+Aa -
    Zalo

    Sinh viên sư phạm đóng học phí và câu chuyện sử dụng nhân tài

    • DSPL
    ĐS&PL Dự thảo giáo dục dự kiến sinh viên sư phạm cũng cần đóng học phí như sinh viên ngành khác. Quanh câu chuyện này cần xem xét vấn đề không phải ở học phí.

    Dự thảo giáo dục dự kiến sinh viên sư phạm cũng cần đóng học phí như sinh viên ngành khác. Quanh câu chuyện này cần xem xét vấn đề không phải ở học phí mà ở chất lượng sinh viên và sử dụng hiệu quả sinh viên sau đào tạo.

    Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo: Dự kiến thu học phí sinh viên sư phạm

    Chiều 12/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Dự án luật có nhiều điểm mới, khắc phục những hạn chế của luật hiện hành sau 12 năm thực hiện.

    Tại phiên họp, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, chính sách không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm đã thực hiện được 20 năm. Đây là chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thể hiện quan điểm "Giáo dục là quốc sách hàng đầu".

    Chính sách này đã thu hút rất nhiều học sinh giỏi vào các trường sư phạm. Cũng nhờ đó mà con em nhiều gia đình khó khăn đã được đến trường, bớt đi phần gánh nặng cho gia đình, xã hội và sau đó trở thành những giáo viên giỏi, có nhiều cống hiến cho giáo dục.

    Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm. Vì vậy, học sinh, sinh viên sư phạm cũng cần đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành học khác.

    Tuy nhiên, để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên sư phạm, dự thảo luật quy định về tín dụng sư phạm và quy định sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

    Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Uỷ ban đề nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học, đồng thời bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí.

    Bên cạnh đó, một bộ phận Thường trực Uỷ ban này lại đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện rõ quan điểm ưu tiên, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

    Thu hút nhân tài học sư phạm: Bằng chính sách sử dụng, không phải miễn học phí

    Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng bên cạnh những giải pháp trên, cần có quy định để giáo viên thụ hưởng chính sách tiền lương một cách hợp lý, ổn định, khi đó sẽ thu hút được người tài vào ngành giáo dục.

    Về vấn đề này, nhiều ý kiến thu học phí hay không đối với sinh viên sư phạm cũng được đặt ra.

    Cuối năm 2017, tại hội thảo khoa học tác động chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn đề nghị nên bỏ ngay quy định này. Theo các chuyên gia, người yêu thích nghề giáo vào trường sư phạm không hẳn vì được miễn học phí. Ngược lại, nhiều người không thích ngành này nhưng vẫn học vì "vừa có bằng đại học, vừa được miễn phí". Vòng luẩn quẩn này sẽ đẩy ngành sư phạm ngày càng sa sút, chất lượng giáo viên trong tương lai khó nâng cao.

    Thực tế như Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, ngân sách nhà nước phân bổ cho trường lên gần 50% và hầu như toàn bộ sinh viên sư phạm trên cả nước đều được miễn học phí. 

    Thế nhưng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, làm trái ngành rất nhiều, chỉ một phần nhỏ làm công tác giảng dạy. Điều này gây lãng phí lớn cho xã hội.

    Trong khi đó có rất nhiều ngành nghề xã hội đang cần thì lại chỉ được phân bổ ngân sách ở mức 12%-15%.

    Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, hiện nay ở nhiều nơi cha mẹ nuôi con đi học đại học rất khó khăn do đó Nhà nước nên đặt hàng cơ sở đào tạo, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của người học. 

    Từ đây, ông Nhĩ khuyến cáo, trong thời gian tới, khi quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm thì cần phải nêu rõ chiến lược phát triển giáo dục phổ thông, kết cấu hệ thống, quy mô ra sao để từ đó định hướng tới số lượng học sinh, số lớp học, tính toán số giáo viên...

    Còn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì cho rằng: 

    “Thời gian tới cần đổi mới triệt để chính sách miễn học phí. Nhìn nhận từ thực tế, sinh viên sư phạm được miễn học phí, ra trường không có việc làm, ông Khuyến nhấn mạnh: “Miễn học phí đối với một ngành học là vô lý, là tư duy mang tính cục bộ ngày xưa.

    Còn muốn thu hút nhân tài thì cần đến chính sách sử dụng chứ không phải thu hút bằng chính sách đi học”.

    Nam Anh (T/h)

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sinh-vien-su-pham-dong-hoc-phi-va-cau-chuyen-su-dung-nhan-tai-a222335.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan