+Aa-
    Zalo

    Sẽ hoàn thiện Nhà Quốc hội để phục vụ kỳ họp thứ 8

    ĐS&PL Chủ nhiệm VPQH cho biết sẽ chỉ đạo chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất-kỹ thuật và các điều kiện khác phục vụ tốt kỳ họp thứ 8; đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao việc hoàn thiện Nhà Quốc hội.
    Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 16/7, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biếtsẽ chỉ đạo chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất-kỹ thuật và các điều kiện khác phục vụ tốt kỳ họp thứ 8; đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao việc hoàn thiện Nhà Quốc hội, Hội trường Ba Đình mới để kịp phục vụ kỳ họp bảo đảm chất lượng, tiến độ và các yêu cầu kỹ thuật, an ninh, an toàn.
    Sẽ hoàn thiện Nhà Quốc hội để phục vụ Kỳ họp thứ 8
    Bản vẽ Nhà Quốc hội.Ảnh: TTXVN
    Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, UBTVQH sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức làm việc để nâng cao chất lượng, hiệu quả các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ. Sẽ có nhiều đổi mới như: “Đổi mới cách thức thảo luận, tập hợp, tổng hợp, giải trình ý kiến ở tổ; gửi gợi ý thảo luận sớm và định hướng rõ, cụ thể hơn để đại biểu có thời gian và có hướng nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến; xem xét kỹ việc xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trách nhiệm thực hiện để bảo đảm hiệu quả, tính nghiêm túc trong thực thi quyết định của Quốc hội; tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
    Đánh giá về kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIII, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, ông và nhiều đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri rất xúc động trước sự quan tâm của đông đảo cử tri đối với kỳ họp này so với nhiều kỳ họp trước. “Chúng tôi bất ngờ vì bà con cử tri đi tiếp xúc kỳ họp rất đông, thậm chí đến rất sớm. Bà con khen ngợi thái độ và bản lĩnh của Quốc hội về tình hình biển Đông. Bà con tin tưởng, đồng tình trước quyết định kịp thời của Quốc hội dành ngân sách 16.000 tỷ đồng chăm lo trước mắt cho biển đảo. Nhưng bà con cũng còn băn khoăn về tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, bảo hiểm y tế, đào tạo sinh viên và bố trí việc làm, phạt mũ bảo hiểm giả. May mà có Văn phòng Chính phủ lên tiếng sớm vấn đề phạt mũ bảo hiểm”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.
    Vẫn theo ông Nguyễn Văn Giàu, có đồng chí lãnh đạo nguyên đại biểu Quốc hội tuy đánh giá cao nhưng vẫn mong muốn Quốc hội đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động hơn nữa, phát huy “đà đổi mới”, chỉ sợ sẽ “chững lại”. Góp ý nâng cao chất lượng thảo luận, ông Nguyễn Văn Giàu nhận xét việc duy trì thời gian chưa chặt chẽ. Theo quy định của Quốc hội, thời gian thảo luận tại hội trường lần thứ nhất không quá 7 phút, lần thứ hai không qúa 3 phút nhưng một số trường hợp phát biểu dài vượt khung thời gian. Việc đặt câu hỏi theo nghị quyết chỉ có 2 phút nhưng nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi tới hơn 3 phút, giải thích dài dòng.
    Ông Giàu cũng kiến nghị cần đánh giá nghị quyết 27 về xây dựng luật và đổi mới hoạt động này. Theo nghị quyết 27, mỗi dự án luật ở phần thông qua và phần cho ý kiến UBTVQH đều phải cho ý kiến và gợi ý những vấn đề trọng tâm, những vấn đề tiểu tiết khác nên để cơ quan chuyên môn làm nhưng vừa qua việc thảo luận còn dàn trải.
    Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý kiến nghị phải đổi mới phương thức thảo luận, nếu không ở kỳ họp thứ 8 nội dung rất nặng, không tập trung thì khó hoàn thành chương trình. “Tôi đề nghị thảo luận tổ, thảo luận hội trường và các kỳ thảo luận phải khác nhau. Ta phải gợi ý cái gì và thảo luận theo cái đó. Ví dụ lần đầu cho ý kiến thì thảo luận toàn bộ nội dung, từ sự cần thiết đến phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Còn các lần sau thì không nên phát biểu sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh nữa. Có dự án luật đến lúc sắp thông qua vẫn đảo lại là có nên có luật đó không thì không nên” – ông Phan Trung Lý phê phán. Ông Lý cũng kiến nghị phải phát huy vai trò đại biểu chuyên trách hơn nữa, các ủy ban của Quốc hội nên tổ chức các cuộc họp đại biểu chuyên trách trong xây dựng 17 dự án luật tới đây.
    Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, nên nghiên cứu thêm thời lượng truyền hình trực tiếp và đưa tin hoạt động của Quốc hội vào các “giờ vàng”. Phó chủ tịch Quốc hội nêu thực tế: “Tôi thấy truyền hình trực tiếp đã nhiều hơn nhưng lại phát vào những giờ mà cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động không có điều kiện xem nhiều, chủ yếu các đồng chí về hưu có điều kiện ngồi xem. Trong khi đó, bản tin về Quốc hội rất ngắn, trong khi thời lượng quảng cáo nhiều. Trước chúng ta tính đến có truyền hình riêng của Quốc hội nhưng đến giờ vẫn chưa thấy gì”. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị: “Quốc hội là của dân mà dân không biết nhiều thông tin là không nên. Quốc hội nên sớm có một kênh truyền hình riêng".
    Theo thông tin từ ông Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII dự kiến sẽ diễn ra trong 35 ngày. Quốc hội sẽ làm việc trong cả 5 ngày thứ 7.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/se-hoan-thien-nha-quoc-hoi-de-phuc-vu-ky-hop-thu-8-a41377.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan