+Aa-
    Zalo

    Sáng nay (11/11), Bộ trưởng bộ GD&ĐT trả lời chất vất trước Quốc hội

    ĐS&PL Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn về một số vấn đề của ngành giáo dục, trong đó có việc học sinh học online kéo dài và cho trẻ trở lại trường.

    Sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn sẽ đăng đàn để trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề nóng trong giáo dục hiện nay.

    Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về 4 nhóm vấn đề chính.

    Thứ nhất, việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19.

    Thứ hai, công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

    Thứ ba, phương án thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

    Thứ tư, giảm tải chương trình học cho học sinh ra sao, công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học.

    sang nay 11 11 bo truong bo gd dt tra loi chat vat truoc quoc hoi dspl 1
    Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: VTC News 

    Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, giải trình và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của dịch COVID-19.

    Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học, cũng như việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Đảng.

    Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dự kiến còn có thể kéo dài, bộ GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

    Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục mầm non (GDMN) trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Không tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình đối với cấp học mầm non.

    Bộ GDĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ năm học đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tổ chức hoàn thành nhiệm vụ năm học; điều chỉnh tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng tập trung dạy và học nội dung cốt lõi các môn học trong điều kiện phòng, chống COVID-19; hướng dẫn địa phương chủ động linh hoạt chuyển đổi giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, trên truyền hình; duy trì dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để hỗ trợ dạy học trực tiếp...

    Tuy nhiên, các cấp học vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

    Đối với Giáo dục Mầm non (GDMN), một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập không có lương khi phải nghỉ dạy trong thời gian trẻ em ở nhà không đến trường để phòng dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc. Đây sẽ là khó khăn lớn của các cơ sở GDMN ngoài công lập trong đảm bảo an toàn cho trẻ và chất lượng giáo dục khi huy động trẻ đến trường sau thời gian nghỉ tránh dịch.

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trẻ không được đến trường, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ; nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc để chăm sóc con ở gia đình, ảnh hưởng lớn tới thu nhập và phát triển kinh tế.

    Việc hướng dẫn trực tuyến cho cha mẹ trẻ hạn chế về nội dung, phương pháp, trang thiết bị và các chất liệu thực tiễn, trực quan sinh động, chưa đảm bảo tương tác tích cực với trẻ mầm non. Những hạn chế nêu trên dẫn đến trẻ em GDMN giai đoạn hiện nay có nguy cơ chậm phát triển.

    Đối với Giáo dục Phổ thông, học sinh các gia đình nghèo, vùng khó khăn đang thiếu thiết bị để học tập trực tuyến, có tới 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này. Các bài dạy trên truyền hình chưa phủ hết tiến trình bài học chương trình các môn học.

    Bên cạnh đó, tổ chuyên môn và các cơ sở giáo dục còn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn về thời gian và con người trong xây dựng kế hoạch giáo dục đối với các môn học mới có nội dung tích hợp, liên môn, có hiện tượng cắt ngang chương trình môn học để dạy song song; nhiều bài giảng trực tuyến chưa sinh động, hấp dẫn; hạn chế tương tác giữa học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học trực tuyến, đặc biệt là khi học sinh học qua truyền hình...

    Đối với Giáo dục Đại học, do tình hình dịch bệnh kéo dài nên hiện vẫn còn 20 cơ sở đào tạo vẫn còn khóa sinh viên chưa hoàn thành hết bài đánh giá kết thúc năm học, chủ yếu thuộc các khối trường văn hóa nghệ thuật, trường đào tạo khối ngành sức khỏe. Nhiều cơ sở GDĐH chưa tổ chức được công tác tuyển sinh trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.

    Hệ thống đào tạo trực tuyến ở các cơ sở GDĐH chưa được phát triển đầy đủ, nhiều trường còn hạn chế. Việc bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các chương trình đào tạo yêu cầu nhiều thời gian thực hành, thực tập để trang bị các kỹ năng nghề nghiệp.

    Thủy Tiên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sang-nay-11-11-bo-truong-bo-gd-dt-tra-loi-chat-vat-truoc-quoc-hoi-a518868.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan