+Aa-
    Zalo

    Rộ tin đồn dùng đũa, thớt mốc gây ung thư gan, chuyên gia nói gì?

    (ĐS&PL) - Mạng xã hội lan truyền thông tin sử dụng thớt, đũa bị mốc gây ung thư gan khiến nhiều người không khỏi lo lắng.

    Chia sẻ với báo Sức Khỏe & Đời Sống, PGS.TS Phạm Cẩn Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Y học Hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những nghiên cứu khoa học đến hiện tại đã chứng minh ăn các loại ngũ cốc bị mốc như lạc, gạo, đỗ, ngô, các loại hạt… có chứa độc tố aflatoxin là chất gây ung thư gan.

    Trong khi đó, việc dùng các sản phẩm đũa mốc, thớt mốc không sạch dễ dẫn đến bệnh lý cấp tính và ngộ độc khác. Ở thời điểm hiện tại, chưa có nghiên cứu nào cho thấy trong đũa mốc, thớt mốc chứa độc tố aflatoxin.

    Được biết, aflatoxin là một loại độc tố vi nấm được sản sinh một cách tự nhiên do một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc). Các nhà nghiên cứu đã phát hiện khoảng 16 loại Aflatoxin khác nhau, trong đó aflatoxin B1 là loại mạnh nhất.

    Sau khi vào cơ thể người hoặc động vật, aflatoxin B1 chủ yếu được gan chuyển hóa thành một loại dẫn xuất khác, có khả năng gắn chèn với ADN nên gây ra đột biến gen. Nếu đột biến gen khiến tế bào phân chia không ngừng nghỉ thì sẽ khởi phát ung thư. Do aflatoxin chủ yếu được chuyển hóa bởi gan nên đây cũng là chất gây ung thư gan mạnh nhất mà con người từng biết.

    ro tin don dung dua thot moc gay ung thu gan chuyen gia noi gi
    Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy trong đũa mốc, thớt mốc chứa độc tố aflatoxin. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống

    Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Phạm Cẩm Phương, PGS.TS Trần Hồng Côn ở khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng không thể kết luận nấm mốc xuất hiện trên đũa, thớt gỗ chứa aflatoxin, nếu không may nạp vào cơ thể sẽ gây ung thư gan. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, từ trước đến này, aflatoxin mới được phát hiện qua các loại thực phẩm bị nấm mốc như ngô, gạo…

    “Thời gian qua, rất nhiều trang thông tin nước ngoài chia sẻ trường hợp này trường hợp kia thường xuyên dùng thớt gỗ, đũa gỗ bị mốc nên bị ung thư gan. Chủ nhân những bài báo đó cho rằng nấm mốc từ đũa gỗ, thớt gỗ chứa độc tố aflatoxin dẫn đến căn bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, xin được khẳng định những thông tin như này cho đến giờ vẫn chưa có bằng chứng khoa học nên người dân không nên hoang mang”, Infornet dẫn lời PGS.TS Trần Hồng Côn.

    Tuy nhiên, PGS.TS Trần Hồng Côn cũng cho biết việc sử dụng thớt gỗ, đũa gỗ bị mốc nhìn chung không tốt cho sức khỏe. Đũa gỗ, thớt gỗ bị mốc chứng tỏ khâu vệ sinh chưa được đảm bảo, trong điều kiện ẩm ướt khiến vi khuẩn nấm mốc càng dễ sinh sôi, nảy nở. Nấm mốc đi vào cơ thể có thể gây ra những phản ứng cấp tính như đau bụng, buồn nôn, nôn ói…, nói chung triệu chứng tương tự như ngộ độc thực phẩm.

    Tài liệu của cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ nêu rõ, nấm mốc aflatoxin hoạt động rất bền bỉ với nhiệt. Hoá chất này dạng tinh thể trắng, không bị phân huỷ khi đun nấu thông thường nên rất khó xử lý.

    Một nghiên cứu của Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng Thượng Hải chỉ ra, bản thân đũa, thớt gỗ, không phát triển aflatoxin mà khi sử dụng lâu ngày các vết nứt và rãnh khác nhau sẽ xuất hiện trên bề mặt vật liệu bị lão hóa, bên cạnh đó một số cặn thức ăn nhỏ có thể bị lắng đọng trong các "vết nứt" này. Nếu không được vệ sinh, khử trùng hiệu quả, kèm theo việc để các vật dụng này trong môi trường ẩm ướt thì chỉ cần dùng khoảng 6 tháng đã nhiễm độc tố aflatoxin.

    Cách sử dụng thớt gỗ, đũa gỗ an toàn

    - Đừng chà xát quá mạnh khi rửa

    Nhiều người thích dùng một tay nắm đũa rồi chà xát với chất tẩy rửa vài lần. Trên thực tế, cách rửa này dễ làm trôi lớp bảo vệ, dễ khiến đũa trở nên thô ráp, dễ nứt.

    - Rửa sạch sau khi dùng rồi phơi khô

    Nhiều người không có thói quen phơi khô đũa và thớt, cất đi ngay khi còn ướt. Trong môi trường như vậy, đũa gỗ và thớt gỗ rất dễ sản sinh ra aflatoxin, gây ung thư nếu dùng lâu dài.

    Đũa gỗ, thớt gỗ sau khi rửa sạch nên phơi khô hoàn toàn hoặc phơi ở nơi tháng gió rồi mang cất ở nơi khô ráo. Mặc dùy khí hậu nước ta nóng ẩm nhưng rửa đũa, thớt đúng cách thì sẽ không lo nấm mốc xuất hiện.

    - Khử trùng đun số hàng tuần

    Tốt nhất nên khử trùng đũa một lần mỗi tuần, có thể cho đũa vào nước sôi 30 phút hoặc dùng tủ khử trùng để khử trùng.

    Bao lâu nên thay mới thớt gỗ, đũa gỗ?

    Đũa, thớt có thời hạn sử dụng là từ 3-6 tháng, sau khi mài mòn, lau chùi... đũa sẽ đổi màu. Sự thay đổi màu sắc của đũa nói chung cho thấy bản chất của vật liệu đó đã thay đổi.

    Càng được sử dụng thường xuyên, lớp sơn ăn mòn trên bề mặt bị mài mòn, vi khuẩn tích tụ lâu ngày khiến đũa đổi màu. Nếu đũa đã thay đổi đáng kể thì nên thay thế kịp thời.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ro-tin-don-dung-dua-thot-moc-gay-ung-thu-gan-chuyen-gia-noi-gi-a533953.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan