+Aa-
    Zalo

    Sẽ gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu riêng

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL)- Đại diện Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội TPHCM đề xuất ngày 21/8, để phòng chống tệ nạn mại dâm hiệu quả hơn, cần phải gom các cơ sở KDDV “nhạy cảm" vào một chỗ

    (ĐSPL)- Đại diện Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội TPHCM đề xuất ngày 21/8, để phòng chống tệ nạn mại dâm hiệu quả hơn, cần phải gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu riêng.

    Theo Thanh niên, báo cáo tại hội nghị giao ban công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2015, do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ở TP.HCM, hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý trên cả nước là 11.240, còn thực tế cao hơn rất nhiều do đây là hoạt động rất khó kiểm soát.

    Cả nước có 97.347 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện được cho là “dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” với 59.571 nhân viên nữ làm việc. Đã xuất hiện và có xu hướng phát triển các tổ chức, đường dây hoạt động mại dâm chuyên nghiệp, tinh vi, các sex tour bán dâm quốc tế...

    Người lao động ngành nghề “nhạy cảm” sẽ được pháp luật bảo vệ

    Tin tức từ Tiền Phong, trong 8 tháng đầu năm 2015, tình hình tệ nạn mại dâm và tội phạm liên quan mại dâm vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay xuất hiện các tổ chức, đường dây hoạt động mại dâm chuyên nghiệp, tinh vi như sex tour bán dâm ở nước ngoài. Các cơ sở kinh doanh nhạy cảm xuất hiện ở nhiều địa phương.

    Ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, đề xuất, Chính phủ nên có chỉ đạo thí điểm ở một số thành phố trọng điểm việc gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu vực để tăng cường quản lý.

    TPHCM có hơn 36 nghìn cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ nhạy cảm như massage, karaoke, vũ trường, quán bar… nằm khắp ngóc ngách phố phường.

    Tại đây, người lao động trong các cơ sở kinh doanh ngành nghề “nhạy cảm” sẽ được đảm bảo quyền lợi, được hưởng lương và người lao động được pháp luật bảo vệ. “Họ sẽ được khám sức khỏe định kì, được tuyên truyền, phổ biến kiến thức để tránh lây truyền bệnh HIV/AIDS”, ông Quý nói. Ông cho biết, hiện có rất nhiều cơ sở kinh doanh như quán bar, điểm massage… không trả lương, không kí hợp đồng lao động với nhân viên. Theo ông, nhân viên các cơ sở này chủ yếu sống bằng tiền bo của khách.

    Tại TPHCM, các cơ sở này nhiều nhưng nằm rải rác, khiến công tác quản lý, kiểm tra gặp không ít khó khăn. TPHCM có hơn 36 nghìn cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ nhạy cảm như massage, karaoke, vũ trường, quán bar… nằm khắp ngóc ngách phố phường. Chúng ta cứ đi phòng chống, phòng chống hết chỗ này, đến chỗ khác, chống hoài cũng không hết”, ông Quý nói.

    Còn nhiều ý kiến trái chiều

    Báo Thanh niên thông tin thêm, một số đại biểu băn khoăn, pháp luật chưa thừa nhận mại dâm là một ngành nghề, nếu gom vào một khu thì phải chăng vô tình thừa nhận mại dâm là hợp pháp.

    Tuy nhiên có đại biểu lại đồng tình quan điểm trên, ông Triệu Huy Tạo, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH tỉnh Thanh Hóa, cũng cho rằng “dù có công nhận hay không thì mại dâm vẫn tồn tại”. Theo ông Tạo, nhiều năm qua, các ban, ngành đã rất quyết liệt trong phòng chống mại dâm nhưng hiệu quả rất thấp. “Thay vì chống thì tập trung vào các biện pháp phòng ngừa và giảm hại sẽ phù hợp hơn”, ông Tạo nói.

    Việc gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” không có nghĩa là thành lập khu phố đèn đỏ, mà là quy hoạch lại vào một khu vực để dễ quản lý.

    Trong khi đó, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH TP.Hà Nội, lại cho rằng công tác phòng chống mại dâm cần phải quyết liệt hơn.

    "Không thể xem đó là một thực trạng tồn tại xã hội mà chấp nhận nó. Nếu vậy, mại dâm sẽ phát triển và ảnh hưởng lớn đến thuần phong mỹ tục", ông Thức nói và kiến nghị cần luật hóa hoạt động phòng chống mại dâm, nâng pháp lệnh Phòng, chống mại dâm thành luật. “Cũng cần xem lại biện pháp xử phạt đối với hoạt động mại dâm, bởi phạt càng nhiều thì người bán dâm càng hoạt động mạnh hơn để bù lại!

    Do vậy, để giải quyết tình trạng này cần tập trung các biện pháp giảm hại bằng các mô hình, bằng cơ chế, bằng chính sách để người bán dâm có công ăn việc làm ổn định”, ông Thức nói.

    Tiền phong dẫn lời ông Lê Văn Quý, việc gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” không có nghĩa là thành lập khu phố đèn đỏ, mà là quy hoạch lại vào một khu vực để dễ quản lý, không để tràn lan như hiện nay.

    Ông Quý cho rằng, TPHCM sẽ đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sớm ban hành luật phòng chống mại dâm để thống nhất quan điểm trong công tác Phòng chống mại dâm. 

    Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống TNXH, nhìn nhận: Nhu cầu mua, bán dâm là có trên thực tế. Vì vậy, vấn đề quan trọng là phải quản lý như thế nào cho hiệu quả. Ông Lập cũng ghi nhận kiến nghị của các đại biểu và cho rằng nên quy hoạch cho phù hợp những ngành nghề nhạy cảm để có biện pháp quản lý hiệu quả hơn.

    Ý kiến khác trong hội nghị.

    Luật sư Nông Thị Hồng Dung - Công ty luật Hồng Dung (TP.HCM): Không phù hợp thuần phong mỹ tục

    Hiện nay, một số nước phát triển đã công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp nhằm giảm bớt tình trạng bóc lột tình dục, lây lan bệnh tật và tăng thu ngân sách... Tuy nhiên, sau thời gian cho phép, nhiều nước cũng phải chấn chỉnh lại vì phát sinh nhiều phức tạp. Ở VN, nếu tập trung các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm vào một khu, tuy chưa công nhận mại dâm nhưng cũng có thể được ngầm hiểu là cho phép hoạt động. Theo tôi, với phong tục, tập quán của người VN, hiện nay vẫn chưa phù hợp để thực hiện việc này mà nên tập trung vào công tác tuyên truyền, hỗ trợ những phụ nữ hành nghề bán dâm, giúp họ ổn định cuộc sống.

    Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM: Sẽ là “con dao hai lưỡi”

    Dưới góc độ xã hội, tôi cho rằng việc tập trung những cơ sở nhạy cảm là con dao hai lưỡi. Nó nhằm mục đích thuận tiện cho công tác quản lý nhưng cũng đồng nghĩa với việc các nhà quản lý đồng tình công khai đối với những hoạt động mại dâm. Vấn đề này sẽ gây nên những phản ứng xã hội và nhiều hệ lụy liên quan đến văn hóa, truyền thống đạo đức ở nước ta. Đối với những loại hình mang tính dịch vụ làm đẹp - giải trí như mát xa, xông hơi... nếu có quan tâm thì cũng lưu ý đến cả nam giới làm trong lĩnh vực này, nếu không sẽ tạo nên sự bất bình đẳng giới.


    Đức An(Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]vajPsa5gJj[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/se-gom-cac-co-so-kinh-doanh-dich-vu-nhay-cam-vao-mot-khu-rieng-a107342.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.