+Aa-
    Zalo

    Quy định Luật sư tố cáo thân chủ: Liệu có chồng chéo luật?

    • DSPL
    ĐS&PL Luật sư Trương Quốc Hòe – Giám đốc Công ty Luật Interla cho rằng, Khoản 3 Điều 19 Dự thảo BLHS 2015 có thể sẽ không thống nhất với quy định tại Khoản 2 Điều 73 BLHS.

    Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng Luật Interla cho rằng, Khoản 3 Điều 19 Dự thảo BLHS 2015 có thể sẽ không thống nhất với quy định tại Khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

    Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đang là dự án luật gây tranh luận nhất tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV tính đến thời điểm này, trong đó có Điều 19 về không tố giác tội phạm.

    Điều 19 quy định người bào chữa cho bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 BLHS.

    Bình luận về vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng Luật Interla cho rằng, quy định trên của BLHS 2015 có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hành nghề luật sư cũng như ảnh hưởng đến quyền của luật sư.


    Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng Luật Interla.

    Luật sư Hòe cho biết, theo quy định tại Điều 389 của BLHS 2015 thì các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác là rất rộng, có 83 tội. Như vậy, phạm vi người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác người mà mình bào chữa là rất rộng. Điều này ảnh hưởng tới tâm lý người bào chữa cũng như ảnh hưởng tới hoạt động hành nghề của luật sư. Luật sư là người bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích của người được bào chữa, khách hàng nhưng khi đang làm việc lại thực hiện việc tố giác thân chủ của mình, điều này không phù hợp với các quy tắc đạo đức cũng như ảnh hưởng tới hình ảnh của Luật sư.

    Bên cạnh đó, khi luật sư thực hiện bào chữa, người bị buộc tội cung cấp các thông tin cho luật sư là khách quan nên để xác định liệu người đó có phạm tội hay không luật sư cũng cần phải xác minh, xem xét về các thông tin đó. Vậy theo quy định trên thì luật sư phải thực hiện việc xác minh, xem xét liệu thân chủ của mình có là tội phạm hay không. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì việc xác minh, phát hiện tội phạm thuộc thẩm quyền của các cơ quan điều tra mà không phải luật sư.

    Theo Luật sư Hòe, quy định trên của Luật hình sự không thống nhất với quy định tại Khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: “Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”

    Theo đó, người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản nhưng theo Bộ luật hình sự 2015 thì người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389.

    Bên cạnh đó, quy định này của Luật hình sự cũng không thống nhất với các quy định của Luật luật sư. Theo quy định của Luật luật sư 2012 thì Luật sư phải bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng và nghiêm cấm tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn. Theo đó, việc luật sư tiết lộ thông tin về khách hàng mà luật sư được biết trong khi hành nghề là vi phạm quy định của Luật luật sư. Hơn nữa, người phạm tội là khách hàng của luật sư nếu luật sư tố giác khách hàng của mình là không tôn trọng khách hàng ảnh hưởng uy tín nghề nghiệp của luật sư.

    Ngoài ra, Luật sư là người có vai trò đặc thù trong vụ án hình sự, luật sư hoạt động hành nghề phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật liên quan đến nghề nghiệp của luật sư và luật sư khác với những người như: ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Do đó, không thể so sánh luật sư và những người thân thích, ruột thịt của người phạm tội. Với tính chất là hoạt động nghề nghiệp đặc thù, hoạt động của luật sư phải chịu sự điều chỉnh trực tiếp của pháp luật chuyên ngành như Luật luật sư và Bộ luật tố tụng.

    Việc luật sư không tố giác tội phạm do thân chủ, khách hàng của mình thực hiện không đồng nghĩa với việc luật sư không có nghĩa vụ phải tố giác tội phạm do cá nhân khác thực hiện. Vì luật sư trước hết là một công dân nên phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân. Đó là phải trình báo, tố giác tội phạm khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm. Tuy nhiên theo các quan điểm nêu trên thì trong trường hợp người phạm tội là thân chủ, khách hàng của luật sư thì luật sư không thể tố giác thân chủ, khách hàng của mình còn nếu trong trường hợp khác thì luật sư phải thực hiện nghĩa vụ công dân của mình là tố giác tội phạm.

    Luật sư Hòe cho rằng, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của luật sư, cũng như để đảm bảo sự thống nhất giữa BLHS và Bộ luật tố tụng hình sự cũng như Luật luật sư thì cần sửa đổi quy định tại Khoản 3 Điều 19 Dự thảo BLHS năm 2015.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quy-dinh-luat-su-to-cao-than-chu-lieu-co-chong-cheo-luat-a191786.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan