+Aa-
    Zalo

    Sập bẫy quảng cáo, chưa kịp đẹp đã thành... người thiên cổ

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Lợi dụng internet, các thẩm mỹ viện chui, kém chất lượng cũng "trà trộn", hòa mình quảng bá hình ảnh bên cạnh những trung tâm làm đẹp uy tín.

    (ĐSPL) - Lợi dụng internet, các thẩm mỹ viện chui, kém chất lượng cũng "trà trộn", hòa mình quảng bá hình ảnh bên cạnh những trung tâm làm đẹp uy tín. Trong bối cảnh thật giả lẫn lộn, hệ thống quảng cáo của những loại hình làm đẹp, thẩm mỹ nói trên, tạo nên bức tranh hỗn loạn. Nguy hiểm hơn, sự bát nháo trên nhiều khi trở thành bẫy ngầm, khiến không ít người cả tin rơi vào thảm cảnh tiền mất tật mang.

    Những chiếc bẫy ngọt ngào

    Với mong muốn có được một khuôn mặt, làn da như ý,... nhiều chị em đã không ngại đầu tư tiền của, chấp nhận những cơn đau để làm đẹp dựa trên những thông tin quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính sự hỗn loạn, bát nháo thông tin quảng cáo trên đã biến họ thành nạn nhân của những trò "móc túi" công khai. Thậm chí, phải gánh chịu hậu quả, chẳng những không níu giữ được tuổi xuân mà còn ẩn chứa mối hiểm họa cho sức khỏe.

    Nạn nhân mới nhất của một thẩm mỹ viện kém chất lượng.

    Các chuyên gia y tế cho biết, do kiến thức về phẫu thuật thẩm mỹ của người dân chưa cao, do đó, nhiều người dễ dàng tin theo những thông tin quảng cáo sản phẩm, dịch vụ. Đồng tình quan điểm trên, PGS.TS Trần Hậu Khang, Giám đốc bệnh viện Da liễu Trung ương cho rằng: "Đa phần chị em kiến thức về thẩm mỹ chưa cao, nên rất tin tưởng vào các quảng cáo. Tôi khuyến cáo, mọi người nên cảnh giác và xem xét kỹ trước khi quyết định chọn một dịch vụ thẩm mỹ. Nếu lựa chọn sai, tin tưởng vào những thông tin quảng cáo không trung thực, thổi phồng, khách hàng thẩm mỹ có thể gặp những vấn đề về sức khỏe. Thực tế hiện nay cho thấy, các thông tin quảng cáo về dịch vụ thẩm mỹ xuất hiện trên mạng internet ngày càng nhiều, khách hàng rất khó chọn lọc".

    Đánh giá sự nguy hiểm từ hiện tượng hỗn loạn, loạn thông tin quảng cáo thẩm mỹ viện, thạc sỹ Phan Thị Kim Huyền, chuyên gia tâm lý trung tâm Tham vấn Tâm lý - Giáo dục Tâm Lý Việt, hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết: "Chính từ sự hỗn loạn, bát nháo về thông tin quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ viện như hiện nay đã tạo nên tình trạng vàng thau lẫn lộn, khách hàng khó phân biệt rạch ròi giữa dịch vụ làm đẹp uy tín, chất lượng với dịch vụ dỏm, kém chất lượng bởi các trang quảng cáo dịch vụ trên internet đều được thiết kế bắt mắt với những lời quảng bá một tấc lên mây, cam kết có cánh".

    "Thông tin về một sự việc quá dày đặc đã dẫn đến hiện tượng "nhiễu" kênh lựa chọn, mọi người phân vân không biết nên chọn dịch vụ nào, trung tâm nào,...". Quá trình trên dễ khiến những người có ý định tìm kiếm dịch vụ thẩm mỹ bị rối, "chọn nhầm địa chỉ". Việc chọn nhầm địa chỉ được các chuyên gia y tế khuyến cáo là hết sức nguy hiểm", chuyên gia này cho biết thêm.

    Theo đó, nếu khách hàng không đủ thông tin, đủ kinh nghiệm để chọn cho mình một cơ sở thẩm mỹ tốt, rất có thể họ sẽ phải hứng chịu những hậu quả nặng nề. Thực tế đã chứng minh vô số trường hợp chị em phụ nữ "chọn nhầm địa chỉ" khi quyết định tân trang nhan sắc đã để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe. Thậm chí, đã có trường hợp tử vong như vụ thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội); vụ chị Trần Thị Thu Hương (quốc tịch Hồng Kông) mất mạng khi tới thẩm mỹ viện Linh Nhung, ở 255 Xã Đàn (phường Nam Đồng, Đống Đa, TP.Hà Nội) để xóa sẹo; chị Bùi Bích Lộc đến cơ sở thẩm mỹ viện Hà Nội tại địa chỉ 257 Giải Phóng, Hà Nội để làm phẫu thuật nâng ngực với chi phí là 2.600 USD, nâng mí với mức phí là 5 triệu đồng, tử vong sau đó vì trụy tim mạch...

