+Aa-
    Zalo

    Quốc hội khóa XIV quyết định nhiều vấn đề chưa từng có tiền lệ

    • DSPL
    ĐS&PL Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, trong đó có những vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ.

    Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, trong đó có những vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ.

    Trình bày dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIV của Quốc hội ngay sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng.

    Trong nhiệm kỳ vừa qua, với 72 luật (chưa bao gồm 1 luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11), 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIV của Quốc hội.

    Chủ tịch Quốc hội khẳng định, phương thức hoạt động của Quốc hội luôn được đổi mới, hoàn thiện, thích ứng, linh hoạt trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là vào thời điểm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ.

    Trong giai đoạn 5 năm qua, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có những vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ.

    Cụ thể, Quốc hội đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và hằng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, hệ thống kế hoạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách (Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) 3 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm;...); bảo đảm tính tổng thể, có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa yêu cầu nhiệm vụ với nguồn lực thực hiện.

    Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 lần đầu tiên được thông qua, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cả trong ngắn hạn và trung hạn đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách.

    Các đại biểu nghe trình bày dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIV của Quốc hội.

    Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, đặc biệt do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời có những quyết định mới hoặc điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với yêu cầu tại từng thời điểm, nhất là các vấn đề kinh tế - xã hội “nóng”, nổi bật, mới phát sinh như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN; cho kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021; lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên sang năm 2021 để áp dụng cho thời kỳ ổn định NS mới; bổ sung dự toán chi NSNN năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương….

    Trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, khẳng định tính đúng đắn, sự cần thiết, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư một số dự án, công trình quan trọng quốc gia (đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020); quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

    Quốc hội cũng đã phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đây là quyết sách đặc biệt quan trọng, đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới.

    Quốc hội đã bầu và phê chuẩn các chức danh trong bộ máy Nhà nước theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình và nhận được sự đồng thuận cao. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giữ chức vụ Chủ tịch nước, là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được nhân dân và cử tri đánh giá cao.

    Quốc hội đã tiến hành bãi nhiệm tư cách một đại biểu Quốc hội do có sai phạm nghiêm trọng, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, làm suy giảm sự tín nhiệm của nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định và báo cáo Quốc hội về việc cho thôi hoặc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một số đại biểu Quốc hội; xóa tư cách 2 Bộ trưởng nhiệm kỳ 2011-2016.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 23 tỉnh, thành phố và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để triển khai chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

    Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Quốc hội khóa XV và các khóa tiếp theo cần rà soát, chuẩn hóa các quy định về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra; quy định rõ hơn việc phân công, phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra các báo cáo, dự án; quy định trách nhiệm tổ chức, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề quan trọng.

    Dương Thu

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quoc-hoi-khoa-xiv-quyet-dinh-nhieu-van-de-chua-tung-co-tien-le-a360348.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan