Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/9/2019: Điều trị thành công cho một trẻ nhiễm "khuẩn ăn thịt người"


Chủ nhật, 15/09/2019 | 23:15


Cùng sự kiện

Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/9/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 16/9/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/9/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 16/9/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Điều trị thành công cho một trẻ nhiễm "khuẩn ăn thịt người"

Hai bệnh nhi bị mắc chứng bệnh Whitmore được chữa trị tại BV Sản Nhi Nghệ An - Ảnh: Pháp luật TP. HCM

BV Sản Nhi Nghệ An cho biết trong khoảng từ tháng 7/2019 đến tháng nay, các y, BS của BV đã phát hiện và điều trị cho ba trường hợp mắc chứng bệnh Whitmore (thường gọi bệnh Melioidosis).

Đó là bệnh nhi Nghiêm Thanh Tuấn (14 tuổi, trú huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh), em Hoàng Văn Cao (10 tuổi, trú xã Thanh ngọc, huyện Thanh Chương, Nghệ An), em Nguyễn Công Hào (11 tuổi, xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).

Trong đó, em Tuấn sau khi điều trị 50 ngày đã xuất viện trở về nhà. Hiện nay, còn hai em Cao và Hào đang được điều trị, theo dõi tại khoa Tai Mũi Họng của BV Sản Nhi Nghệ An.

Ba bệnh nhi trên khi được người thân đưa đến BV đều trong tình trạng bệnh cảnh áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai, đến viện bệnh tình đã nặng. Người nhà cho biết thấy bệnh các em giống quai bị nên cứ điều trị tại nhà sau không đỡ mới đưa đi BV. Các BS cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện dương tính với bệnh Whitmore.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: Sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Cứu sống một sản phụ hôn mê do ngộ độc thuốc tê

Các bác sĩ đang hồi sức tích cực cho chị T. - Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Ngày 15/9, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viên Hùng Vương (TP.HCM), cho biết các bác sĩ bệnh viện này vừa kịp thời hỗ trợ một cơ sở y tế tuyến dưới cứu sống một sản phụ hôn mê sâu trong lúc sinh mổ. Sản phụ là chị T.T.T.T (35 tuổi).

Trước đó, chị T. (mang thai 39 tuần 5 ngày, ngôi đầu) đến Bệnh viện huyện Bình Chánh để chuẩn bị sinh trong tình trạng tỉnh táo, dấu hiệu sinh tồn ổn, các xét nghiệm lúc nhập viện trong giới hạn bình thường.

Sản phụ được chỉ mổ 3 ngày sau đó vì chuyển dạ ngừng tiến triển, ối vỡ ối và bé trai chào đời khỏe mạnh nặng 3,2 kg. Tuy nhiên, ngay sau đó sản phụ đột ngột hôn mê, bệnh viện đã báo động nội viện và ngoại viện.

Nhận thông tin cần hỗ trợ khẩn cấp, ê kíp Bệnh viện Hùng Vương gồm 5 y bác sĩ lên đường và đã có mặt tại Bệnh viện Bình Chánh trong chốc lát.

Tại thời điểm này, sản phụ vẫn đang trong tình trạng hôn mê, phải thở máy, tim đều nhanh không âm thổi, đồng tử 2 bên không giãn nhưng không đáp ứng ánh sáng. Bệnh nhân cũng không có dấu hiện xuất huyết, vết mổ không dịch thấm băng, tử cung gò tốt, không có dịch ổ bụng, không bất thường vết mổ thành bụng.

Với trường hợp này, các bác sĩ nhận định nhiều khả năng có thể bị thuyên tắc ối, hoặc bị ngộ độc thuốc tê, hoặc xuyết huyết não. Song, các biểu hiện lúc này khiến bác sĩ nghĩ nhiều đến ngộ độc thuốc tê.

Theo BS Ngô Sáu, Khoa Phẫu thuật - Gây mê – Hồi sức Bệnh viện Hùng Vương, sản phụ lập tức được điều trị bủa vây, cụ thể là truyền tĩnh mạch lipid 20% (điều trị ngộ độc thuốc tê) và duy trì hạ huyết áp. Khoảng sau 30 phút hạ áp và truyền lipid bệnh nhân có dấu hồi tỉnh thở lại, gọi ra dấu đúng, làm theo lệnh đúng. Sau gần một ngày điều trị, sức khỏe của sản phụ đã hoàn toàn ổn định.

"Nếu xử trí chậm vài phút, bệnh nhân đã có thể tử vong. Đây là trường hợp phản ứng thuốc tê ngoài ý muốn", BS Sáu thông tin.

Đi bơi, bé gái nhiễm amip ăn não người

Sinh vật đơn bào Naegleria fowleri thường được gọi là amip ăn não người - Ảnh: Biospace

Bé gái bơi trên hồ Whitney – hồ chứa kiểm soát lũ trên dòng chính của sông Brazos ở bang Texas, sau đó vào ngày 8/9 bắt đầu bị đau đầu rồi sốt, CNN đưa tin hôm nay (15/9). Ban đầu, gia đình nghĩ bé bị nhiễm virus nhưng sau khi thăm khám bác sĩ và bé khó ngủ, gia đình biết rằng, điều tồi tệ hơn rất nhiều đã xảy ra.

“Con bé lơ mơ, không phản ứng và nhanh chóng được đưa tới phòng cấp cứu”, gia đình bệnh nhân viết trên Facebook. Kết quả chọc dò tủy sống cho thấy bé gái nhiễm sinh vật đơn bào Naegleria fowleri – thường được gọi là amip ăn não người.

“Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với bất kỳ phụ huynh nào. Rất nhiều người cùng tắm chỗ đó trong cùng ngày nhưng chẳng hiểu sao con bé lại bị nhiễm bệnh”, bà Crystal Warren, dì của bé gái, nói hôm 14/9.

Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ nói rằng, Naegleria fowleri là một sinh vật đơn bào thường được tìm thấy trong vùng nước ngọt ấm áp như sông, hồ. Chúng đi vào cơ thể người thông qua mũi, tới não và phá hủy tế bào não.

Theo Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ, nước Mỹ giai đoạn 2009-2018 chỉ có 34 bệnh nhân mắc Naegleria fowleri. Kể từ năm 1962 tới 2018, Mỹ phát hiện 145 trường hợp nhiễm amip ăn não người, trong đó chỉ có 4 bệnh nhân sống sót. Bà Warren nói rằng, bà đang hy vọng cháu gái mình “sẽ là người thứ năm”.

Để phòng nhiễm Naegleria fowleri, không nên bơi vào hoặc nhảy xuống những hồ nước ngọt, nước ấm; bịt mũi hoặc sử dụng kẹp mũi khi bơi, lặn ở vùng nước ấm; không làm xáo trộn trầm tích lắng ở dưới hồ, ao, bể bơi khi bơi ở vùng nước nông và ấm.

Theo hệ thống y tế Vinmec (Việt Nam), thông thường bắt đầu từ 2 đến 15 ngày sau khi nhiễm Naegleria fowleri, người bệnh các triệu chứng: thay đổi về khứu giác hoặc vị giác, sốt, đột ngột đau đầu dữ dội, cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng, buồn nôn và ói mửa, nất cân bằng của cơ thể, hay nhầm lẫn, buồn ngủ, động kinh, ảo giác. Những triệu chứng này sẽ tiến tiến triển rất nhanh và khiến người bệnh tử vong trong khoảng một tuần.

Naegleria fowleri không lây từ người sang người hoặc từ người bệnh sang nước. Và các bể bơi được làm sạch và khử trùng đúng cách sẽ không chứa amip ăn não người.

Người đàn ông xổ ra ngoài con sán xơ mít dài 9m

Con sán xơ mít dài 9m được chụp lại sau khi xổ ra ngoài thành công - Ảnh: VTC News

Sáng 15/9, bác sĩ Trương Văn Huy – Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, khoa Đông y vừa xổ thành công sán xơ mít cho bệnh nhân N.Q.Ch. (41 tuổi, trú TP Đà Nẵng).

Theo bác sĩ Huy, anh Ch. bị nhiễm sán xơ mít suốt 8 năm qua. Bệnh nhân nhiều lần tìm tới các bệnh viện để xổ nhưng không thành công.

“Có lần anh Ch. lặn lội vào tận bệnh viện ở Bình Định để xổ sán xơ mít và bị sốc thuốc. Lần này, anh tìm tới Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức và thở phào khi được xổ thành công ra ngoài con sán xơ mít có chiều dài 9m”, bác sĩ Huy thông tin thêm.

Sau khi được xổ sán xơ mít, anh Ch. hoàn toàn khỏe mạnh và đã làm thủ tục xuất viện về nhà.

Quỳnh Chi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-1692019-dieu-tri-thanh-cong-cho-mot-tre-nhiem-khuan-an-thit-nguoi-a292941.html