+Aa-
    Zalo

    Sắc xuân đang về sau những ám ảnh...

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Đã hơn 20 mùa rẫy trôi qua, cuộc sống của người dân ở thôn Giang Đông (Đắk Lắk) vẫn không khởi sắc. Bởi cái chết trắng và hệ lụy đằng sau đó vẫn ám ảnh nơi đây.

    (ĐSPL) - Đã hơn 20 mùa rẫy trôi qua, cuộc sống của người dân ở thôn Giang Đông (xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) vẫn không khởi sắc. Bởi cái chết trắng và hệ lụy đằng sau đó vẫn ám ảnh buôn làng nơi đây. Trẻ em thất học, người dân sống trong đói nghèo triền miên. Giờ đây, Xuân về nhưng thôn Giang Đông vẫn trong không khí ảm đạm bởi cái nghèo, cái đói đang là điều trăn trở.

    Từ cơn ác mộng...

    Thôn Giang Đông có 157 hộ dân, đa số là người đồng bào dân tộc H’Mông di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống từ 1996. Cái nghèo đói nơi quê nhà đã buộc người dân phải thoát ly mảnh đất chôn nhau cắt rốn để kiếm kế mưu sinh ở vùng đất mới. Thế nhưng, đã hơn 20 mùa rẫy trôi qua, kể từ ngày đặt chân cắm dùi trên miền đất đỏ Tây Nguyên, đời sống của những hộ dân nơi đây vẫn không mấy khởi sắc. Minh chứng cho điều đó, theo thống kê của thôn Giang Đông có 157 hộ trong đó 147 hộ nằm trong diện hộ nghèo.

    Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói của người dân là do thiếu hiểu biết, không kế hoạch hóa gia đình nên nhiều phụ nữ mặc dù tuổi chưa đầy 20 đã trở thành bà mẹ của 2 - 3 đứa trẻ. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập chính là củ mì, hạt ngô nhưng do đất đai cằn cỗi nên những cây nông nghiệp này cũng không làm kinh tế của người dân thay đổi.

    20 năm lập nghiệp người dân thôn Giang Đông vẫn chưa khởi sắc được là bao.

    Không chỉ vậy, thôn Giang Đông hiện nay đang được xem là điểm nóng về tệ nạn ma túy. “Nàng tiên nâu” đã theo chân một số hộ dân từ ngoài vùng núi phía Bắc len lỏi vào buôn làng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến người đang đứng trên bờ vực đói nghèo.

    Chúng tôi đến thôn Giang Đông vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Nằm cách trung tâm xã 12km thôn Giang Đông ẩn mình sâu trong rừng phòng hộ Krông Năng. Hiện ra trong một nét hoang sơ với những căn nhà cũ kĩ, trong cái gió se lạnh của trời xuân, nơi này vẫn chìm trong không khí ảm đạm đến lạ thường. Không hoa đào, hoa mai, chợ Tết, không nhộn nhịp như bao nơi khác, dường như cái Tết đã không còn quan trọng đối với người dân bởi gánh nặng “cơm áo gạo tiền” đã đè nén họ.

    Theo thống kê, toàn thôn có hơn 20 đối tượng nghiện ma túy nặng và 3 đối tượng nằm trong diện tình nghi đang nghiện. Vì thiếu hiểu biết, nhiều người dân đã bán thân xác, tương lai, thậm chí cả cuộc đời cho “nàng tiên nâu”. Khi tỉnh lại sau những cơn ảo mộng “ả phù dung”, họ đã không còn là chính mình nữa. Vướng vào vòng xoáy của cái chết trắng, họ đã đánh đổi tất cả những gì có được. Và hệ lụy đằng sau đó là một thảm cảnh nheo nhóc, gia đình ly tán, con cái thất học, đói ăn...

    Thực tế cho thấy cơn ác mộng mà “nàng tiên nâu” gieo rắc cho người dân bao nhiêu năm nay vẫn luôn diễn ra ở thôn Giang Đông. Nhiều kết cục đau thương xảy ở thôn nghèo vì ma túy nhưng những người dân vẫn không lấy đó làm bài học mà thoát khỏi cám dỗ của “nàng tiên nâu”.

    ...Đến những trăn trở

    Theo chân anh Giàng A Nụ - Trưởng thôn Giang Đông, chúng tôi ghé thăm gia đình của chị Sùng Thị Ư, một đối tượng nghiện có thâm niên ở làng. Nói về nghiện ở làng Giang Đông không ai là không biết về vợ chồng chị Ư. Chồng chị Ư là Hờ A Hủ (SN 1982), một đối tượng dính vào ma túy từ ngày còn ở Yên Bái. Năm 2007, hai vợ chồng chị đã dắt díu theo 4 con nhỏ vào thôn Giang Đông sinh sống.

    Hàng ngày, để chống chọi với đói nghèo, nuôi 6 miệng ăn đã là một gánh nặng gian nan trên mảnh đất thôn Giang Đông. Thêm vào đó, vợ chồng chị Ư đều vướng vào cơn ảo mộng của “nàng tiên nâu”. Để thỏa mãn cơn thèm khát, cả hai vợ chồng đều lăn lộn làm thuê đủ mọi nơi mới có tiền mua ma túy. Cũng vì thế, họ đã bán tất cả gia sản, bán sức khỏe để được ru vào cõi “bồng lai” trong cơn ác mộng của nàng tiên nâu. Càng ngày cuộc sống của gia đình chị Ư càng rơi vào bế tắc, buộc lòng chị phải đem gửi hai người con lớn vào cô nhi viện ở TP.HCM. Bên cạnh đó, theo thông tin từ một số người dân, cũng chỉ vì nghiện, vợ chồng chị Ư đã chấp nhận bán con để thỏa mãn cơn nghiện.

    Chị Sùng Thị Ư kể về sự tàn phá của ma túy đối với gia đình.

    Thế nhưng số tiền đó cũng không đủ để vợ chồng chị Ư thỏa mãn cơn nghiện được bao lâu. Mới đây, vợ chồng Hờ A Hủ đã nhận vận chuyển hàng trắng cho một số đối tượng xấu. Trong đợt truy quét ma túy, Hờ A Hủ đã bị công an bắt giữ. Riêng chị Ư vì còn nuôi con nhỏ nên được cơ quan công an cho tại ngoại.

    Nhắc đến vụ việc, chị Ư không khỏi ngại ngùng nói: “Cả hai vợ chồng đều nghiện ma túy. Cũng vì ma túy nên sức khỏe càng ngày càng yếu, trong khi đó người dân ở đây đều ngại nên chẳng ai dám gọi đi làm công. Biết rằng việc làm của chúng tôi là trái pháp luật nhưng vì đói thuốc nên vợ chồng tôi chấp nhận làm liều. Mỗi chuyến hàng người ta có lúc trả bằng tiền có lúc trả bằng “hàng”...”.

    Nói về việc bán con chị Ư phủ nhận: “Do gia đình nghèo, không có điều kiện để nuôi con nên vợ chồng tôi mới quyết định đưa con cho một người quen nuôi chứ không hề bán. Lúc đó, người này cho tôi một ít tiền để chăm sóc sức khỏe thôi chứ không phải là đổi chác...”.

    Không chỉ vợ chồng chị Ư, nhiều gia đình tại thôn Giang Đông cũng tan nát vì ma túy. Vợ chồng Sùng A Song là minh chứng cho sự tàn phá của cái chết trắng trên ngôi làng nghèo này. Giống như vợ chồng chị Ư, cả hai vợ chồng Sùng A Song đều vướng vào ma túy từ ngày còn ở Yên Bái. Khi vào sống ở thôn Giang Đông, hai vợ chồng cũng bán sức lao động để có tiền thỏa mãn cơn thèm khát. Và chuyện đau lòng đã xảy ra, anh Sùng A Song đã qua đời vì nhiều ngày vật vã trong cơn nghiện. Điều đáng nói, nấm mồ của Sùng A Song chưa kịp xanh cỏ thì 5 ngày sau đó người vợ cũng theo người chồng quá cố để lại 2 người con nhỏ bơ vơ.

    Nhắc đến ma túy người dân trong thôn Giang Đông đều thấy ngao ngán. Ông Hờ A Di (ngụ xã Ea Đăh) cho biết: “Trước đây tôi cũng sống ở thôn Giang Đông, tất cả người dân trong làng đều đông con, đời sống khốn khó. Ma túy đã đầu độc nhiều gia đình đến khuynh gia bại sản. Hệ lụy đằng sau đó là nhiều tệ nạn kéo theo trộm cắp, lừa đảo... Tết đến, gia đình cố gắng nuôi con gà, con vịt để bán nhưng cũng bị bắt trộm. Nhà có vật dụng gì giá trị cũng lo lắng vì chỉ cần ngó lơ là “bốc hơi”. Ám ảnh bởi ma túy nên chúng tôi phải rời làng đi nơi ở mới để con cái thoát khỏi bể cám dỗ nơi làng cũ...”.

    Trao đổi với PV về tình trạng ma túy ở thôn Giang Đông, ông Đinh Xuân Hạnh – Chủ tịch xã Ea Đăh trăn trở: “Giang Đông được xem là một điểm nóng về tình trạng ma túy. Chính quyền địa phương đã ra sức ngăn chặn nhưng vẫn chưa đẩy lùi được tệ nạn. Vì thiếu nhận thức nên một số người dân đã bán mình cho cái chết trắng. Hệ lụy là trẻ em thất học, gia đình li tán, nạn trộm cắp xảy ra không kiểm soát được. Tết đến, ở thôn Giang Đông cũng ảm đạm vì đa phần người dân đều là hộ nghèo. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên phần quà hỗ trợ cho người dân đón Tết thêm ấm cúng...”.

    MAI CƯỜNG 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sac-xuan-dang-ve-sau-nhung-am-anh-a178563.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan