+Aa-
    Zalo

    Ranh giới nào phân định giữa thực thi công vụ và "lạm quyền"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhiều trường hợp sau khi bị triệu tập lên trụ sở cơ quan công an xã trở về tử vong một cách khó hiểu. Nhiều câu hỏi được đặt ra là có hay không việc lạm quyền của lực lượng này?

    (ĐSPL) - Liên tiếp trong thời gian vừa qua, tại các địa phương nhiều trường hợp sau khi bị triệu tập lên trụ sở cơ quan công an xã trở về tử vong một cách khó hiểu. Nhiều câu hỏi được đặt ra là có hay không việc lạm quyền của lực lượng này? Lực lượng công an xã thiếu hiểu biết hay cố tình vi phạm pháp luật?
    Tử vong khó hiểu!
    Gần đây nhất, ngày 14/2 ông Huỳnh N. (39 tuổi, thôn Quảng An, xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông) đã tử vong sau khi làm việc với công an xã Đạo Nghĩa. Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Đắk Nông, khoảng 15h ngày 13/2, ông Huỳnh Tấn Du 35 tuổi ở thôn Quảng Lộc, xã Đạo Nghĩa phát hiện ông Huỳnh N. 39 tuổi, ở thôn Quảng An, xã Đạo Nghĩa đang hái trộm tiêu trong rẫy của mình nên đã bắt trói ông N. và báo công an xã. Khoảng 17h30 cùng ngày, ông N. bị dẫn giải về trụ sở công an xã Đạo Nghĩa để làm việc.
    Ranh giới nào phân định giữa thực thi công vụ và
    Hình ảnh ông Huỳnh N. đầy vết bầm tím trên cơ thể. (Nguồn: TT).
    Được biết, 3 công an xã gồm các ông Nguyễn Hữu Tuyến (27 tuổi), Lê Văn Tâm (46 tuổi) và Trần Văn Công (38 tuổi, Trưởng công an xã Đạo Nghĩa) đã thừa nhận với cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Đắk Nông rằng trong lúc lấy lời khai, vì cho rằng ông N. gian dối trong việc khai nhận hành vi trộm cắp nên họ đã dùng dùi cui, tay đánh ông N. nhiều lần. Đến khoảng 7h30 tối 13/2, ông N. được cho về nhà và hẹn sáng hôm sau sẽ làm việc tiếp, tuy nhiên khoảng 9h sáng 14/2 thì ông N. tử vong tại nhà.
    Trao đổi với báo giới, lãnh đạo công an tỉnh Đắk Nông cho biết, theo ghi nhận khám nghiệm tử thi ban đầu, nạn nhân N. có tổng cộng 33 vết thương, vết bầm tím trên cơ thể, trong đó có 9 vết bầm tím trên đầu, mặt. Cơ quan công an đã lấy các mẫu vật nội tạng, não của nạn nhân để giám định xem có bị thương tổn hay không. "Ban đầu, 3 công an xã đã thừa nhận có đánh ông N., tuy nhiên chưa thể xác định việc đánh đập này có phải là nguyên nhân chính khiến ông N. tử vong hay không. Sau khi có kết luận pháp y mới có căn cứ để xử lý hình sự ba công an xã này hay không", vị lãnh đạo này nói.
    Cũng tại Đắk Lắk vào cuối tháng 11/2013, ông Y Két D., (trú buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk) đã chết sau khi bị triệu tập đến trụ sở công an xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin. Được biết vào sáng 27/11/2013, nhận được tin báo về việc ông Vũ Đức Hòa (thôn Hiệp Tân, xã Hòa Hiệp, Cư Kuin) mất một con bò, công an xã đã triệu tập ông Y Két D. và một người khác (trú cùng buôn với ông Y Két). Khoảng 14h cùng ngày, gia đình ông Y Két D. nhận được tin ông đang ở bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin trong tình trạng nguy kịch, khi đến nơi thì ông Y Két D. đã chết.
    Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm cho biết: "Theo các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã được quy định tại Điều 9 Pháp lệnh công an xã năm 2008, thì công an xã chỉ có quyền lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc chứ không được lấy lời khai của người bị cho là có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Do đó, việc ba công an xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông tổ chức lấy lời khai của ông Huỳnh N. người bị ông Huỳnh Tấn Du bắt giữ vì cho rằng đang hái trộm tiêu trong rẫy của ông Du là trái pháp luật".
    Cần một cơ chế cụ thể giám sát lực lượng công an xã
    Ông Hoàng Văn Minh, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội cho rằng: "Theo quy định, quyền hạn công an xã đã được quy định cụ thể. Có thể nói đây là một lực lượng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn trật tự an ninh tại địa phương. Tất nhiên, bất cứ làm việc gì thì về nguyên tắc cũng phải tuân theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh những điểm tích cực thì cũng có thể nói hoạt động của công xã cũng chưa tuân theo đúng pháp luật. Những trường hợp trong phạm vi nào được lấy lời khai, trong phạm vi nào thì được lập biên bản sau đó chuyển cơ quan có thẩm quyền; trong trường hợp nào thì được xử lý vi phạm hành chính. Tất cả trường hợp đó đã được quy định cụ thể trong luật. Thực tế thời gian qua có xảy ra trường hợp như bắt giữ người hoặc là khi phát hiện tình nghi trong các vụ trộm cắp, gây mất trật tự tại địa phương mà lực lượng này lạm dụng quyền hạn của mình như đánh đập, áp đặt theo ý muốn chủ quan của họ, khiến nhiều vụ việc đơn giản lại phức tạp thêm. Đó là các câu chuyện vẫn đang xảy ra tại các địa phương, không ít vụ gây bức xúc cho người dân".
    Luật sư Phất cho biết: "Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Pháp lệnh công an xã, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm phối hợp, cộng tác, giúp đỡ công an xã thực hiện nhiệm vụ; giám sát hoạt động của công an xã. Có thể nói rằng, đây là một quy định có tính chất khẩu hiệu, nguyên tắc bao trùm. Nếu không có các hướng dẫn cụ thể hơn thì có thể nói rằng hoạt động của công an xã hầu như không chịu sự giám sát nào, chỉ đến khi xảy ra các sự việc đáng tiếc như báo chí nêu thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và người dân mới biết đến thực trạng hoạt động của công an xã".
    Cũng theo LS.Phất, với tiêu chuẩn tuyển chọn vào công an xã như quy định tại Điều 4 Nghị định 73/2009/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Pháp lệnh công an xã (tốt nghiệp trung học phổ thông có thể làm trưởng công an xã) và quy định về đạo tạo, huấn luyện, bồi dưỡng công an xã tại Điều 5 Nghị định 73 thì có thể thấy rằng tính chuyên nghiệp và hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ của công an xã khó có thể được đảm bảo do số lượng xã trong cả nước là rất lớn. Với những hạn chế này thì nhu cầu cần phải có một cơ chế giám sát cụ thể, có hiệu quả là hết sức cấp bách để tránh tình trạng lạm quyền trong hoạt động của công an xã.
    Không ai được xâm phạm tính mạng người khác và công an xã càng không được làm
    Lý giải của lãnh đạo công an địa phương về vi phạm của lực lượng công an xã là do hiểu biết pháp luật chưa cao. Ông Hoàng Văn Minh, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội thẳng thắn cho rằng: "Rõ ràng trong số các vi phạm của lực lượng công an xã có trường hợp do nhận thức, do chưa nắm vững các quy định của pháp luật. Nhưng khi có hành vi đánh đập người gây tử vong, tôi nghĩ không chỉ công an xã mà bất cứ công dân nào cũng biết đó là xâm hại tính mạng sức khoẻ người khác rồi, không ai được làm việc đó và công an xã thì càng không. Kể cả người ta có vi phạm pháp luật thì có pháp luật xử lý. Anh là công cụ phục vụ nhân dân mà còn đánh người thì không thể chấp nhận được".
    Thơm - Lan
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ranh-gioi-nao-phan-dinh-giua-thuc-thi-cong-vu-va-lam-quyen-a22735.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.