+Aa-
    Zalo

    Sau trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh:Nỗi lo “ông điện”... đói than?!

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL)- Khi “vựa than” chìm trong biển nước, nhiều người liên tưởng đến viễn cảnh các nhà máy nhiệt điện lâm vào tình trạng “bất động” dài hơi.

    (ĐSPL)- Trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh, ngành than được coi là “nạn nhân” thê thảm nhất của trận thiên tai bất ngờ này. Khi “vựa than” chìm trong biển nước, nhiều người liên tưởng đến viễn cảnh các nhà máy nhiệt điện lâm vào tình trạng “bất động” dài hơi và nỗi lo thiếu điện cục bộ trên cả nước. Trao đổi với PV, nhiều chuyên gia ngành năng lượng cho rằng, thiên tai là việc bất khả kháng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang quá mải mê xây nhiệt điện mà quên mất quy hoạch nguyên liệu than.

    Đã được dự báo trước?

    Mới đây, phát biểu trước báo giới về thiệt hại của ngành than sau trận lũ lịch sử ở Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc TKV (tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam) chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi đang phải ăn đong từng chuyến tàu chở than để cấp cho các nhà máy điện. Một số tuyến vận chuyển đã bắt đầu được khôi phục nhưng vẫn gặp trở ngại nếu mưa tiếp diễn”.

    Cũng về vấn đề này, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV TKV cũng cho biết, Tập đoàn sẽ nỗ lực cao nhất để đảm bảo an toàn và khôi phục sản xuất ngay khi điều kiện cho phép để tiếp tục bốc xếp, sản xuất than cho nhiệt điện. Dự kiến sau khi hết mưa khoảng 4 - 5 ngày sẽ bắt đầu khôi phục khoảng 30 - 50\% năng lực và sẽ ưu tiên thực hiện cung cấp than cho nhiệt điện Duyên Hải 1, tiếp theo là Vĩnh Tân 2, Nghi Sơn, Vũng Áng... TKV và EVN đã trao đổi, thống nhất lập phương án, triển khai sử dụng than tại các mỏ Vàng Danh, Uông Bí, Mạo Khê và than pha trộn cho sản xuất điện của các nhà máy điện phía Nam.

    Người dân Quảng Ninh vớt than bị trôi sau khi mưa lũ.

    Ở một chiều hướng khác, dẫn lời EVN và TKV, lượng than đang được trữ tại các nhà máy nhiệt điện còn lại không nhiều. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là 25.000 tấn, dự kiến chỉ đủ để vận hành 1 tổ máy 600 MW trong vòng 4 - 5 ngày. Tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, lượng than dự trữ trong kho và tại cảng là 97.000 tấn, ước tính đủ để cấp cho 2 tổ máy vận hành đầy tải trong 10 ngày trong khi tại nhà máy nhiệt điện Phả Lại 1 và Phả Lại 2, lượng than chỉ đủ dùng khoảng 15 ngày.

    Theo các chuyên gia ngành năng lượng, việc lượng than chỉ đủ để vận hành các nhà máy nhiệt điện trong khoảng 9-10, thậm chí là 5 ngày là vấn đề đáng lo ngại. Bởi thực tế cho thấy, từ trước đến nay, khi các nhà máy nhiệt điện và thủy điện hoạt động hết công suất nhưng EVN vẫn “than” thiếu điện. Nay các nhà máy nhiệt điện đang đứng trước nguy cơ “đói” than, liệu tình trạng mất điện cục bộ có xảy ra. Đây là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm, lo ngại.

    Cách đây không lâu, ĐS&PL đã đăng tải loạt bài Nghi ngại từ các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, trong đó có bài viết “EVN sẽ làm gì khi các nhà máy nhiệt điện đói than?”. Khi đó, một chuyên gia ngành năng lượng đã cho rằng, việc thiếu than cho các nhà máy nhiệt điện là điều rất đáng lo ngại trong ngành điện. Các con số này cho thấy, EVN xây nhiều nhà máy nhiệt điện than nhưng họ chưa mấy chú trọng đến quy hoạch nguyên liệu để duy trì hoạt động các nhà máy này.

    “Nhiều người đặt câu hỏi, khi thiếu than, các nhà máy nhiệt điện do EVN làm chủ đầu tư sẽ hoạt động ra sao. Trong trường hợp duy trì được sự vận hành của các nhà máy bằng nguồn than nhập khẩu nước ngoài với giá cao thì ai biết được "ông điện" sẽ tiếp tục đòi tăng giá và đưa giá điện lên cao đến mức nào? Chính cảnh “ăn đong” từ nước ngoài dẫn đến việc các nhà máy nhiệt điện không chủ động được nguồn nguyên liệu của mình”, vị chuyên gia này nói thêm.

    Sẽ không xảy ra tình trạng cắt điện cục bộ!

    Chiều ngày 4/8, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định: “Như chúng ta đã biết, đây là đợt mưa lũ lịch sử trong nửa thế kỷ qua. Đây là cơn lũ khiến ngành than thiệt hại vô cùng lớn. Về vật chất, chỉ tính riêng ngành than đã thiệt hại trên 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, vấn đề còn nguy hiểm hơn khi các lò khai thác than đều ngập trắng, các bãi chứa bên ngoài sạt lở hết”.

       Ông Trần Viết Ngãi.

    Ông Ngãi cung cấp thêm thông tin cho PV, mặc dù thiệt hại nặng nề nhưng hiện nay TKV vẫn cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than trên cả nước. Trong đó xa nhất là nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và Vũng Áng... Còn toàn bộ nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc hiện vẫn còn dự trữ được lượng than có thể sử dụng trong thời gian tới.

    “Theo tôi được biết, ngành than hiện nay đang còn dự trữ được hơn 7 triệu tấn phục vụ cho phát điện. Tôi cho rằng, hiện tại sẽ không có vấn đề gì, nhưng sắp tới, trong một thời gian ngắn, nếu như mưa lũ kéo dài, ngành than nằm trong sự trì trệ, không khắc phục kịp thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu than trầm trọng. Tôi rất lo cho ngành điện vào mùa hè năm 2016”, vị Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thẳng thắn.

    Khi PV đặt câu hỏi về vấn đề có xảy ra tình trạng cắt điện cục bộ nếu như tình trạng xấu nhất xảy ra là nhiệt điện thiếu than, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, các nhà máy thủy điện có thể “gồng gánh” đủ lượng điện cho nhu cầu của cả nước. Tuy nhiên, EVN sẽ gặp khó khăn và xảy ra thiếu điện khi vào thời gian cao điểm. Hiện nay, tổng sản lượng của các nhà máy thủy điện là 18.000 MW. Sắp tới chúng ta tiếp tục đưa vào phát điện thủy điện Lai Châu, Huội Quảng (Sơn La), thủy điện sông Mã (Thanh Hóa)...

    Để đi tìm câu trả lời cụ thể về việc liệu có xảy ra tình trạng cắt điện cục bộ, PV đã liên hệ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trao đổi với PV, đại diện EVN (đề nghị không nêu tên-PV) nhấn mạnh: “Sẽ không xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên”.

    Theo đó, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia, EVN sẽ thực hiện phương án huy động thấp các nhà máy nhiệt điện than và chỉ đạo các tổng công ty phát điện tìm kiếm nguồn cấp than khác để duy trì phát điện. Đó là nguồn cung từ những vùng chưa bị lũ và những vùng dự trữ khác.

    Đồng thời, kết hợp với trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia của EVN để cân đối việc huy động các nhà máy một cách thích hợp, từ các nguồn nhiệt điện chạy than, chạy khí và từ các nguồn thủy điện khác nhau. Việc này sẽ bảo đảm trong mọi tình huống xảy ra, kể cả mưa lớn kéo dài thì vẫn bảo đảm tối đa hoạt động của các nhà máy điện và cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.                  

    EVN kêu gọi  người dân tiết kiệm điện

    Tại buổi họp giao ban do bộ Công Thương tổ chức ngày 3/8, ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết, việc gián đoạn cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc cấp điện khu vực miền Nam trong bối cảnh nguồn cung cấp khí sẽ tạm ngưng vào cuối tháng Tám để bảo dưỡng định kỳ. Cũng theo một thông tin phát đi từ EVN, “ông điện” mong nhận được sự chia sẻ của chính quyền và người dân, thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý, tránh lãng phí, góp phần giảm sức ép trong vận hành hệ thống điện.

    Nhiệt điện phụ thuộc vào nguồn than nước ngoài?

    Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho rằng, cứ hình dung mức độ “ăn” than của các nhà máy điện thì sẽ rõ Việt Nam cần phải nhập bao nhiêu than. Theo Quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia 7 (giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030), để sản xuất được 156 tỉ kWh điện mỗi năm vào năm 2020 (tổng công suất nhiệt điện than khoảng 36.000 MW), các nhà máy nhiệt điện phải tiêu thụ 67,3 triệu tấn than và đến năm 2030 khi tổng công suất nhiệt điện than tăng lên 75.000 MW thì phải cần đến 171 triệu tấn than. Với việc sản xuất của ngành than hiện nay, nguy cơ phụ thuộc vào nguồn than nước ngoài của Việt Nam là điều dễ hiểu.

    Văn Chương

    Xem thêm video:

    [mecloud]JKUf3vSIpL[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sau-tran-mua-lu-lich-su-tai-quang-ninhnoi-lo-ong-dien-doi-than-a105318.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.