+Aa-
    Zalo

    Sai sót trong bản cáo trạng vụ cướp đò trên sông Ka Long là do "lỗi đánh máy"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên quan đến vụ cướp đò trên sông Ka Long, sau khi bị cáo chỉ ra rằng bản cáo trạng có sự nhầm lẫn, đại diện VKS đã thừa nhận sai sót và cho rằng do lỗi đánh máy.

    Liên quan đến vụ cướp đò trên sông Ka Long, sau khi bị cáo chỉ ra rằng bản cáo trạng có sự nhầm lẫn khi truy tố bị cáo về tội "Cướp tài sản" theo điều 168 BLHS 2015 nhưng tại trang 3 lại trích dẫn Điều 136, đại diện VKS thừa nhận sai sót này và cho rằng do lỗi đánh máy.

    Ly kỳ vụ cướp đò trên sông Ka Long

    Theo cáo trạng, năm 2011, Bùi Mạnh Giáp ra phường Hải Hòa (TP Móng Cái) tập hợp 10 người để làm cửu vạn bốc hàng thuê ở vùng biên. Khoảng 0h ngày 16/12/2012, sau khi đi bốc hàng ở bờ sông Ka Long phía Trung Quốc về phòng trọ, cửu vạn Nguyễn Quốc Cường (SN 1989, quê Sơn La) kể với Giáp rằng khi về có nhìn thấy đò chở hàng điện tử vi tính cũ đỗ ở khu vực Cổ Ngỗng. Cường có ý muốn tổ chức cho anh em đi cướp số hàng trên đò bán lấy tiền tiêu xài.

    Giáp đồng ý, Cường cùng nhóm cửu vạn mang theo tuýp sắt, kiếm xuống đò cướp hàng. Đến khoảng 2h sáng, theo chỉ đạo của Giáp, Cường cùng chín cửu vạn mang theo một kiếm, một tuýp sắt, một đoạn dây thừng đi đến chỗ đò chở hàng của chủ Trung Quốc đỗ gần khu vực Cổ Ngỗng để cướp.

    Cường chỉ đạo Bùi Văn Lâm (SN 1988, quê Hòa Bình), Lê Đình Đáng (SN 1991, quê Hà Tĩnh), Nguyễn Ngọc Tùng (SN 1994, quê Tuyên Quang), Hồ Văn Trung (SN 1990, quê Nghệ An) cùng Cường xuống đò cướp hàng.

    Bị cáo Bùi Mạnh Giáp tại phiên tòa. Ảnh: PLO

    Còn năm cửu vạn khác là Vũ Văn Sinh (SN 1995, quê Hải Dương), Bùi Văn Giang (SN 1969), Bùi Văn Đẳng (SN 1984, cùng quê Hòa Bình), Ngô Văn Công (SN 1986), Hà Xuân Quyền (SN 1992, cùng quê Lạng Sơn) ở trên bờ cảnh giới chờ cướp được hàng sẽ đem đi.

    Khi xuống đò, Cường tiếp cận lái đò người Trung Quốc giơ tuýp sắt đe dọa. Lái đò không dám chống cự, cả nhóm Cường lấy ba bao hàng máy tính cũ trị giá 3,5 triệu đồng đưa lên bờ.

    Cũng theo cáo trạng, khi đang cướp thì nhóm Cường bị lực lượng biên phòng phát hiện bắt quả tang. Năm cửu vạn ở dưới đò gồm Cường, Lâm, Đáng, Tùng, Trung bị bắt. Còn nhóm ở trên bờ cảnh giới gồm Sinh, Giang, Đẳng, Công, Quyền chạy thoát.

    Công an TP Móng Cái căn cứ lời khai của năm người bị bắt để bắt Giáp và khởi tố sáu người về tội "Cướp tài sản".

    Tháng 12/2012, vụ án được chuyển lên Công an tỉnh Quảng Ninh nhưng một năm sau, nơi đây chuyển ngược vụ án về lại TP. Móng Cái. Đầu năm 2014, công an tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra đối với Giáp, chỉ truy tố Lâm, Đáng, Tùng, Trung và Cường.

    Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 6/2014, cả năm bị cáo không nhận tội và tòa tuyên Cường 10 năm tù; Lâm, Đáng, Tùng, Trung cùng chín năm tù. Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo lại nhận tội và khai Giáp là người chỉ đạo cướp nên Cường được giảm án còn sáu năm tù, bốn bị cáo còn lại cùng bị phạt năm năm tù.

    Tháng 10/2014, Công an TP Móng Cái phục hồi điều tra đối với Giáp theo lời khai trên. Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 11/2015, Giáp kêu oan. Cường, Lâm, Đáng, Tùng, Trung (đang thi hành án) ra tòa làm chứng cũng kêu oan cho Giáp. Giáp bị tòa phạt bảy năm tù nhưng sau đó TAND tỉnh hủy án. Cuối năm 2016, Giáp được cho tại ngoại nhưng tháng 10/2018 lại bị bắt tạm giam để điều tra… 

    Sai xót trong bản cáo trạng là do "lỗi đánh máy"

    Liên quan đến phiên tòa xét xử vụ cướp đò trên sông Ka Long, chiều ngày 18/4/2019, tại TAND TP Móng Cái, phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng.

    Sự nhầm lẫn trong bản cáo trạng buộc tội bị cáo Giáp của VKSND TP Móng Cái. Ảnh: PLVN

    Theo ghi nhận của báo Pháp Luật TP.HCM, luật sư bào chữa cho bị cáo Giáp cho rằng bản luận tội, cáo trạng của VKS sử dụng 6 tài liệu cũ làm căn cứ buộc tội là không đủ căn cứ. Cụ thể, VKS sử dụng lời khai nhận tội của nhóm nhân chứng là năm cửu vạn trong biên bản bắt người phạm tội quả tang, biên bản truy tìm vật chứng, lời khai tại đồn biên phòng và Công an TP Móng Cái (tháng 12/2012), biên bản và bản án phiên toà phúc thẩm ngày 11/9/2014.

    Các căn cứ buộc tội mà VKS đưa ra đã bị phiên toà phúc thẩm xử bị cáo Giáp ngày 15/4/2016 xác định là không đủ căn cứ buộc tội.

    Theo luật sư, các biên bản bắt người phạm tội quả tang, biên bản truy tìm vật chứng mà Đồn biên phòng Hải Hoà lập là các tài liệu có dấu hiệu ngụy tạo, mâu thuẫn. Các nhân chứng khai các biên bản này họ bị bắt ký sau khi bị bắt về đồn biên phòng sau 2 ngày bị đánh, ép ký. Vật chứng là 3 bao hàng máy tính cũ, hung khí kiếm, tuýp sắt, dây thừng do cán bộ biên phòng tự mang về rồi bắt họ ký biên bản.

    Lời khai nhận tội tại đồn biên phòng cũng là khai bị đánh, ép phải nhận tội, khai Giáp là người chỉ đạo. Nhân chứng Cường khai tại Công an TP Móng Cái bị một KSV đánh, ép phải nhận tội, khiến nhóm cửu vạn sợ hãi, sau đó mới ghi âm ghi hình họ nhận tội, khai Giáp chỉ đạo đi cướp.

    Luật sư cũng chỉ ra bản án phúc thẩm xử năm cửu vạn ngày 11/9/2014 của TAND tỉnh Quảng Ninh không đúng. Cụ thể, tại phiên toà sơ thẩm trước đó, năm cửu vạn không nhận tội bị phạt 9-10 năm tù. Tới phiên toà phúc thẩm, cán bộ quản giáo khuyên nhận tội được giảm án, ra toà, họ tiếp tục được hứa hẹn giảm án nên đã nhận tội, khai Giáp chỉ đạo đi cướp. Cường được giảm án còn 6 năm tù, Tùng, Lâm, Đáng xuống còn 5 năm tù, Trung không kháng cáo cũng được giảm còn 5 năm tù, đều là mức án dưới khung.

    Luật sư cho rằng, theo Bộ luật hình sự, chỉ khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ, mới được xử dưới khung, trong vụ án này, các cửu vạn chỉ nhận tội mà toà xử dưới khung như vậy là thiếu căn cứ pháp luật. Vì vậy, việc VKS sử dụng bản án này để buộc tội bị cáo Giáp là thiếu căn cứ. Luật sư cũng đề nghị Toà Móng Cái kiến nghị cấp trên kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án này.

    Đại diện VKSND TP Móng Cái thừa nhận có sai sót trong bản cáo trạng. Ảnh: PLVN

    Không chỉ vậy, luật sư còn cho rằng một số tài liệu đã bị biến mất khỏi hồ sơ vụ án. Cụ thể thời điểm Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, KVS Bùi Quang Huy (VKSND tỉnh Quảng Ninh) lấy lời khai Hồ Văn Trung, Bùi Văn Lâm, Lê Đình Đáng đã thể hiện họ có các bản tường trình, lời khai không nhận tội nhưng những tài liệu này đã biến mất không có trong hồ sơ vụ án. Các luật sư kiến nghị cần khởi tố vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án. 

    Đối đáp về dấu hiệu tài liệu bị biến mất, không có trong hồ sơ vụ án, đại diện VKS cho rằng do KSV Hồ Quang Huy thuộc VKSND tỉnh Quảng Ninh nhầm. Tuy nhiên, luật sư dẫn ra nhiều văn bản trong hồ sơ thể hiện KSV Huy dẫn ra các tài liệu đó khi lấy cung đối với ba cửu vạn nên không thể nhầm.

    Đáp lại ý kiến bào chữa của các luật sư, đại diện VKS đã đưa ra các lập luận giống như bản luận tội với sáu chứng cứ buộc tội nêu trên. Luật sư đề nghị VKS, nếu có căn cứ buộc tội nào mới thì đưa ra. Đại diện VKS đề nghị ngược lại luật sư chứng minh bị cáo Giáp vô tội. Trong khi luật sư cho rằng nghĩa vụ chứng minh tội phạm là của cơ quan tố tụng.

    Tiếp tục, đại diện VKS cho rằng năm nhân chứng, bản án có hiệu lực pháp luật nên mặc nhiên là có tội nên không tranh luận họ có tội hay không, chỉ tranh luận bị cáo Giáp có vai trò chủ mưu hay không. Luật sư cho rằng trách nhiệm của VKS bảo vệ pháp luật và công, bản án có hiệu lực pháp luật vẫn có thể phải xem lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

    Theo luật sư, bản án đối với năm cửu vạn là khởi nguồn của vụ án bị cáo Giáp nên không thể không xem xét, nếu thấy có dấu hiệu không đúng, VKS có trách nhiệm kiến nghị tới người có thẩm quyền xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm.

    Đặc biệt, cũng trong phần tranh tụng, bị cáo Bùi Mạnh Giáp (36 tuổi, trú huyện Mê Linh, Hà Nội), người bị cáo buộc chủ mưu chỉ đạo nhóm cửu vạn cướp đò đề nghị HĐXX niêm phong bản cáo trạng và hồ sơ vụ án vì có dấu hiệu sửa chữa, sai sót ngay trong chính bản cáo trạng truy tố.

    Gia đình bị cáo bày tỏ sự búc xúc trong phiên xử. Ảnh: PLVN

    Cụ thể, bị cáo Giáp chỉ ra rằng, bản cáo cáo trạng ngày 30/1/2019 của VKSND TP Móng Cái truy tố bị cáo về tội "Cướp tài sản" theo điều 168 BLHS 2015 nhưng tại trang 3 lại trích dẫn Điều 136.

    “Bản cáo trạng đã thể hiện là nhầm lẫn, sai sót khi dẫn giải về Điều 136 Bộ luật hình sự năm 2015 lại áp dụng cho Điều 168. Như vậy là có dấu hiệu của việc làm sai lệch hồ sơ vụ án”, PV báo Pháp Luật Việt Nam ghi nhận lời nói của bị cáo Giáp tại tòa.

    Trả lời bị cáo, đại diện VKS thừa nhận sai sót này và cho rằng do lỗi đánh máy.

    Kết thúc phần tranh luận, được nói lời sau cùng, bị cáo Giáp bày tỏ: “Tôi là công dân của Việt Nam, đã 3 lần đi tù oan. Kính mong Nhà nước Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Quốc hội Việt Nam, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, TAND tỉnh Quảng Ninh, VKSND tỉnh Quảng Ninh, TAND TP Móng Cái, VKSND TP Móng Cái đứng ra xem xét giải quyết cho tôi”,

    Hai nhân chứng Nguyễn Mạnh Cường và Nguyễn Ngọc Tùng cùng một số nhân chứng khác tỏ rõ thái độ khá bức xúc vì bản thân đã phải chấp nhận thi hành án 5, 6 năm tù. Đến tham dự phiên tòa này, hai nhân chứng tiếp tục kêu oan vì bản án trước đó (năm 2014) của TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt về tội Cướp tài sản.

    Sau cùng, Chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX tuyên bố quyết định kéo dài thời gian nghị án và sẽ tuyên án vào 8h ngày 25/4/2019.

    Nguyễn Phượng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sai-sot-trong-ban-cao-trang-vu-cuop-do-tren-song-ka-long-la-do-loi-danh-may-a271968.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan