Sán lợn có bị tiêu diệt khi thức ăn được đun nấu sôi?


Thứ 3, 19/03/2019 | 03:09


Ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 80 độ C vì thế, ăn thức ăn nấu chín, không ăn rau sống sẽ phòng nhiễm sán lợn.

Ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 80 độ C vì thế, ăn thức ăn nấu chín, không ăn rau sống sẽ phòng nhiễm sán lợn.

Tại Việt Nam, theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, cơ sở điều trị, đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành ghi nhận trường hợp nhiễm sán dây/ấu trùng sán lợn.

Tháng 11/2018, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM phát hiện 108 người ở Bình Phước nhiễm ấu trùng sán dây lợn. Ổ bệnh được xác định từ những con lợn nuôi ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa.

Những con lợn nghi ngờ bị nhiễm bệnh được đưa đi xét nghiệm đã cho thấy ấu trùng sán sống ký sinh với mật độ rất cao, 50-70 nang ấu trùng trong một kg thịt, các bộ phận của lợn như cơ, não, lưỡi đều nhiễm nang ấu trùng.

Chỉ vài tháng sau, câu chuyện liên quan đến "sán lợn" lại tiếp tục được dư luận quan tâm khi hàng loạt trẻ em ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh dương tính với bệnh.

Đường đi của sán khi thâm nhập vào cơ thể. Ảnh: Zing.vn.

Chia sẻ trên báo VTC, bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương cho biết sán lợn được chia làm 2 thể bệnh chính là: ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành.

Ở thể ấu trùng sán lợn, con người khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể. Sau đó, âu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang.

Còn ở sán lợn trưởng thành, khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.

Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.

Theo ông Thiều, người bệnh khi nhiễm sán tùy vào thể trạng sẽ có những biểu hiện như đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ… Trường hợp khác, nếu sán làm kén ở não sẽ gây nhức đầu, buồn nôn, nôn, hoặc co giật, tê bì, khó ngủ hay mờ mắt.

Chia sẻ với VTC, ông Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm, sán lợn sẽ chết ở nhiệt độ 80 độ C. Bởi vậy, để phòng bệnh, người dân cần thực hiện ăn uống đảm bảo vệ sinh, ăn chín, uống sôi, không ăn đồ sống hay tái chín.

Sán lợn bị tiêu diệt khi nấu sôi. Ảnh: Dân Trí.

Ngoài lợn, chó mèo đều có thể là vật chủ phụ của sán dây lợn. Thậm chí, người cũng có thể lây truyền sán dây lợn khi người ăn phải trứng sán dây lợn từ ngoại cảnh (theo thực phẩm, rau quả). Hoặc nguy hiểm hơn là những người đang mắc sán trưởng thành ký sinh ở ruột non vì một lý do nào đó như say tàu, say xe, phụ nữ có thai hoặc sốt cao, nôn oẹ... sẽ lây nhiễm sang nhiều người khác.

Cách điều trị và dự phòng căn bệnh sán lợn:

Đường ruột: Bệnh nhân sẽ được uống thuốc đặc trị liều thấp, kết hợp với thuốc sổ tống sán ra ngoài và có thể quan sát, kiểm tra được đầu, thân, cổ của con sán

Não: Hiện nay vẫn là một vấn đề nan giải cần phải điều trị tuyến chuyên khoa. Có thể dùng praziquantel, methifolat, DEC, nên phối hợp với corticoid và thuốc chống phù nề não.

Da: Có thể phẫu thuật khi thật cần thiết vì yếu tố thẩm mỹ hoặc các u nang chèn ép các dây thần kinh. Tiêm hút dịch ở u nang, bơm 0,5 ml nước cất vào u nang để tiêu diệt đầu sán lợn.

Để tránh bệnh sán lợn đường tiêu hóa cần quản lý phân tốt, không ăn thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín. Nếu có bệnh sán lợn đường tiêu hóa, người bệnh cần tích cực điều trị để dự phòng bệnh u nang sán lợn dưới da.

Thu Hằng

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/san-lon-co-bi-tieu-diet-khi-thuc-an-duoc-dun-nau-soi-a267127.html