Sa mạc hóa đất đai


Thứ 3, 21/10/2014 | 07:00


Hàng năm, ở nước ta có hàng trăm héc-ta đất đai màu mỡ bị biến thành hoang hóa, rồi thành sa mạc bỏ hoang, gây lên những xáo trộn nghiêm trọng trong đời sống xã hội.

Là một trong những thách thức lớn nhất của loài người khi đối mặt với thiên nhiên, tình trạng sa mạc hóa (hay còn gọi là hoang mạc hóa) đất đai không chỉ diễn ra ở những đất nước khô cằn, khí hậu nóng nực mà ngay cả Việt Nam, nó cũng đã được nhiều chuyên gia môi trường cảnh báo.
Thực tế, hàng năm, ở nước ta có hàng trăm héc-ta đất đai màu mỡ bị biến thành hoang hóa, rồi thành sa mạc bỏ hoang, gây lên những xáo trộn nghiêm trọng trong đời sống xã hội và môi trường sinh thái. Tình trạng này thường diễn ra ở khu vực miền Trung và đặc biệt mạnh mẽ là ở khu vực tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, trong vài chục năm trở lại đây.
Sản phẩm - Dịch vụ - Sa mạc hóa đất đai
Đã đến mức báo động
Cụ thể, theo Cục Lâm nghiệp, hiện Việt Nam có khoảng hơn 9 triệu ha đất bị hoang hoá, chiếm 28\% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc, trong đó có 2 triệu ha đất đang sử dụng bị thoái hóa nặng. Có thể nói, đây là con số khiến nhiều người phải giật mình bởi hơn ¼ tổng diện tích đất đai ở nước ta đã bị hoang hóa. Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy thực tế này là hoàn toàn chính xác và nó chính là hồi chuông báo động cho tất cả mọi người bởi hậu quả của sự sa mạc hóa đất đai là vô cùng nghiêm trọng. Hơn nữa, khi những vùng đất bị sa mạc hóa sẽ rất khó khăn để phục hồi thành những vùng đất màu mỡ phục vụ cho sản xuất của con người. Ngoài những vùng đất bị hoang mạc hóa, nhiều dải cát ven biển Việt Nam còn bị hiện tượng sa mạc hóa cục bộ, tập trung từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận với diện tích khoảng 419.000 ha và ở Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 43.000 ha.
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về môi trường, quá trình thoái hóa đất và dẫn tới hoang mạc hóa ở Việt Nam là kết quả của sự xói mòn đất, đá ong hóa, hạn hán, cát bay, cát chảy, đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn hình thành lên, trong một thời gian đủ dài. Các vấn đề cơ bản của hoang mạc hóa ở Việt Nam là hạn hán, thoái hóa đất và cồn cát di động theo mùa gió trong năm. Trong đó, các tỉnh duyên hải Miền Trung, nhất là Ninh Thuận, Bình Thuận được xem là bị tác động mạnh nhất của quá trình di chuyển cồn cát vùng ven biển. Cụ thể, khi một vùng đất nằm cạnh một vùng đất khác đã bị hoang mạc hóa thì sẽ rất dễ bị biến thành hoang mạc nếu con người không có những tác động tích cực đủ lớn như việc trồng các cây xanh hay cải tạo đất đai. Khi ấy, gió là nguyên nhân chủ yếu mang cát từ vùng sa mạc đến những vùng lân cận và biến nó thành vùng sa mạc tiếp theo. Cơ chế này cứ diễn ra liên tiếp, dần dần trong nhiều năm khiến những dải đất lớn ở miền Trung đã chìm trong cát, bị hoang mạc hóa và hầu như không có khả năng phục hồi, trở thành vùng đất “chết” về nuôi trồng và sinh hoạt.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những nguyên nhân có thể làm sa mạc hóa một vùng đất bởi thực tế, quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hóa do sự tác động đan xen của các yếu tố tự nhiên và hoạt động của con người ở Việt Nam. Cụ thể, tình trạng phá rừng và hủy diệt lớp phủ thực vật do các hoạt động của con người gây ra làm cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp, độ che phủ thảm thực vật thấp, là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm lượng nước ngầm trong mùa khô, gia tăng cường độ cũng như tần suất lũ quét, lũ lụt trong mùa mưa, làm cho sự xói mòn và thoái hóa đất diễn ra nghiêm trọng, gia tăng diện tích đất trống đồi núi trọc. Việc áp dụng những tiến bộ khoa học-công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp (thay đổi biện pháp canh tác, bố trí lại cơ cấu cây trồng-vật nuôi, tưới tiết kiệm nước,...) đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên việc sử dụng bền vững tài nguyên đất, tài nguyên nước chưa được chú trọng và chưa có hiệu quả. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản của việc thoái hóa đất và hoang mạc hóa.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, ảnh hưởng của tình trạng sa mạc đất đai ở Việt Nam là hết sức nặng nề và nghiêm trọng. Ngoài vấn đề hệ sinh thái môi trường sống bị đe dọa, tài nguyên sinh vật bị suy kiệt đến mức thấp nhất thì nó còn có tác động cực kỳ tiêu cực đến đời sống an sinh xã hội. Cụ thể, nó làm giảm diện tích đất canh tác nông ngư nghiệp, gây khó khăn trong đời sống sản xuất của người dân trong vùng hoang mạc. Ngoài ra, sa mạc hóa đất đai còn khiến cho nguồn lương thực và nguồn nước bị cạn kiệt theo, gây ra sự bất an trong xã hội. Nhiều người dân ven biển Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) chia sẻ cùng chúng tôi rằng, mỗi năm mùa hạn hán đi qua, hàng chục cánh đồng cát ở đây cứ lấn dần sang những cánh đồng màu mỡ của nông dân khiến cho cây trồng khó phát triển, năng suất thấp. Chính vì thế, nhiều người đã bỏ hoang đồng ruộng khiến cho tình trạng sa mạc diễn ra ngày một nhanh hơn. Vì thế, ở những vùng đất bị hoang mạc hóa, hầu hết cây trồng đều không phát triển hoặc nếu có, giá trị năng suất cũng rất thấp. Ngoài ra, ngay cả những vật nuôi cũng rất khó thích nghi và phát triển tốt ở những vùng đất này. Có lẽ, đấy chính là thách thức lớn nhất cho người dân sinh sống ở những vùng đất diễn ra tình trạng hoang mạc hóa.
Sản phẩm - Dịch vụ - Sa mạc hóa đất đai (Hình 2).
Những biện pháp cần thiết
Tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về chống thoái hóa đất và hoang mạc hóa đã được nhiều tổ chức tổng kết rằng, sống chung với hạn hán để cải thiện tình hình, tăng cường công tác quản lý lưu vực sông và bảo vệ tài nguyên nước, áp dụng cơ cấu cây trồng và hệ sinh thái nông nghiệp thích ứng... Trong các giải pháp chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu là giảm nhẹ và thích ứng thì giải pháp thích ứng là giải pháp có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, cộng đồng dân cư của các vùng khô hạn, hoang mạc hoá đã “sống chung” với hoàn cảnh thiếu nước, xâm nhập mặn và xu thế mở rộng hoang mạc hóa, nhiều mô hình canh tác thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn trong cộng đồng dân cư đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao.
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về tình trạng sa mạc hóa ở Việt Nam thì hiện tượng này ở nước ta có một đặc điểm nổi bật là ngoài những vùng đất bị sa mạc hóa thì rất nhiều vùng đất bị bán sa mạc hóa. Nghĩa là, có thể trong vài tháng mùa khô, đất đai nơi đó sẽ biến thành hoang mạc nhưng khi mùa mưa tới, vùng đất đó có thể cải tạo, phát triển được một số cây trồng vật nuôi đặc trưng. Đây có thể coi là cơ hội đồng thời là thách thức cho người dân ở vùng đất đó bởi nhiệm vụ của mọi người, ngoài việc phát triển cây trồng vật nuôi vào mùa mưa còn phải kết hợp, cải tạo đất đai trong mùa khô để biến những vùng đất bán hoang mạc thành vùng đất đai màu mỡ. Ngược lại, khi nhiệm vụ này không hoàn thành, vùng đất đó rất dễ bị sa mạc hoàn toàn ngay cả trong mùa mưa.
Có thể nói, để phát triển kinh tế một cách bền vững bằng thế mạnh nông nghiệp hóa như ở nước ta hiện nay, công việc chống tình trạng sa mạc đất đai là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Cụ thể, chúng ta có thể sử dụng các biện pháp thu trữ nước như đắp đập, xây bể trữ nước, tạo hồ trữ nước trên cát, trên sườn dốc... Song song với việc thu trữ nước, việc bảo vệ nguồn nước và đất chống hoang mạc hóa bước đầu cũng đã được quan tâm như làm đất tối thiểu ở vùng đất dốc, tăng độ nhám bề mặt đất bằng cách tạo thảm phủ thực vật, che phủ gốc cây, mặt đất bằng xác thực vật, bón phân hữu cơ sinh học, phân xanh, chọn và bố trí cây trồng hợp lý trong mùa khô ít tiêu thụ nước. Đây được xem là giải pháp cơ bản, an toàn và cần thiết nhất để có một nền nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững, đủ sức ứng phó với những biến đổi tiêu cực đang ngày một phức tạp của khí hậu trái đất trong tương lai tới.
Chúng tôi tiếp nhận tất cả các thong tin phản ánh về vấn đề môi trường của bạn đọc 24/24h
Liên hệ: Viên nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội\_phân viện phía nam
Địa chỉ: 58 Nguyễn Phi Khanh, phường Tân Định, Q1,HCM
Hotline: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 
Đoàn Đại Trí

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sa-mac-hoa-dat-dai-a56492.html