    Từ thực tế trên, các chuyên gia khuyến cáo, khi quyết định thẩm mỹ, khách hàng cần có sự lựa chọn kỹ càng, tham khảo một cách có chọn lọc, thông minh, tránh xa vào những thông tin quảng cáo bát nháo trên mạng để rồi tiền mất tật mang, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

    Vàng thau lẫn lộn

    Trong bối cảnh thông tin đăng tải tràn lan trên mạng, người dùng internet dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn cho mình mọi nhu cầu, trong đó có nhu cầu làm đẹp. Những thông tin về dịch vụ trên được người quản lý giăng đầy trên các trang mạng với nhiều mỹ từ có cánh để thu hút khách hàng: Hút nám, tàn nhang bằng máy quang học điện tử sau bảy ngày bong hết sạch. Nâng ngực dùng mỡ cơ học bơm vào vùng ngực để ngực trở nên căng tròn, không bị sệ. Chữa vết nhăn, giảm béo bằng châm cứu, và một số kem đặc dụng sử dụng trong việc tạo cảm giác khác thường... Đặc biệt là những quảng cáo về thu hẹp nhũ hoa, nâng bầu ngực căng tròn như các ngôi sao luôn thu hút sự quan tâm của các bà, các chị.

    Nắm bắt được khát khao làm đẹp của nhiều chị em, thậm chí có những người "nghiện" thẩm mỹ, "thèm" mùi dao kéo, trên nhiều trang mạng, loại hình dịch vụ này đưa ra những chiêu thức quảng cáo làm đẹp bằng đội ngũ chuyên gia châu Âu, nhân viên giàu kinh nghiệm, với hệ thống máy móc hiện đại. Các trang quảng cáo không chỉ được thiết kế bắt mắt, gần gũi khách hàng mà còn sử dụng hình ảnh của nhiều người nổi tiếng để thu hút, chèo kéo khách. Để nhanh chóng tiếp cận khách hàng một cách nhanh nhất, các trang quảng cáo được người thiết kế theo nhiều hình thức khác nhau từ lớn đến nhỏ, từ đơn giản đến phức tạp.

    Tham gia tìm kiếm địa chỉ thẩm mỹ viện trên trang Google, người dùng internet nhanh chóng choáng ngợp, phân vân trước sự "bao la" của chúng. Ngoài những trung tâm, thẩm mỹ viện nổi tiếng có uy tín, có thương hiệu, vô số các địa chỉ "lạ mặt" cũng chen chân, đăng tin, quảng cáo rầm rộ. Ghi nhận thực tế, "các lò làm đẹp" nhỏ lẻ, chưa có tên tuổi cũng tìm mọi cách tiếp cận khách hàng bằng nhiều hình thức quảng cáo, từ công khai đến bán công khai, đặc biệt, nhiều trang quảng cáo mang tính giới thiệu, quảng bá sản phẩm một cách thuần túy.

    Nguy hiểm hơn, dịch vụ này lại xuất hiện trên nhiều diễn đàn điện tử hay các trang mạng cá nhân như Facebook, Google+... chèo kéo người dùng internet. Việc xuất hiện dưới nhiều hình thức những thông tin quảng cáo thẩm mỹ viện được nhiều khách hàng nhận định là cơ hội tốt để lựa chọn nơi làm đẹp đến bán công khai. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà tâm lý cho rằng, hiện tượng trên ngoài việc cho phép khách hàng có nhiều lựa chọn, so sánh, quảng cáo tràn lan, bát nháo, không kiểm soát đã tạo nên sự hỗn loạn thông tin khiến chi em như bị lôi vào ma trận không lối thoát.

    Các chuyên gia khẳng định, ngoài những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ, đa số khách hàng đều tìm đến thẩm mỹ viện trong bỡ ngỡ. Do đó, chính yếu tố tâm lý muốn làm đẹp nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm mỹ, khiến nhiều chị em lựa chọn thông tin quảng cáo trên internet như một cứu cánh. Tuy nhiên, trong rừng thông tin đó, nhiều khi sự lựa chọn lại là các bẫy khiến nhiều người tiền mất tật mang.

    Thêm vụ rước họa vì thẩm mỹ viện dỏm

    Chị T.D. (31 tuổi, ngụ Khánh Hòa) cho biết, đang cùng gia đình hoàn tất hồ sơ khởi kiện Mimi Clinic & Spa, tại địa chỉ 24 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM sau khi chi hơn 110 triệu đồng đến cơ sở trên để nâng mũi làm đẹp nhưng lại phải nhập viện điều trị vì nhiễm trùng. Theo đó, cuối tháng 6/2014, chị T.D. có đến cơ sở Mimi Clinic & Spa, 24 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM để nâng mũi, với chi phí 110 triệu đồng. Sau khi phẫu thuật, mũi của chị D. chảy máu, có mủ, đỏ tấy. Ngày 11/12/2014, chị D. đến một bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng ở TP.HCM để kiểm tra. Kết quả, chị bị "nhiễm trùng tiền đình mũi và mô mềm sau chỉnh hình mũi thẩm mỹ".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sap-bay-quang-cao-chua-kip-dep-da-thanh-nguoi-thien-co-a78678.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan