Cuộc di dân lịch sử ở Huế: Người dân mừng rơi nước mắt khi tham quan khu đất dành cho nơi ở mới


Thứ 7, 02/11/2019 | 01:30


Cùng sự kiện

Tại buổi gặp mặt, tham quan khu đất chuẩn bị cho cuộc di dân lịch sử ở Huế, nhiều người dân đã vui mừng bật khóc, phấn khởi đọc thơ...

Tại buổi gặp mặt, tham quan khu đất chuẩn bị cho cuộc di dân lịch sử ở Huế, nhiều người dân đã vui mừng bật khóc, phấn khởi đọc thơ...

Ông Phan Ngọc Thọ (áo trắng) dẫn người dân đi tham quan khu tái định cư.

Lòng dân đã thuận...

Ngày 27/10, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có buổi gặp mặt với đại diện của hơn 200 hộ dân thuộc diện di dời, giải phóng mặt bằng (đợt 1) khu vực I Kinh thành Huế và cùng với các hộ dân tham quan thực tế dự án hạ tầng phục vụ tái định cư tại khu dân cư Bắc Hương Sơ (TP.Huế).

Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ phục vụ cho việc di dời dân cư (đợt 1) có diện tích khu vực 1 là 4,98ha và khu vực 2 là 4,90ha. Dự án có tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng, với gần 500 lô đất tái định cư.

Hiện dự án đang được xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân, bao gồm các hạng mục san nền; đường giao thông; điện chiếu sáng; viễn thông; hệ thống cấp nước; thoát nước; cấp điện sinh hoạt; cây xanh; trường mầm non với thiết kế 2 tầng và 16 phòng học.

Ngay từ sáng sớm, các hộ dân đã phấn khởi có mặt tại khu dân cư Bắc Hương Sơ để được tận mắt xem nơi ở mới của gia đình mình sau khi di dời.

"Trong mơ tôi cũng không nghĩ có ngày gia đình tôi sẽ được chuyển đến ở một nơi có vị trí thuận lợi, hạ tầng khang trang và đẹp như thế này. Mấy mươi năm sống trong căn nhà tạm bợ, chật chội, giờ tôi chỉ mong sao sớm được về nơi ở mới", bà Lê Thị Lài ở phường Thuận Lộc (TP.Huế) xúc động chia sẻ.

Bà Phan Thị Cháu, tổ 15, phường Thuận Lộc nói: “Được nhìn tận mắt khu đất sắp trở thành nơi ở mới của cả gia đình, tui rất vui và phấn khởi. Nhưng tui thuộc diện hộ nghèo, có con trai bị thần kinh thì lấy tiền đâu mà xây dựng nhà. Nếu nhận tiền của Nhà nước mà không có thêm tiền, rồi không có người đứng ra xây dựng thì biết khi nào mới có nhà để ở”.

Trả lời tâm tư này, lãnh đạo UBND thành phố Huế khẳng định, đối với 32 hộ nghèo khu vực Thượng thành không đủ điều kiện xây dựng nhà ở sau khi di dân, ngoài khung chính sách hỗ trợ theo quy định, tỉnh và thành phố sẽ vận động các nguồn, kêu gọi mạnh thường quân để có thêm kinh phí xây dựng nhà ở cho bà con với hình thức “chìa khóa trao tay” theo thiết kế nhà mẫu. Ai cũng sẽ có nhà mới sau khi di dời.

Sau khi lắng nghe nguyện vọng, chia sẻ của bà con, ông Phan Ngọc Thọ phát biểu, cuộc di dân lần này là một chủ trương lớn, theo nhận định của Chính phủ, Quốc hội thì đây là cuộc di dân mang tính lịch sử của tỉnh Thừa Thiên- Huế. Đồng thời khẳng định trước các hộ dân, với quy mô rất lớn về phạm vi, khối lượng đặc biệt là kinh phí cho nên lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo thành phố trong thời gian qua đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai những công việc liên quan đến công tác di dời và tái định cư.

“Với quan điểm cuộc di dân đợt 1 này sẽ là cuộc di dân kiểu mẫu để lấy đó làm kinh nghiệm cho những đợt sau. Đồng thời việc đầu tư xây dựng khu tái định cư phải đảm bảo chất lượng, phải làm sao để bà con nhận thấy đây là địa điểm lý tưởng để an cư lạc nghiệp”, ông Thọ nói.

Vị Chủ tịch tỉnh này cũng tỏ ra quyết tâm, mặc dù đã có sự hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, nhưng đến nay kinh phí vẫn đang còn rất khiêm tốn. Tuy vậy, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố đã hứa với dân thì sẽ làm đến nơi đến chốn.

Đối với các hộ nghèo, khó khăn không có điều kiện làm nhà, tỉnh sẽ vận động các nhà tài trợ, các nguồn để hỗ trợ nhà cho bà con với quan điểm đây là cuộc đổi đời thực sự của bà con, đặc biệt là các hộ nghèo, các hộ khó khăn và gia đình chính sách để bà con có cuộc sống tốt hơn, hạ tầng tốt hơn nơi ở cũ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm Phát triển qũy đất TP.Huế thông tin, hiện trung tâm đã hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ và đang lập phương án bố trí tái định cư (TĐC), phấn đấu hoàn thành vào đầu tháng 11. Từ ngày 6- 26/11 sẽ công khai, niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; từ ngày 30/11- 5/12 thành phố sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...”.

Phối cảnh khu tái định cư và mẫu nhà thiết kế.

Và những tờ vé số của niềm tin và hy vọng

Món quà gần gũi ấm áp với 30 tờ vé số tặng cho 30 con người đã vô tình tạo nên 30 sự hy vọng nho nhỏ thân thương vào cuối ngày...

Hồi hộp là cảm giác không của riêng ai mà hầu như của tất cả họ - những người sau hàng chục năm sống ngột ngạt, sống khổ sở, sống chen lấn trên bờ Kinh thành Huế chật hẹp. Nơi ở mới không chỉ là tương lai của họ mà còn là của con, của cháu và của bao thế hệ trong gia đình đã nhiều thập kỷ sống “treo”, sống chông chênh trên di sản.

Bởi vậy, một khu hạ tầng mới được dựng xây, rộng rãi, thoáng mát, ban đầu với gần 500 lô đất tái định cư cùng hạ tầng kỹ thuật kiểu đô thị mới khang trang đã khiến họ không khỏi trầm trồ.

Các hạng mục san nền, đường giao thông, điện chiếu sáng, viễn thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, điện sinh hoạt, cây xanh, đặc biệt là trường mầm non với thiết kế 2 tầng và 16 phòng học đang được các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành.

“Phấn đấu đến giữa tháng 12/2019 sẽ bắt đầu di dân đợt 1”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm Phát triển qũy đất TP.Huế, đại diện Chủ đầu tư nói với dân trong quyết tâm.

Biết là mừng vậy, khang trang vậy, gấp rút là vậy nhưng cuộc sống bao năm trên bờ Kinh thành Huế đã “chất đống” bao nhiêu vất vả, khó khăn trên lưng nhiều người dân Hộ Thành hào khi chuẩn bị về nơi ở mới.

Nhiều nguyện vọng, tâm tư của bà con được lãnh đạo tỉnh chia sẻ, trả lời.

“Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là khi xây dựng khu dân cư mới tại đây thì nhà phải theo mẫu, theo chuẩn để có một đô thị đẹp, một đô thị khang trang, một đô thị xanh, sạch, sáng, một đô thị mới kiểu mẫu mang tầm quốc gia. Tỉnh sẽ vận động từ nhiều nguồn để xây dựng nhà trẻ hiện đại, khu vui chơi giải trí và các tiện nghi khác để phục vụ tốt nhất cho bà con khi đến ở nơi khu dân cư mới”, vị Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.

Cùng bà con dạo quanh tham quan nơi ở mới, bất ngờ được một cụ bà bán vé số sống trên khu vực Thượng thành đến gần để xin nói lời cảm ơn, ông Phan Ngọc Thọ liền ngỏ ý muốn mua vé số. Rút từ tập lấy 30 tờ vé số, ông Thọ dùng tiền riêng mua rồi tặng từng người dân đang đứng xung quanh mình và cười nói: "Hy vọng bà con được trúng số, được đổi đời".

Người chơi vé số ở Huế vẫn thường có câu: “Sau 4h30 chiều chưa biết ai giàu hơn ai”, 30 tờ vé số tặng cho 30 con người đã vô tình tạo nên 30 sự hy vọng nho nhỏ thân thương vào cuối ngày của món quà ấm áp...

Và sự hy vọng nho nhỏ của 30 người được tặng vé số ấy, có thể là may rủi, được-mất vào cuối ngày, nhưng với những gì Thừa Thiên-Huế đang nỗ lực cho cuộc di dân lịch sử này thì chắc chắn, không chỉ cuộc sống của 30 con người ấy mà của hàng nghìn người dân được di dời khỏi bờ Kinh thành Huế nhất định sẽ là hồi kết có hậu.

Lê Kông

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 174

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-di-dan-lich-su-o-hue-nguoi-dan-mung-roi-nuoc-mat-khi-tham-quan-khu-dat-danh-cho-noi-o-moi-a299211.html