Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn


Thứ 7, 19/05/2018 | 12:35


Cùng sự kiện

Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn.

Sáng nay 19/5, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2018, năm bản lề của nhiệm kỳ 2016 – 2021. Theo thông lệ, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp. Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ dành thời gian để thực hiện hoạt động giám sát tối cao và xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội cùng một số vấn đề quan trọng khác.

Dự kiến kỳ họp này sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/5/2018. Theo chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày và họp phiên bế mạc vào ngày 15/6/2018.

Trong đó, thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật là 12 ngày, chiếm tỷ lệ 60% tổng thời gian của kỳ họp. Thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày; giám sát chuyên đề và các vấn đề quan trọng khác là 3,5 ngày; khai mạc, bế mạc là 1,5 ngày.

Họp báo trước kỳ họp. Ảnh: H.V

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 12 ngày để xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Ngoài ra, theo ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tại kỳ họp này, trong số các dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến có một số dự án luật quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau, đó là:
Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Hiện nay Dự án Luật đã được chỉnh lý trên cơ sở nguyên tắc phải bảo đảm có những ưu đãi có tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế; có thể khác với các luật hiện hành nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhân dân.

Về Dự án Luật An ninh mạng, yêu cầu đối với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định bắt buộc phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam; thay vào đó quy định bắt buộc một số doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam, các dữ liệu quan trọng khác trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, Dự thảo vẫn còn một số nội dung lớn, cần tiếp tục thảo luận, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội trong đó có quy định về tổ chức lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

Về Dự án Luật tố cáo (sửa đổi)¸ về hình thức tố cáo, có ý kiến đề nghị chỉ quy định 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp; có ý kiến đề nghị nghiên cứu để bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại để phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng hình thức tố cáo sẽ dẫn đến lạm dụng để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây là nội dung quan trọng, sẽ được các đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp.

Về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Dự án Luật vẫn còn một số nội dung lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau cần trình để các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến như: Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý. Các nội dung này sẽ được trình ra Quốc hội để các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí bám sát quá trình thảo luận của Quốc hội để đưa tin chính xác, kịp thời.

Bên cạnh đó, ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019; Xem xét, quyết định về công tác nhân sự.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn.

Trong đó, Quốc hội tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ thể, thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút.

Việc cải tiến, đổi mới này được thực hiện trên cơ sở kết quả thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội.

Theo Báo Tin tức

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quoc-hoi-se-danh-3-ngay-de-chat-van-va-tra-loi-chat-van-a230102.html