+Aa-
    Zalo

    Rớt nước mắt trước cái nghèo của nghệ sĩ tuổi “xế chiều”

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Các nghệ sĩ nổi tiếng một thời từng tung hoành khắp nơi, cống hiến hết mình cho nghệ thuật nhưng khi về già lại lận đận, cô độc cùng cái nghèo.

    (ĐSPL) - Các nghệ sĩ nổi tiếng một thời từng tung hoành khắp nơi, cống hiến hết mình cho nghệ thuật nhưng khi về già lại lận đận, cô độc cùng cái nghèo.

    Đối mặt với cái nghèo, bệnh tật dai dẳng

    Theo tin tức từ báo Người lao động, NSƯT Ngọc Hương – vợ cố soạn giả Thu An vốn bị bệnh thấp khớp mãn tính và tim mạch. Bệnh của bà ngày càng nặng bởi vừa bị ngã trong lúc dọn hàng phụ bán bánh với con dâu ở khu hẻm nhỏ trên đường Lê Lai, quận Gò Vấp, TP.HCM.

    Không chỉ vậy, thông tin ngôi nhà đang ở mà bà đã mang đi cầm cố để lấy tiền chữa bệnh cho chồng lúc trước nay đã quá thời hạn thanh toán, có nguy cơ bị thu hồi, càng khiến bà lo lắng, buồn bã.

    NSƯT Ngọc Hương dù bệnh tật vẫn phải bán bánh để có tiềm mua gạo mỗi ngày. (Ảnh: Báo Người lao động).

    Khi soạn giả Thu An còn sống, NSƯT Ngọc Hương ân cần chăm sóc, thuốc thang. Do chi phí điều trị có lúc lên đến 2 triệu đồng một ngày nên bà bán tất cả những tài sản có được và cuối cùng phải cầm căn nhà.

    Lúc soạn giả Thu An qua đời, gia tài đồ sộ ông để lại là hơn 150 kịch bản cải lương: Nắng chiều trên sông Dịch, Hai chiều ly biệt, Gánh cỏ sông Hàn, Trống lệnh thành Hoa Lư, Tiếng súng một giờ khuya, Lửa phi trường… cộng với hàng ngàn bài vọng cổ. Tuy nhiên, thi thoảng mới có một đài truyền hình đến mua tác quyền để tái dựng nên nhuận bút không đủ sống.

    Bệnh thấp khớp cũng khiến NSƯT Ngọc Hương không thể tham gia biểu diễn ở các quán vọng cổ hằng đêm để mưu sinh.

    “Tôi phụ đứa con dâu bán bánh trong hẻm, mỗi ngày lời vài chục ngàn đồng để mua gạo. Các cháu của tôi còn phải đến trường, tiền học, tiền ăn, biết bao chi phí, lấy đâu tiền mà lo than thuốc? Tôi bệnh nhưng không dám vào bệnh viện!”, NSƯT Ngọc Hương nói trong nước mắt.

    Ở thời hoàng kim, bà cũng là tên tuổi vang danh, tung hoành trên nhiều sàn diễn. Sinh ra ở Bến Tre, trong gia đình truyền thống nghệ thuật tuồng cổ, bà là một đào thương lẫy lừng, với những vai diễn được đánh giá cao trong các vở của soạn giả Thu An. 

    Lái xe ôm kiếm thêm thu nhập

    Sau 20 năm gắn bó với nghề, nghệ sĩ Hồng Tuyến (Nhà hát Cải lương Hà Nội) đã được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú, nhưng danh hiệu cao quý ấy cũng không đủ để ông vượt qua cái nghèo.

    Để bám trụ với nghề, ngoài giờ tập, giờ diễn trên sân khấu, hằng ngày ông đều đặn chạy xe ôm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

    Mỗi ngày như thế nghệ sĩ kiếm được khoảng 50 ngàn đồng. Vậy mà thu nhập từ nghề phụ đã là cao gấp 3 lần nghề diễn. Cũng nhờ những cuốc xe ôm mà Hồng Tuyến có thể tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật của mình đến tận hôm nay.

    Ông từng chia sẻ, để được hết mình cho những vai diễn thì không việc gì phải nề hà, miễn sao đó là những đồng tiền chân chính. Khán giả cũng như đồng nghiệp luôn trân trọng vì yêu quý ông cũng vì sự hi sinh hết mình vì nghệ thuật.

    Sơn móng dạo mưu sinh 

    Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh tên thật là Lê Thị Mỹ Hạnh, sinh năm 1954 trong một gánh hát cải lương. Lên 7 tuổi, Hoa Mỹ Hạnh đã vào vai “đào con” trên sân khấu. 17 tuổi, bà trở thành đào chính của các đoàn hát Tấn Tài, Hoa Đăng, Việt Nam Minh Vương. 

    Năm 1976, Hoa Mỹ Hạnh kết hôn với nghệ sĩ Minh Hải. Sau đó vợ chồng đem con theo các đoàn hát lưu diễn khắp các tỉnh. Hoa Mỹ Hạnh đã cùng chồng lập đoàn hát Sơn ca, quy tụ hàng trăm nghệ sĩ trong những suất diễn tỉnh.

    Ở tuối xế chiều, nghệ sĩ già vẫn sống lay lắt bằng nghề làm móng dạo. (Ảnh: Báo VnExpress).

    Thời kỳ cải lương đi xuống, bà bầu Mỹ Hạnh phải bán rẻ căn nhà tại Châu Đốc để trả lương nghệ sĩ rồi giải tán đoàn hát. Sau khi chia tay chồng, cô đào Hoa Mỹ Hạnh ôm con theo các đoàn khác phiêu dạt các tỉnh.

    Năm 1991, con trai duy nhất của bà cũng qua đời sau một trận sốt xuất huyết. Hoa Mỹ Hạnh chôn cất con tại Long Xuyên, nơi gánh hát đang lưu diễn lúc đó.

    Vài năm sau, nữ nghệ sĩ bỏ nghề hát, theo học nghề uốn tóc rồi gom góp chút tiền mở tiệm tại khu vực Mỹ Thuận - Vĩnh Long. Ngày cầu Mỹ Thuận khởi công, khu dân cư bị giải tỏa, bà xách đồ lên Sài Gòn, sống bằng nghề làm móng dạo.

    Dù khốn khó nhưng nghệ sĩ vẫn hết lòng cưu mang người anh trai duy nhất có biệt danh Phúc "kèn". Ông là nhạc công chơi kèn nổi tiếng một thời tại các đoàn Huỳnh Long, Minh Tơ. Vợ và con trai đã ra nước ngoài sinh sống nhiều năm và mất liên lạc, nghệ sĩ Phúc "kèn" về bên em gái nương tựa tuổi già.

    Cách đây ít năm, người anh qua đời do bị xơ gan. Không có tiền lo tang ma, nghệ sĩ phải cậy nhờ lòng hảo tâm của những người quanh khu trọ. Trước đó, để có tiền trị bệnh cho anh trai, bà đã phải vay lãi một số tiền lớn, hiện vẫn chưa trả hết.

    Cuối tháng 3 vừa rồi, bà đã phải vào bệnh viện cấp cứu vì bệnh nhồi máu cơ tim, hiện nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh chỉ ao ước còn sức khỏe để lao động.

    Về già chỉ có một mình

    Nghệ sĩ Hồng Hoa lớn lên trên sân khấu đoàn hát Trâm Vàng, là đàn chị của NSND Lệ Thủy, Hà Mỹ Liên…, từ nhỏ bà đã nổi tiếng đóng các vai đào chánh, đào võ, chuyên sức để chạy gối, múa đao, nhảy phi thân. Có vai diễn phải hét lớn, ho ra máu nhưng bà vẫn không than van.

    Nghệ sĩ Hồng Hoa giờ chỉ có một mình, nương tựa tại Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM. Cách đây 2 tháng, bà được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện điều dưỡng quận 8, TP.HCM. Nay căn bệnh của bà càng trầm trọng, gần như khó khăn để ngồi dậy và bà luôn bị khó thở.

    LINH SAN(Tổng hợp)

    Xem thêm video: 

    [mecloud]O0Z3AGzWP4[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/rot-nuoc-mat-truoc-cai-ngheo-cua-nghe-si-tuoi-xe-chieu-a95676.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.