+Aa-
    Zalo

    Ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vừa qua, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đã ban hành Thông tư 10/2016 quy định về hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang...

    (ĐSPL) Vừa qua, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đã ban hành Thông tư 10/2016 quy định về hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện, phổ biến, lưu hành (quy định tại Nghị định 15/2016/NĐ-CP)…

    Trước đó, Thông tư 01/2016 kể từ khi ban hành đã gặp phải khá nhiều ý kiến trái chiều như dư luận. Khoản 1, Điều 3 của Thông tư 01/2016 bao gồm các lệnh cấm như: Chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục, hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông; chụp ảnh, ghi âm, ghi hình hình ảnh tập thể, cá nhân thể hiện các tiết mục biểu diễn có nội dung vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ và vô ý hoặc phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông; có hành động, phát ngôn không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật và vô ý hoặc cố ý phổ biến trên phương tiện truyền thông hoặc ngoài xã hội gây hậu quả xấu.

    Nguồn Internet.

    Đặc biệt, lệnh cấm chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông đã trở thành chủ đề tranh cãi của nhiều người. Người đồng tình có, những người phản đối cũng không ít, bởi họ cho rằng, đó giống như một rào cản đối với nghệ thuật. Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010-Vũ Hoàng My từng nói: “Nude là một quyền tự do và nude trở nên được công nhận, tôn trọng vì đó là một nghệ thuật”, quy định cấm chụp ảnh khỏa thân khiến cô cảm thấy bị xâm phạm quyền tự do cá nhân ảnh hưởng và hạn chế sự sáng tạo của những người làm nghệ thuật.

    Dù vậy, quy định mới của bộ VH,TT&DL đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của các hoa hậu, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia... Nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương bày tỏ quan điểm: “Có những người khi chụp dù không hở bất cứ đâu, nhưng vẫn khiến người nhìn cảm thấy dung tục. Ngược lại, có những người dù khoe trọn cơ thể lại khiến người nhìn cảm thấy hấp dẫn, mang đầy tính nghệ thuật. Vì vậy mới nói, nghệ thuật và dung tục rất mong manh, cảm nhận là ở mỗi người. Còn việc chụp ảnh khỏa thân thì theo tôi là quyền tự do cá nhân, không thể phản đối hay cấm cản và cũng không thể nhìn vào một bức ảnh khỏa thân để đánh giá đạo đức của một cô hoa hậu hay người mẫu. Bản thân một người khi quyết định chụp và công khai những hình ảnh khỏa thân thì họ đã phải ý thức được việc tự chịu trách nhiệm với hành động của mình, đẹp thì được khen, phản cảm sẽ phải chịu sự chê trách của dư luận”.

    Theo chuyên gia đào tạo Hà Anh, việc bỏ quy định cấm hoa hậu, người mẫu chụp ảnh không mặc trang phục là một quyết định hợp lý của bộ VH,TT&DL. Tuy nhiên, theo Hà Anh, dù bỏ lệnh cấm nhưng các hoa hậu, người mẫu cũng vẫn nên tự ý thức bảo vệ hình ảnh của mình. Ngoài ra, người nổi tiếng cũng nên chọn lọc đăng tải những hình ảnh mang tính chất nghệ thuật chứ không phải những hình ảnh với mục đích phi nghệ thuật, thiếu thẩm mỹ.

    Top 8 Hoa hậu Trái đất 2016 – Nguyễn Lệ Nam Em cũng có những chia sẻ thẳng thắn với PV báo ĐS&PL về vấn đề này: “Khi Bộ VH,TT&DL ban hành một quyết định thì chắc chắn đã có sự cân nhắc rất kỹ lưỡng và dựa trên tình hình thực tế. Và, khi một người quyết định chụp ảnh khỏa thân, có lẽ họ sẽ có những lý do riêng của mình như lưu giữ vẻ đẹp thanh xuân, phô diễn vẻ đẹp cơ thể... mỗi người một quan điểm. Còn riêng bản thân Nam Em, Nam Em chưa từng có ý định chụp ảnh khỏa thân nên không có nhiều ý kiến về việc này”.

    Ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục vốn mong manh, khó xác định. Đã có rất nhiều nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ thành công khi truyền tải được nội dung, thông điệp ý nghĩa đến công chúng bằng những bức ảnh khỏa thân. Nhưng cũng không ít trường hợp mượn danh nghệ thuật để thực hiện những bộ ảnh trần tục, phản cảm. Nghệ thuật hay dung tục có lẽ nằm ở cách nhìn nhận của mỗi cá nhân, tuy nhiên tất cả đều phải dựa trên những chuẩn mực của xã hội và như Alain Fleisher – nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới thì càng có nhiều nghệ thuật thì sẽ ít tính khiêu dâm.     

    H.D

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ranh-gioi-giua-nghe-thuat-va-dung-tuc-a170904.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.