Sáp nhập trung tâm Y tế và dân số ở Thủ đô: Hỗ trợ cho nhau để nâng cao chất lượng dân số


Thứ 7, 06/10/2018 | 08:39


UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định 3453/QĐ-UBND về tổ chức lại trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, trên cơ sở sáp nhập trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định 3453/QĐ-UBND về tổ chức lại trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, trên cơ sở sáp nhập trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nhằm tinh gọn bộ máy, giảm các đầu mối, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới.

Tinh giảm được 1/2 số đơn vị khi sáp nhập

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc sở Y tế Hà Nội, đến thời điểm này, công tác sáp nhập trung tâm DS- KHHGĐ vào trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã đã cơ bản thực hiện xong.

Về công tác tổ chức cán bộ, 30/30 đơn vị đã bàn giao cán bộ theo chỉ tiêu biên chế được giao. Tổng số cán bộ bàn giao từ Trung tâm DS- KHHGĐ sang trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã là 839 người (682 viên chức, 157 hợp đồng). Từ ngày 1/8/2018, các đơn vị đã tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ để triển khai hoạt động. Ngoài ra, 100% đơn vị đã hoàn thành việc bàn giao tài chính, tài sản. Tuy nhiên, về trụ sở làm việc, trong số 30 trung tâm y tế, 19 đơn vị có trụ sở làm việc riêng và 11 đơn vị có trụ sở chung với UBND các quận, huyện, thị xã, nên việc bố trí nơi làm việc cho cán bộ dân số còn gặp khó khăn.

“Giải pháp được đưa ra là những người giỏi chuyên môn sẽ chuyển sang làm công tác chuyên môn, người giỏi quản lý sẽ tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo. Nguyên tắc bố trí cán bộ được thực hiện theo Quyết định 3453/QĐ-UBND”- ông Nguyễn Khắc Hiền thông tin

Theo đó, Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã sau khi sáp nhập có giám đốc và không quá 3 phó giám đốc. Vì vậy, Giám đốc DS- KHHGĐ gia đình được xem xét thực hiện quy trình bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Y tế; còn Phó Giám đốc DS- KHHGĐ giữ chức Trưởng, Phó phòng DS- KHHGĐ, trực thuộc Trung tâm Y tế. Các cán bộ còn lại được tiếp nhận nguyên trạng về làm việc tại Phòng DS- KHHGĐ thuộc Trung tâm Y tế trên cơ sở giữ nguyên các công việc trước đây, không xáo trộn, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn.

“Từ 60 đơn vị, khi trung tâm DS- KHHGĐ các quận, huyện, thị xã sáp nhập vào trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã chỉ còn 30 đơn vị. Cái được lớn nhất sau khi sáp nhập không chỉ là tinh gọn bộ máy, mà quan trọng hơn là thống nhất trong quản lý, chỉ đạo công tác y tế dự phòng tại cơ sở”- ông Hiền nói.

Cán bộ dân số tuyên truyền đến người dân về công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới.

Công tác y tế, dân số hỗ trợ nhau tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng dân số của Hà Nội

Trước đây, cùng một nhiệm vụ có thể liên quan đến 2 đơn vị, nên khi triển khai xuống cơ sở bị chồng chéo, lãng phí nguồn lực, đôi khi chỉ đạo không thống nhất. Cùng với đó, sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ chuyên môn được tăng lên, trang thiết bị tập trung ở một nơi, rất thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ, nhất là khi xảy ra các tình huống cần huy động nhân lực, phương tiện lớn.

Trong thực hiện nhiệm vụ, việc điều động của toàn ngành là yếu tố rất quan trọng trong giải quyết các vấn đề cấp bách, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, việc sáp nhập không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Sở Y tế đã và đang phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình bàn giao để việc sáp nhập phát huy hiệu quả.

Chi sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, vấn đề làm thế nào để công tác dân số tiếp tục được duy trì, đạt hiệu quả hoạt động sau khi sáp nhập; đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TƯ về công tác dân số trong tình hình mới, chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, phân bổ dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số đã được Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII thông qua là vấn đề lớn được đặt ra.

Trước nhiệm vụ và yêu cầu cao hơn đó, Sở Y tế Hà Nội xác định, phải tạo vị thế rất rõ của công tác dân số trong bộ máy tổ chức của Trung tâm Y tế sau khi sáp nhập. Chính vì vậy, sau sáp nhập, Trung tâm DS- KHHGĐ trở thành một phòng của Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã và duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác dân số quận, huyện, thị xã.

Với việc giữ nguyên trạng bộ máy làm công tác dân số sau khi sáp nhập, công tác y tế, dân số hỗ trợ nhau tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn thành phố. Đơn cử như sự phối hợp giữa y tế và dân số sẽ hỗ trợ tốt cho nhau trong việc triển khai hiệu quả đề án sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để tầm soát, phát hiện sớm một số dị tật, bệnh bẩm sinh ở trẻ.

Còn y tế hỗ trợ cho công tác dân số trong việc tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong, tăng tuổi thọ và số năm trung bình sống khỏe mạnh cũng như thực hiện tốt các chương trình, biện pháp nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, với Hà Nội, hiện tỷ lệ nữ giới ở độ tuổi sinh đẻ cao, dân số cơ học tăng cao hơn tự nhiên. Việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đã có kết quả bước đầu, song chưa bền vững và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao. Vì vậy, mục tiêu của công tác dân số Thủ đô trong thời gian tới là ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số đặt ra cho Trung tâm Y tế mới sẽ là triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động; đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát chuyên môn các hoạt động về DS-KHHGĐ của trạm y tế xã và cộng tác viên dân số. Mặt khác, quản lý, triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ và các dự án được Chi cục DS- KHHGĐ Hà Nội phân công.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sap-nhap-trung-tam-y-te-va-dan-so-o-thu-do-ho-tro-cho-nhau-de-nang-cao-chat-luong-dan-so-a250529.html