránh trách nhiệm

    • DSPL
    ĐS&PL Hàng loạt sự cố an toàn vệ sinh thực phẩm trong học đường đang khiến nhiều phụ huynh hoang mang về chất lượng bữa ăn bán trú và băn khoăn trách nhiệm của nhà trường.

    Hàng loạt sự cố an toàn vệ sinh thực phẩm trong học đường đang khiến nhiều phụ huynh hoang mang về chất lượng bữa ăn bán trú và băn khoăn trách nhiệm của nhà trường.

    Phụ huynh “sốt xình xịch”

    Năm học mới 2020 - 2021 vừa bắt đầu, nhưng tại nhiều địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các sự cố về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các trường học khiến phụ huynh không khỏi lo lắng về bữa ăn bán trú của con ở trường. Một lần nữa, hồi chuông báo động về chất lượng bữa ăn học đường lại được gióng lên và đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa từ cơ quan chức năng.

    Trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) - cho biết: “Trong các học sinh có triệu chứng bị rối loạn tiêu hóa và nghỉ học, có 9 học sinh đã được gia đình đưa đến khám tại các cơ sở y tế, được kê đơn thuốc điều trị tại nhà và hiện tại sức khỏe đều dần ổn định. Theo thông tin từ gia đình các học sinh còn lại, tình hình sức khỏe của các em cũng đã dần ổn định. Hiện tại, công tác tổ chức cho học sinh ăn bán trú của trường tiểu học Nguyễn Trãi diễn ra bình thường.

    Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội).

    Phòng GD&ĐT quận Hà Đông đã phối hợp với cơ quan y tế, UBND phường Nguyễn Trãi, mời chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về làm việc tại trường tiểu học Nguyễn Trãi và chỉ đạo triển khai một số công việc để làm rõ sự việc. Theo đó, trường tiểu học Nguyễn Trãi đã tổ chức họp toàn bộ giáo viên của các lớp, nắm tình hình học sinh nghỉ học và tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của từng học sinh trong những ngày tiếp theo”.

    Đoàn công tác cũng đã chỉ đạo nhà trường tiến hành khử trùng, vệ sinh toàn bộ khu vực bếp ăn, đồ dùng dụng cụ chế biến và chứa đựng thực phẩm; niêm phong lưu mẫu thực phẩm 3 ngày (30/10 và ngày 2- 3/11), lấy mẫu sữa học đường, nước sinh hoạt, nước uống đóng bình của trường tiểu học Nguyễn Trãi và gửi đi làm xét nghiệm. Hiện tại, nguyên nhân chính khiến nhiều học sinh nghỉ học vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Hà Đông cũng khuyến cáo: “Do đây là thời điểm giao mùa, nhiều dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các bậc phụ huynh cần tăng cường phối hợp với nhà trường quan tâm theo dõi, chăm sóc sức khỏe học sinh nhiều hơn”.

    Trước đó, những ngày đầu tháng 9/2020, liên tiếp xảy ra sự cố an toàn thực phẩm tại trường tiểu học Tiên Dương và trường tiểu học Lê Hữu Tựu (Đông Anh, Hà Nội). Trường tiểu học Phước Long 1 (Nha Trang, Khánh Hòa) cũng bị nhiều phụ huynh tố suất ăn của trường nghèo nàn về thực phẩm, có dấu hiệu mất an toàn vệ sinh thực phẩm và dấu hiệu bị “cắt xén”. Vừa qua, liên quan đến việc hàng trăm phụ huynh phản đối suất ăn bán trú vì không đảm bảo chất lượng xảy ra tại trường tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TP.Hồ Chí Minh), Hiệu trưởng đã lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm.

    Hàng loạt sự cố về an toàn vệ sinh thực phẩm trên đang khiến nhiều phụ huynh cảm thấy hoang mang, lo ngại cho sức khỏe của các con khi ăn bán trú tại trường. Chị Nguyễn Thị Hằng (một phụ huynh tại Hoài Đức, Hà Nội) bày tỏ: “Mặc dù trường con tôi học chưa xảy ra sự cố tương tự nhưng tôi vẫn thực sự lo lắng. Chỉ cần một chút lơ là, là các con rất có thể sẽ phải ăn những bữa ăn kém chất lượng. Vì vậy, chúng tôi mong các cơ quan chức năng hãy sát sao giám sát, kiểm tra để đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe của các con”.

    Không phải cứ khoán là không chịu trách nhiệm

    Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch hội Khoa học Tâm lý, Giáo dục Việt Nam - bày tỏ: “Theo tôi, việc đảm bảo an toàn trong bữa ăn bán trú cho học sinh cần được coi trọng. Trước hết, chúng ta phải quan niệm, an toàn cho trẻ em khi đến trường là nhiệm vụ số 1, nếu trẻ không được an toàn thì tất cả mọi cố gắng của mỗi nhà trường đều trở nên vô nghĩa. Đối với cha mẹ học sinh khi gửi con đến trường, họ mong con được an toàn trước rồi mới đến hiệu quả học tập, rèn luyện...

    TS. Nguyễn Tùng Lâm.

    Chính vì vậy, đây là trách nhiệm của toàn thể hệ thống, không thể nghĩ, đây là việc riêng của nhà bếp, của bộ phận này, bộ phận kia... Đi kèm với đó là cách tổ chức phải khoa học, đảm bảo yêu cầu khách quan, trước hết, phân chia rõ ràng nhiệm vụ giám sát từng khâu, nhập thực phẩm, sơ chế, chế biến... đều theo đúng quy trình, đội ngũ giám sát có thể bao gồm giáo viên nhà trường và phụ huynh. Tất cả các bữa ăn của học sinh đều phải được lưu mẫu nghiêm ngặt.

    Đồng thời, phải có sự kiểm soát một cách thường xuyên, chứ không phải chờ đến đợt thanh, kiểm tra của các ban ngành mới đi giám sát. Mỗi nhà trường chịu trách nhiệm kiểm soát hàng ngày, hàng giờ. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất, trực tiếp quản lý, kiểm soát và tổ chức thực hiện bữa ăn an toàn cho học sinh”.

    “Không chỉ có vậy, khẩu phần ăn cho học sinh phải đảm bảo dinh dưỡng và được phân phối, tính toán đúng tiêu chuẩn, không được bớt xén của học trò. Trên quan điểm, đối với trẻ em, đã không tìm cách thêm khẩu phần thì thôi, chứ đừng có tính đến chuyện bớt khẩu phần. Bởi, khẩu phần ăn và dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của trẻ.

    Ngay cả khi nhà trường khoán cho đơn vị cung cấp thức ăn bên ngoài thì cũng phải giám sát thật chặt chẽ, thường xuyên cả về khẩu phần ăn cả về chất lượng bữa ăn và an toàn thực phẩm. Trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường phải được nêu cao, không thể nói khoán trắng cho đơn vị bên ngoài là có thể không chịu trách nhiệm được. Đó là chưa kể, ở một số cơ sở giáo dục, còn có hiện tượng, Hiệu trưởng thông đồng với đơn vị cung cấp suất ăn để bớt xén, tư lợi...” - TS. Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

    Tính đến ngày 6/11/2020, tại trường tiểu học Nguyễn Trãi, số học sinh nghỉ học là 35 em, có triệu chứng đau bụng là 7, sốt ốm là 10, nghỉ việc gia đình là 18 em.

    Trường tiểu học Nguyễn Trãi có 32 lớp với 1.722 học sinh, gần 100% học sinh ăn bán trú tại trường. Được biết, trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn với công ty cổ phần Suất ăn công nghiệp Hà Nội. Ngày 2/11, có 160 học sinh nghỉ học với 30 em có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, 130 em nghỉ học vì nguyên nhân khác. Ngày 3/11 có 153 học sinh nghỉ học, ngày 4/11 có 75 học sinh nghỉ học. Đến ngày 5/11, toàn trường có 45 em nghỉ học, trong đó, có 26 học sinh bị sốt, sốt do viêm họng, sốt xuất huyết; 9 học sinh đau bụng và 10 học sinh nghỉ vì lý do khác.

    Phòng GD&ĐT quận Hà Đông đã phối hợp với cơ quan y tế, UBND phường Nguyễn Trãi, mời chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về làm việc, niêm phong lưu mẫu, lấy mẫu thực phẩm gửi đi làm xét nghiệm. Dự kiến ngày 10/11 sẽ có kết quả.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (48)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/an-toan-trong-bua-an-hoc-duong-hieu-truong-khong-the-tron-tranh-trach-nhiem-a345487.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan