+Aa-
    Zalo

    Quốc hội bàn giải pháp thuận lợi, minh bạch cho kinh doanh bảo hiểm

    • DSPL
    ĐS&PL Luật Kinh doanh bảo hiểm được sửa đổi để tạo thuận lợi, minh bạch cho hoạt động bảo hiểm.
    quoc hoi ban giai phap thuan loi minh bach cho kinh doanh bao hiem
    Quốc hội bàn giải pháp thuận lợi, minh bạch cho kinh doanh bảo hiểm. Ảnh: quochoi.vn

    Tại phiên họp Quốc hội chiều 27/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

    Rà soát quy định về hợp đồng bảo hiểm

    Theo đó, về hợp đồng bảo hiểm trong dự thảo Luật, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm.

    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, do hợp đồng bảo hiểm là một chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

    Vì vậy, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung như: Bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm… nhằm bảo đảm phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự và tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

    Nhiều ý kiến đề nghị gộp chung giấy phép thành lập, hoạt động và giấy đăng ký kinh doanh để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, để tạo thuận lợi, minh bạch cho nhà đầu tư và giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là giấy đăng ký doanh nghiệp (như quy định hiện hành); bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đồng thời khi doanh nghiệp bảo hiểm mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính.

    Một số ý kiến đề nghị bỏ quy định ràng buộc bên thứ ba nhận thuê ngoài phải tự thực hiện tối thiểu 75% khối lượng công việc quy định tại Điều 88 của dự thảo Luật.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Trên cơ sở tổng hợp kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quy định về quản lý hoạt động thuê ngoài ở các nước về cơ bản khá chặt chẽ và đều hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường bảo hiểm.

    Dự thảo Luật quy định theo hướng khi thực hiện thuê ngoài đối với các quy trình, hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng và duy nhất đối với bên mua bảo hiểm.

    Đồng thời, dự thảo Luật còn quy định các nghĩa vụ của doanh nghiệp khi thực hiện thuê ngoài và một số nội dung chủ yếu của hợp đồng thuê ngoài để doanh nghiệp chủ động thực hiện, hạn chế can thiệp hành chính, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh (như phê chuẩn, chấp thuận, đăng ký...), bảo đảm kiểm soát được chất lượng, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài.

    Bên cạnh đó, để hạn chế việc thuê thầu phụ không bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm, dự thảo Luật quy định bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài phải tự thực hiện ít nhất 75% giá trị công việc nhận thuê ngoài là cần thiết, bảo đảm trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế.

    Trường hợp thuê nhà thầu phụ thực hiện một phần công việc phải được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm và phải bảo đảm không làm thay đổi các trách nhiệm và nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài.

    Các thủ tục cần thiết khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản

    Có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định về thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Phá sản.

    Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, do hoạt động kinh doanh bảo hiểm là ngành có tính đặc thù, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định thủ tục phá sản riêng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Theo đó, sau khi Bộ Tài chính chấm dứt kiểm soát, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản.

    Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai các biện pháp cần thiết nhưng không còn khả năng phục hồi nên sau khi nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ "mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mà không tổ chức hội nghị chủ nợ và thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh".

    Cấm 'Đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm'

    Có ý kiến đề nghị xem xét, thắt chặt việc cấp phép hoạt động cho các tư vấn viên bảo hiểm của các công ty bảo hiểm, đồng thời có quy định chặt chẽ hơn đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, tránh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay hay đánh tráo khái niệm "gửi tiết kiệm" và "tham gia bảo hiểm".

    Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để hạn chế tình trạng này, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, dự thảo Luật đã có quy định điều cấm về "Đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm", quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm.

    Trên cơ sở quy định của dự thảo Luật, các văn bản hướng dẫn như Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ bổ sung các chế tài trong trường hợp đại lý vi phạm các quy định tại Luật.

    Bảo vệ người được bảo hiểm

    Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp quỹ. Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.

    Về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh cho biết có 2 phương án. Phương án thứ nhất: Bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ. Đây là phương án Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021).

    Chính phủ cho rằng trước đây, khi áp dụng mô hình vốn tối thiểu (mức vốn cố định, không gắn quy mô kinh doanh và rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm) và Nhà nước chỉ can thiệp sau khi doanh nghiệp bảo hiểm có vấn đề (mất khả năng thanh toán), cần thiết phải có cơ chế bổ sung để bảo vệ người tham gia bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, phá sản.

    Tuy nhiên, sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng. Dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro. Do đó đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm.

    Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của hai quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

    Cùng với những lý do nêu trên, việc duy trì đồng thời cả hai quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.

    Phương án thứ hai: Giữ nguyên quy định cũ về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết. Đây là phương án Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Chính phủ cho rằng trường hợp dừng trích lập quỹ, khi phát sinh doanh nghiệp bảo hiểm lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng thanh toán vẫn cần có công cụ để bảo đảm quyền lợi cho người được bảo hiểm. Mặc dù dự thảo Luật đã chuyển đổi sang phương thức can thiệp sớm, quản lý trên cơ sở rủi ro với 3 bước phòng vệ, tuy nhiên, vẫn không thể bảo đảm chắc chắn phòng ngừa 100% rủi ro, đặc biệt đối với các rủi ro thiên tai, dịch bệnh.

    Do đó, việc duy trì quỹ là cần thiết. Ngày 1/4/2022, Chính phủ đã có Báo cáo số 121/BC-CP về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đã đề xuất giảm mức trích nộp quỹ để bảo đảm không tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm thay vì mức tối đa 0,3% doanh thu phí bảo hiểm như hiện nay, có thể giảm xuống còn 0,05% (giảm 6 lần so với hiện hành).

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án thứ nhất, tuy nhiên đề nghị Chính phủ đề xuất rõ phương án xử lý số dư của quỹ.

    Theo báo Chính phủ

    Link nguồn: https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-ban-giai-phap-thuan-loi-minh-bach-cho-kinh-doanh-bao-hiem-102220527160104762.htm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quoc-hoi-ban-giai-phap-thuan-loi-minh-bach-cho-kinh-doanh-bao-hiem-a539061.html
    Khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

    Khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

    Sáng nay 23/5, tại Nhà Quốc hội, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc. Trước giờ khai mạc kỳ họp, vào lúc 7h15, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

    Khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

    Sáng nay 23/5, tại Nhà Quốc hội, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc. Trước giờ khai mạc kỳ họp, vào lúc 7h15, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.