Rắc rối tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất tại TP.HCM


Chủ nhật, 10/06/2018 | 00:06


Cùng sự kiện

Mặc dù chính quyền đã có chỉ đạo nhưng sau nhiều tháng, nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố vẫn lúng túng vì nhiều vướng mắc.

Mặc dù UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo nhưng sau nhiều tháng, nhiều quận huyện trên địa bàn vẫn lúng túng vì nhiều vướng mắc.

Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Nhà Bè ông Võ Phan Lê Nguyễn cho biết, TP.HCM đã chỉ đạo giao quyền quyết định cho các quận huyện chủ động giải quyết hồ sơ diện tích tối thiểu, để tách thửa theo Quyết định 60/2018 của UBND thành phố về chuyển mục đích sử dụng đất liên quan đến kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Những dự án có đầy đủ pháp lý việc thực hiện rất thuận lợi, trong khi đối với cá nhân rất khó, vì chưa tính đến từng thửa đất được. Nếu căn cứ vào Luật Đất đai, không cho người dân chuyển mục đích sử dụng đất đối với các khu vực quy hoạch là khu dân cư xây dựng mới, lại không có cơ sở pháp lý. Nhưng nếu cho chuyển thì phá vỡ quy hoạch của địa bàn. Bên cạnh đó, đang có tình trạng trên 1 giấy chứng nhận có nhiều thửa đất trong khi chỉ thu hồi toàn bộ giấy chứng nhận, không cho thu hồi từng thửa đất.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, ông Nguyễn cho rằng Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh cần có hướng dẫn cụ thể để địa phương đăng ký kế hoạch sử dụng đất, và chuyển mục đích sử dụng đất cho cá nhân.

Bà Huỳnh Thị Vang - Trưởng phòng TN-MT huyện Củ Chi, một trong những địa phương có tình trạng trễ hạn hồ sơ nhiều nhất cho biết, từ khi thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký (VPĐK) đất đai huyện Củ Chi đến nay liên tục xảy ra tình trạng trễ hạn.

Một khu đất phân lô, bán nền ở quận Bình Thạnh. Ảnh: Nhân dân

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, huyện chuyển 3.190 hồ sơ thuộc thẩm quyền của VPĐK đất đai lên thành phố, nhưng chỉ có 32 hồ sơ trả lại đúng hạn, chiếm tỷ lệ 1%, tức 99% hồ sơ trễ hẹn. Trong đó khoảng 78% hồ sơ trễ hẹn 11-20 ngày.

Ông Dư Huy Quang - Giám đốc VPĐK đất đai thành phố cho hay, dù VPĐK đất đai thành phố được ủy quyền ký giấy chứng nhận, nhưng bất cập ở chỗ chỉ giám đốc được phép ủy quyền, các Phó Giám đốc không ký giấy. Bên cạnh đó, VPĐK đất đai thành phố cũng phải mất thời gian chuyển hồ sơ về đóng dấu của Sở TN-MT.

Trong khi đó, đại diện Sở TN-MT TP.HCM cũng cho biết, nếu không phân cấp, ủy quyền việc giải quyết hồ sơ của người dân sẽ tiếp tục trễ hạn. Được biết Bộ TN-MT đã chấp thuận cho các sở TN-MT được ủy quyền cho giám đốc các chi nhánh ký giấy. Và Sở TN-MT thành phố đang chuẩn bị hoàn thiện quy trình thủ tục để triển khai trong tháng 6.

Còn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nhận định, Quyết định 60 quy định các quận, huyện phải ban hành kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới tám địa phương ban hành kế hoạch, hai quận thành lập tổ công tác để xem xét giải quyết tách thửa đối với trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông. Tại cấp sở, trong tháng 3 vừa qua, Sở TN-MT, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) đã ban hành văn bản hướng dẫn các tiêu chí đối với trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông; hướng dẫn về cấp phép xây dựng và thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết tách thửa, nhưng nhìn chung việc ban hành văn bản hướng dẫn còn khá chậm. Các quận, huyện chủ yếu gặp khó khăn về quy chế, cơ chế phối hợp để tách thửa, căn cứ quy hoạch để xem xét tách thửa, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và tách thửa đất nông nghiệp.

Vũ Đậu (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/rac-roi-tach-thua-chuyen-muc-dich-su-dung-dat-tai-tphcm-a231784.html