+Aa-
    Zalo

    “Siêu” hiệp định RCEP sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau 8 năm đàm phán, hiệp định RCEP đã được ký kết vào sáng 15/11, giữa 10 nước ASEAN và 5 nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.

    Sau 8 năm đàm phán, hiệp định RCEP đã được ký kết vào sáng 15/11, giữa 10 nước ASEAN và 5 nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Đại diện cho Việt Nam, trực tiếp ký kết hiệp định RCEP, Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ với báo chí một số nội dung được quan tâm.

    Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng bộ Công Thương.

    Cơ hội đẩy mạnh thị trường, mở rộng xuất khẩu

    PV: Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết việc Việt Nam tham gia hiệp định RCEP có ý nghĩa như thế nào?

    Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Các cam kết của Việt Nam trong hiệp định RCEP được xây dựng trên cơ sở cam kết của Việt Nam trong tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam đã cùng ASEAN tham gia. Hiệp định này được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả thành viên tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển.

    Trong quá trình đàm phán hiệp định RCEP, các nước đã nỗ lực và thống nhất được một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các hiệp định FTA của ASEAN trước kia. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết hiệp định RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam.

    Ý nghĩa quan trọng nhất là việc kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định RCEP sẽ góp phần đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong quá trình định hình cấu trúc khu vực. RCEP là liên kết kinh tế khu vực có quy mô lớn nhất mà ASEAN đóng vai trò dẫn dắt cho đến nay.

    PV: Thưa Bộ trưởng, nếu so sánh hiệp định RCEP với hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mà Việt Nam mới tham gia gần đây, thì có điểm gì khác về những cam kết nói trên và lợi ích mang lại ra sao?

    Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiệp định RCEP có tính chất khác xa so với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia gần đây như hiệp định CPTPP hay EVFTA. Nếu như CPTPP hay EVFTA hướng đến mở cửa thị trường thì hiệp định RCEP sẽ hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN. Vì thế, lợi ích mang lại cũng sẽ khác biệt.

    Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN. Đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

    Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp của chúng ta có thêm cơ hội chinh phục các thị trường mới.

    Hàng Việt Nam vào các nước tham gia RCEP thuận lợi hơn nhưng sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn về chất lượng.

    Không quá lo ngại về khả năng nhập siêu tăng

    PV: Hiện tại Việt Nam nhập siêu khá lớn từ một số nước cùng ký hiệp định RCEP. Việc mở cửa thị trường theo hiệp định này có làm tăng nguy cơ nhập siêu hơn nữa không, thưa ông?

    Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong suốt quá trình đàm phán, có sự tham vấn chặt chẽ các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu kết quả đàm phán phải đảm bảo lợi ích cao nhất cho Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đã tham gia với các nước ASEAN và 5 nước đối tác trong RCEP một số FTA trong nội khối ASEAN, cụ thể là hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các FTA giữa ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trên.

    Về khả năng tăng nhập siêu, chúng ta không cần quá lo ngại. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra nếu có thể khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định này mang lại. Các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra thêm áp lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho nhóm doanh nghiệp này.

    PV: Bộ trưởng đánh giá thế nào về những khó khăn, thách thức khi Việt Nam tham gia hiệp định RCEP?

    Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cơ hội mà hiệp định RCEP mang lại cũng sẽ song hành cùng với khó khăn và thách thức. RCEP có thể mang đến sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP là cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn. Vì vậy, khi hiệp định RCEP đi vào hiệu lực thì sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng.

    Ngoài ra, hiện đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế cũng như mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam còn khá khiêm tốn.

    PV: Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng hiệu quả những ưu đãi do Hiệp định này mang lại?

    Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua cho thấy khả năng của Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị mới thiết lập trong khu vực ngày càng tăng lên, cùng với việc chúng ta có những đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư.

    Các doanh nghiệp, hiệp hội, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động tìm hiểu thông tin về hiệp định, các thị trường mà đối tác quan tâm. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới. Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.

    PV: Xin Bộ trưởng nhận định về việc Ấn Độ rút khỏi hiệp định RCEP sau 7 năm đàm phán?

    Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việt Nam và các nước ASEAN luôn coi Ấn Độ là một đối tác quan trọng. Việt Nam đánh giá cao quá trình tham gia đàm phán hiệp định RCEP của Ấn Độ trong 7 năm. Ấn Độ tham gia đàm phán từ giai đoạn đầu nhưng năm ngoái đã quyết định rút khỏi đàm phán do hoàn cảnh chưa phù hợp để áp dụng một số tiêu chuẩn trong hiệp định thương mại tự do được ASEAN và các nước đối tác thống nhất.

    Tại thời điểm này, mặc dù Ấn Độ chưa thể tham gia nhưng tất cả thành viên hiệp định RCEP sẵn sàng tạo điều kiện cho Ấn Độ tham gia trong tương lai theo cơ chế thuận lợi, có bảo lưu lại các kết quả đàm phán đã đạt được trước đó với Ấn Độ. PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

    Quy mô của RCEP

    Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (từ ngày 9 - 15/11) tại Hà Nội.

    Gọi RCEP là “siêu” hiệp định, bởi Hiệp định này được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới, với quy mô lên gần 27.000 tỷ USD, chiếm đến 30% tổng GDP toàn cầu, tại khu vực thị trường có hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 47,5% dân số thế giới. Đây cũng là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển.

    Nhật báo The Straits Times của Singapore ngày 12/11 nhận định, RCEP sẽ là tâm điểm của hội nghị Cấp cao ASEAN lần này. Theo bài viết, việc ký kết thỏa thuận thương mại toàn khu vực là mục tiêu chính của ASEAN trong năm nay và sẽ giúp thúc đẩy sự hồi phục kinh tế của khu vực trong 2 năm tới.

    Trước đó, The Straits Times và báo Nikkei của Nhật Bản đều khẳng định, nếu được ký kết, RCEP sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới.

    Thu Huyền

    Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (47)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sieu-hiep-dinh-rcep-se-tac-dong-the-nao-den-kinh-te-viet-nam-a346846.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan