+Aa-
    Zalo

    Sai phạm tại Sagri: Cán bộ tài chính đã “hướng dẫn” các bị cáo ra sao?

    • DSPL
    ĐS&PL VKS xác định, một số cán bộ tài chính là một phần nguyên nhân gián tiếp gây thiệt hại tài sản của Nhà nước xảy ra tại Sagri.
    sai pham tai sagri can bo tai chinh da huong dan bi cao ra dso dspl
    Trụ sở Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

    VKSNDTC vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 19 bị can trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Tham ô tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Che giấu tội phạm”.

    Các bị can bị truy tố gồm Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM), Lê Tấn Hùng (cựu Tổng Giám đốc Sagri), Trần Trọng Tuấn (cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP)…

    Theo hồ sơ bản cáo trạng, giữa năm 2016, do cần tiền chi tiêu các hoạt động của công ty, bị cáo Lê Tấn Hùng bàn bạc, chỉ đạo Nguyễn Thị Thúy (cựu Kế toán trưởng Sagri) và cấp dưới lập hồ sơ khống nhằm chiếm đoạt tiền của Sagri.

    Ngoài ra, do giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, chủ chốt của UBND TP, sở Xây dựng, Văn phòng UBND TP, Sagri… nên bị cáo Hùng, Tuyến và nhiều người khác được giao trực tiếp quản lý tài sản nhà nước, quản lý nhà nước về đất đai với Khu đất tại Dự án Khu phố 4 (phường Phước Long B, quận 9).

    Tuy nhiên, vì những động cơ khác nhau, các đối tượng đã cố ý thực hiện những hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản nhà nước do Sagri quản lý sang Tổng Công ty Phong Phú không thẩm định giá và không đưa ra đấu giá, trái luật.

    Theo cơ quan điều tra, hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 672 tỷ đồng.

    Liên quan vụ án, VKS cũng làm rõ trách nhiệm của nhiều người liên quan, trong đó có ông Đặng Quyết Tiến (Cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp) và bà Phan Thị Hồng (Phó Giám đốc sở Tài chính TP.HCM).

    Theo cáo trạng, tháng 5/2017, sở Xây dựng có công văn gửi sở Tài chính và Chi cục Tài chính doanh nghiệp đề nghị có ý kiến về việc chuyển nhượng dự án Phước Long B.

    Chi cục Tài chính doanh nghiệp có công văn gửi bộ Tài chính hỏi ý kiến về việc này. Thời điểm đó, ông Tiến đang là Phó Cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp, thừa lệnh Bộ trưởng Tài chính ký công văn trả lời TP.HCM. Trên cơ sở đó, bà Hồng, khi đó là Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, đã có hướng dẫn với sở Xây dựng TP.HCM.

    VKS cho rằng cả hai công văn hướng dẫn của Cục và Chi cục đều không nêu rõ việc chuyển nhượng dự án nêu trên phải được thẩm định giá và đấu giá theo quy định pháp luật.

    Những hướng dẫn đó chưa cụ thể, mập mờ, không đúng bản chất sự việc, dễ gây ra cách hiểu và thực hiện không đúng quy định của pháp luật.

    Vì vậy sau khi có hướng dẫn, các bị can trong vụ án đã tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng dự án trái luật. VKS cho rằng việc hướng dẫn nêu trên là một phần nguyên nhân gián tiếp gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.

    Bên cạnh đó, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, sở Tài chính TP đã không thực hiện kiểm tra, thanh tra trực tiếp với Sagri. Khi dự án đã được chuyển nhượng, Chi cục này nhận được báo cáo từ kiểm soát viên của Sagri nhưng vẫn không có kiến nghị gì.

    Phía VKS nhận định, hành vi của ông Tiến, bà Hồng và các cán bộ tham mưu đề xuất ký ban hành các văn bản hướng dẫn nêu trên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật về Đảng, chính quyền với những người này.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sai-pham-tai-sagri-can-bo-tai-chinh-da-huong-dan-cac-bi-cao-ra-sao-a509007.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan