"Siêu lừa" và những chuyến hàng "không cánh mà bay"


Thứ 7, 19/11/2016 | 01:29


(ĐSPL) - Cầm hồ sơ xin việc với giả, Tuấn được chủ hiệu thời trang nhận vào làm nhân viên. Và chỉ ngay trong ngày đầu đi làm, đối tượng đã cùng các kiện hàng biệt tăm.

(ĐSPL) - Cầm hồ sơ xin việc với giả, Tuấn được chủ hiệu thời trang nhận vào làm nhân viên. Ngay trong ngày đầu đi làm, đối tượng đã cùng các kiện hàng biệt tăm.

Theo báo An ninh thủ đô, ngày 18/11, theo đơn kháng cáo của bị cáo, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với Bùi Quốc Tuấn (SN 1988, trú ở xã Lạc Long, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là hàng loạt chủ cửa hàng thời trang trên địa bàn Hà Nội.

Bùi Quốc Tuấn tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: báo ANTĐ

Báo Công an nhân dân thông tin, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng  kinh tế ở Hà Nội, Bùi Quốc Tuấn đi xin việc làm tại một số cửa hàng bán quần áo, với công việc là đi chào hàng và chuyển hàng cho các đại lý bán lẻ. Tích lũy được chút kinh nghiệm Tuấn nghĩ đến việc lừa đảo.

Cuối năm 2014, Tuấn đến cửa hàng bán buôn quần áo trên đường Hoàng Hoa Thám, phường Bưởi, Tây Hồ, gặp chủ cửa hàng là anh Mai Hải Nam xin việc. Nam yêu cầu phải có hồ sơ mới tiếp nhận, Tuấn về mua một bộ hồ sơ gồm các giấy tờ phô tô mang tên giả Nguyễn Bảo Tùng, quê ở Hải Phòng. Sau khi được anh Nam nhận vào làm, ngay ngày hôm sau Tuấn được chủ giao đi chào hang. Đi  một lúc,Tuấn quay về nói dối có đơn đặt hàng ở phố Hàng Ngang- Hàng Đào, gồm 400 chiếc quần áo, tổng trị giá khoảng 50 triệu đồng.

Tin lời nhân viên mới, anh Nam cho đóng gói thành 2 lô hàng, một lô có số lượng lớn (30 triệu đồng) do Tuấn chở, còn lô nhỏ hơn thì Nam chở. Lợi dụng đường đông, Tuấn cho xe máy luồn lách rồi rồ ga phóng thật nhanh để “cắt đuôi” anh Nam đang bị tắc đường phía sau. Lấy được số hàng trên, Tuấn tắt điện thoại và đem xuống chợ Đồng Xa, đường Hồ Tùng Mậu bán cho các cửa hàng nhỏ lẻ với giá rẻ, thu được 12 triệu đồng.  

Theo cơ quan điều tra, với thủ đoạn này, Tuấn đã lừa rất nhiều các cửa hàng trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận. Vụ gần đây vào ngày 5/11/2015, khi thấy chị Đào Thị Thơm đăng tin trên mạng Internet với nội dung cần tuyển nhân viên kinh doanh bán hàng quần áo. Tuấn nhanh chóng tìm đến cửa hàng ở phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm giới thiệu là Nguyễn Tuấn Anh, nhà ở thị trấn Đông Anh (Đông Anh, Hà Nội). Qúa trình nói chuyện, thấy Tuấn có nhiều kinh nghiệm bán hàng, không chút nghi ngờ chị Thơm đồng ý tuyển dụng. Tối 5/11/2015, Tuấn gọi điện thoại thông báo cho chị Thơm đã tìm được khách mua hàng, chuẩn bị đơn hàng để 11h trưa hôm sau khách sẽ đến lấy.

9h ngày 6/11/2015, Tuấn đến cửa hàng chủ động cùng chị Thơm đóng gói 200 bộ áo trẻ em giữ nhiệt, đơn hàng trị giá 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đến giờ hẹn không thấy khách đến, thấy chị Thơm sốt ruột, Tuấn đứng ra cửa giả vờ gọi điện… sau đó, nói với chủ cửa hàng là họ nhờ mang hàng đến kho số 5 Trần Khát Chân và thanh toán bằng tiền mặt. Tin tưởng, chị Thơm để Tuấn chở lô hàng to, còn mình đi xe máy chở lô hàng nhỏ….Tuấn, sau đó đã đem hàng ra chợ Đồng Xuân, chợ Hà Đông bán cho các cửa hàng nhỏ lẻ được số tiền gần 40 triệu đồng. Ngày 28/12/2015, Tuấn đang vào một cửa hàng trên đường Hoàng Ngọc Phách, quận Đống Đa – người quen của chị Thơm để lừa đảo thì bị mọi người phát hiện, thông báo đến Công an phường Xuân La.

Cũng theo báo An ninh thủ đô, với hành vi phạm tội gây ra, ngày 21/9, TAND quận Tây Hồ đưa Bùi Quốc Tuấn ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt đối tượng 6 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cho rằng mức án quá cao, Tuấn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.   

Tại phiên tòa phúc thẩm,  bị cáo Tuấn tiếp tục thành khẩn khai nhận tội phạm của bản thân. Tuy nhiên, kết thúc phần tranh luận, TAND TP Hà Nội quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 21/11 tới đây.

Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ năm 2009) quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: 

a) Có tổ chức; 

b) Có tính chất chuyên nghiệp; 

c) Tái phạm nguy hiểm; 

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; 

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: 
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; 

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

HẠNH VŨ (Tổng hợp)

Xem thêm video tại đây:

[mecloud]MBvq2p55Fn[/mecloud]


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sieu-lua-va-nhung-chuyen-hang-khong-canh-ma-bay-a170626.html