+Aa-
    Zalo

    Ra mắt sách "Tết xưa chưa mất" với sự hợp tác của 15 sao Việt

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - "Tết xưa chưa mất" nhận được sự chung tay hưởng ứng từ 15 sao Việt ở nhiều lĩnh vực và được phát hành dưới dạng sách điện tử.

    (ĐSPL) -  "Tết xưa chưa mất" nhận được sự chung tay hưởng ứng từ 15 sao Việt ở nhiều lĩnh vực và được phát hành dưới dạng sách điện tử.

    Tản văn “Tết Xưa Chưa Mất” được phát hành dưới dạng sách điện tử tập hợp các bài viết hay nhất từ cuộc thi “Tết xưa chưa mất” được Nhóm Gìn giữ Tết xưa – Tình nguyện viên Truyền thông Trăng Đen & Viện phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt tổ chức trên website của chương trình với mong muốn làm sống lại không khí của ngày Tết truyền thống, ngày Tết đoàn viên, thứ mà càng lúc càng trở nên xa xỉ trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

    Sáu mươi bài viết là sáu mươi câu chuyện khơi gợi lại một khoảng trời ký ức thấm đẫm yêu thương trong góc sâu tình cảm của mỗi con người. Nhóm tác giả không phải là nhà văn chuyên nghiệp, họ chỉ là những thành viên “vô danh” trên mạng xã hội facebook, không quen biết nhau ngoài một điểm chung duy nhất là muốn chung tay “gìn giữ Tết Xưa”.

    Bên cạnh đó, cuốn sách còn được sự chung tay hưởng ứng từ 15 sao Việt ở nhiều lĩnh vực gồm có ca sĩ A Tuân, ca nhạc sĩ Đình Bảo, ca sĩ Đinh Mạnh Ninh, siêu mẫu Hà Thu Nexttop, ca sĩ Hải Yến Idol, siêu mẫu Hồ Vĩnh Anh, ca sĩ Huy Quyết, ca sĩ Khánh Ngọc, siêu mẫu chuyển giới Lan Phương, siêu mẫu Lê Quang Hoà, nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên, ca sĩ Pha Lê, MC Phan Anh, siêu mẫu Trang Khàn và Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga. Các nghệ sĩ đã trải lòng chia sẻ những câu chuyện thật của bản thân, những ký ức Tết xưa còn nồng nàn mùi bánh chưng, bánh tét; tạch tè tiếng pháo chuột pháo dây…

    Với thông điệp “Ra đi là để trở về, trở về là để yêu thương”, cuốn sách đưa người đọc phiêu du về miền ký ức Tết xưa để thấy yêu thương gia đình hơn, yêu thương cuộc sống hơn và trên tất cả, khơi dậy sự mong muốn trở về đoàn viên sum họp.

    Ngay từ lời đề tựa, blogger Nguyễn Ngọc Long, trưởng ban tổ chức chương trình đã viết: “Hãy nói lời yêu thương ông bà cha mẹ, hãy trao cho họ những cái ôm nồng ấm nghĩa tình, hãy cùng chúng tôi làm sống lại một cái Tết đậm màu xưa cũ. Và hãy yêu thương đi, chừng nào còn có thể yêu thương. Vì chỉ có yêu thương, chúng ta mới có những ngày tháng nồng nàn hương Tết.

    Với tâm huyết giữ lại nét Tết xưa cho thế hệ mai sau, nhóm tình nguyện viên Truyền Thông Trăng Đen kết hợp với Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt phát động chuỗi chương trình “Gìn giữ Tết xưa” tại trang web của chương trình với nhiều hoạt động nhắm vào giới trẻ.

    Ngoài cuốn sách là “sản phẩm” được đúc rút từ cuộc thi “Tết xưa chưa mất”, nhóm tình nguyện viên Truyền thông Trăng Đen còn phát hành bộ tranh gồm 7 bức với chủ đề “Tết xưa Tết nay” để điểm lại những phong tục tập quán đặc trưng của ngày Tết theo thời gian đang gây sốt trên Internet.

    Siêu mẫu chuyển giới Lan Phương: Ước được trở về Tết xưa thêm lần nữa

    (Trích trong "Tết xưa chưa mất")

    "Em nhớ ngày nhỏ, khi chỉ khoảng 5-6 tuổi, mỗi lần Tết đến gia đình sẽ đốt pháo chuột, sáng rực cả khu nhà. Khi đốt pháo chuột, pháo sẽ quay vòng vòng dưới mặt đất rất đẹp. Đẹp thì đẹp thế thôi chứ mỗi lần đốt là em chạy khóc thét lên vì cứ nghĩ pháo chuột đang rượt mình. Đó là 1 kỷ niệm mà bây giờ muốn được sống lại lần nữa cũng không thể thành hiện thực!

    Khi nhớ về Tết Xưa, trong lòng em luôn hiện ra hình ảnh bà ngoại. Ngày xưa, cứ cận Tết, em hay cùng bà đi chợ Tết. Nhà ngay chợ nên Tết đến rất vui, người người nhà nhà ai cũng tất bật vội vã đi mua những thứ cần thiết cho ngày Tết . Về nhà thì bà cùng Mẹ làm kiệu nè, làm mứt nè. À còn nữa, hình ảnh hàng xóm gói và nấu bánh chưng suốt nhiều đêm liền để kịp giao cho những gia đình khác cũng còn mãi trong đầu em. Đó là những hình ảnh đẹp mà đến bây giờ em vẫn còn trân trọng.

    Bây giờ tất cả mọi thứ đều có sẵn, đều đầy đủ hơn nên không còn những hình ảnh gia đình quây quần lại cùng nhau để chuẩn bị đón Tết. Có lẽ vì cuộc sống vội vã quá, ai cũng lo cơm áo gạo tiền nên cái Tết cũng chỉ còn qua loa. Thật sự trong tim em, em rất nhớ Tết của ngày em còn nhỏ...

    Khi đến 16-17 tuổi, em cũng ham chơi lắm, giao thừa chỉ thích tụ tập đi coi bắn pháo bông cùng bạn bè. Nhưng đến khi lớn hơn tí nữa, nhìn thấy Bà và Mẹ ngồi đợi em về cùng cúng kiếng và đón giao thừa thì em mới hiểu ra. Thế nên từ đó đến bây giờ, giao thừa em đều ở nhà cùng Mẹ dọn dẹp, cúng tổ tiên. Em thấy như thế vui và ấm áp lắm. Thời gian trôi đi nhanh biết mấy, con người ta ngày một lớn và già đi nên khoảnh khắc gia đình đoàn viên trong ngày giao thừa là rất hạnh phúc mà không có bất cứ thứ gì mua được cả.

    Em cũng nghiện facebook, nghiện chơi smartphone nhưng chỉ thật sự sử dụng khi đi cà phê cùng những người buồn chán thôi. Còn khi ở nhà với gia đình ngày Tết, em nói thật là không có thời gian để nghỉ luôn vì ở nhà em bà con dòng họ đến tụ tập rất vui, còn ôm mãi cái điện thoại làm gì chứ? Nếu được, em mong sẽ có thêm nhiều ngày, nhiều giờ nữa để Tết đừng trôi đi mau..."

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ra-mat-sach-tet-xua-chua-mat-voi-su-hop-tac-cua-15-sao-viet-a84487.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan