+Aa-
    Zalo

    Sau loạt bài của Tạp chí ĐS&PL: Hà Nội lập tổ công tác rà soát các dự án thời Hà Tây sáp nhập

    (ĐS&PL) - Sau loạt bài ĐSPL đăng tải về các dự án bị đình hđ trệ khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo rà soát để đưa ra phương án xử lý…

    Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 5490/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, KĐT mới trên địa bàn thành phố.

    Theo đó, phạm vi, đối tượng kiểm tra, rà soát là các dự án khu nhà ở, KĐT mới được giao triển khai từ trước ngày 1/8/2008, được chuyển tiếp từ các tỉnh Hà Tây (trước đây), Hòa Bình, Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội sau khi hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính do nhà đầu tư đề xuất tiếp tục thực hiện.

    Tổ công tác có trách nhiệm tập hợp đầy đủ hồ sơ của từng dự án, phân loại các dự án. Trên cơ sở kiểm tra, rà soát, đánh giá về các nội dung cụ thể: Thời hạn, hiệu lực các văn bản pháp lý liên quan của các dự án, nguồn gốc đất, hiện trạng quản lý, sử dụng đất, sự tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc của các dự án; thủ tục cần hoàn thiện quy hoạch, kiến trúc theo quy định hiện hành, sự tuân thủ quy định của pháp luật về nhà ở; sự tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý đất đai khi thực hiện dự án.

    Căn cứ kết quả rà soát, kiểm tra, Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá, kết luận đối với từng dự án; đề xuất giải pháp giải quyết đối với từng dự án đầu tư theo thẩm quyền, kiến nghị thành phố, các bộ, ngành nội dung liên quan.

    anh 16152221749061679548901 0 0 499 888 crop 16152221841231699125403
    Ảnh minh hoạ. 

    Hàng loạt dự án “treo” sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội: Trách nhiệm thuộc về ai?

    Như Tạp chí ĐS&PL đã từng phản ánh, nhiều chủ đầu tư dự án đô thị tại các khu vực thuộc địa phận Hà Tây cũ đã gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý suốt hàng chục năm qua, dẫn tới việc dự án bị “treo”, chậm tiến độ, gây lãng phí rất lớn tài nguyên thiên nhiên cũng như nguồn lực xã hội. Đáng chú ý, các dự án gặp vướng mắc đều đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai theo đúng tinh thần của Văn bản số 240/TB-VPCP.

    Cụ thể, ngày 5/9/2008, một tháng sau khi Hà Tây chính thức sáp nhập vào Hà Nội, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 240/TB-VPCP (ban hành kèm theo danh sách danh mục các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư được triển khai) thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về kết quả rà soát cácn đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội mở rộng. Từ khi Thủ tướng chấp thuận cho 30 dự án thuộc nhóm Ia được triển khai, đến nay UBND Thành phố Hà Nội đã trải qua ba đời chủ tịch nhưng các dự án này vẫn … đứng hình, không biết bao giờ tiếp tục được khởi động lại.

    Theo quyết định này, Thủ tướng đồng ý cho phép 30 dự án (dự án nhóm Ia) được triển khai và 107 dự án (nhóm I b) tiếp tục triển khai nhưng cần điều chỉnh về nội dung quy hoạch (dự án nhóm Ib).

    Văn bản số 240/TB-VPCP yêu cầu UBND TP Hà Nội tạo điều kiện cho các dự án phù hợp với quy hoạch, đã thực hiện đầy đủ thủ tục, quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển, xây dựng thành phố được tiếp tục triển khai. Đối với các dự án còn lại, cần hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện, bổ sung các nội dung theo đúng quy định, bảo đảm tính thống nhất, gắn kết, hài hoà giữa các dự án và phù hợp với chức năng của không gian đô thị được quy hoạch.

    30 dự án thuộc nhóm 1a đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội được xem là những dự án trọng điểm của thành phố. Đa phần các dự án này có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, được kỳ vọng là những khu đô thị hiện đại, đáng sống… như Khu đô thị Dầu khí Đức Giang Đơn (huyện Hoài Đức, Hà Nội), dự án Khu dịch vụ - Du lịch Phú Cường tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, dự án Khu đô thị Làng Thời Đại với quy mô 149,83 ha tại Thị trấn Xuân Mai … Theo khảo sát, đến nay các dự án này vẫn không thể hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai theo quy định.

    Thế nhưng, mặc cho Thủ tướng có chỉ đạo như vậy, kể từ năm 2008 đến nay, các dự án vẫn nằm trên giấy, dậm chân tại chỗ.

    Nhà đầu tư cho rằng, nguyên nhân dự án không thể triển khai là bởi UBND TP Hà Nội không có văn bản hướng dẫn cụ thể. Khi Thủ tướng chấp thuận cho các dự án này triển khai thì UBND TP Hà Nội phải có văn bản đốc thúc, hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý để doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án theo yêu cầu của Thủ tướng. Tuy nhiên, cho đến nay đã 13 năm trôi qua, mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo, doanh nghiệp đã gửi hàng loạt văn bản, thậm chí cả đơn kêu cứu nhưng UBND TP Hà Nội vẫn không có văn bản hướng dẫn các thủ tục pháp lý để các sở ngành, doanh nghiệp áp dụng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

    Theo quy định, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho dự án triển khai thì UBND TP Hà Nội phải có văn bản hướng dẫn để nhà đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, suốt 13 năm qua, Hà Nội vẫn cứ rà soát kéo dài mà không có quyết định chính thức để nhà đầu tư làm theo. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng việc các dự án chậm trễ thực hiện thuộc trách nhiệm của UBND TP Hà Nội.

    Các doanh nghiệp bức xúc cho rằng, UBND TP Hà Nội đã thiếu sự sát sao, chưa làm tròn trách nhiệm khi để 30 dự án trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua bị đình trệ kéo dài suốt 13 năm qua và chưa biết bao giờ được tái khởi động để hoàn thiện. Việc doanh nghiệp mạnh ai người ấy lo thủ tục mà chưa có sự vào cuộc kịp thời từ UBND TP Hà Nội đã dẫn đến hệ lụy dự án nằm bất động suốt thời gian dài, gây lãng phí rất lớn tài nguyên thiên nhiên cũng như nguồn lực xã hội.

    Hiếu Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sau-loat-bai-cua-tap-chi-ds-pl-ha-noi-lap-to-cong-tac-ra-soat-cac-du-an-thoi-ha-tay-sap-nhap-a524829.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan