+Aa-
    Zalo

    Sinh viên vay "tín dụng đen" mắc nợ 300 triệu đồng, trường ĐH có động thái gì?

    ĐS&PL Sau trường hợp 1 sinh viên vay "tín dụng đen" mắc nợ 300 triệu đồng và không có khả năng chi trả, trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TP.HCM phát thông báo nhắc nhở sinh viên.

    Dân Trí dẫn thông tin từ trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TP.HCM cho hay, trước thực trạng một sinh viên tên T. vay "tín dụng đen" mắc nợ 300 triệu đồng, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn- Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm vừa ký văn bản cảnh báo sinh viên không vay vốn tín dụng lãi suất cao.

    Thông báo nêu rõ, trong những ngày vừa qua, người dân tại một số địa phương trên cả nước trong đó có TP.HCM đã bị lợi dụng, lôi kéo tham gia vay vốn tín dụng qua ứng dụng điện thoại, vay tín dụng trực tuyến làm ảnh hưởng đến đời sống, thiệt hại tài chính đến cá nhân người tham gia và gia đình.

    sinh vien vay tin dung den mac no 300 trieu dong truong dh co dong thai gi dspl 1
    Cảnh báo của trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Ảnh: VietNamnet

    Nhà trường yêu cầu tất cả sinh viên của trường tuyệt đối không tham gia vay tín dụng qua ứng dụng hoặc vay tín dụng trực tuyến với lãi suất vượt quá 150% mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố. Trường hợp sinh viên đã thực hiện vay vốn tín dụng lãi suất cao liên hệ phòng Công tác sinh viên & Thanh tra Giáo dục để được hỗ trợ giải quyết.

    Bên cạnh đó, nhà trường cũng đề nghị sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin sinh viên, thông tin cá nhân cho người ngoại hoặc thông tin kê khai trên các ứng dụng, diễn đàn không rõ ràng. Đồng thời, không lợi dụng, lôi kéo người khác tham gia hoặc cung cấp thông tin cá nhân của người khác khi chưa được phép.

    Trong văn bản, nhà trường cũng khuyến cáo toàn sinh viên khi gặp khó khăn đột xuất về tài chính thì liên hệ với phòng Công tác sinh viên & Thanh tra Giáo dục của nhà trường để được hỗ trợ.

    Theo lãnh đạo nhà trường, học sinh, sinh viên là lứa tuổi còn non nớt, chưa làm ra tiền lại dễ bị dụ dỗ trong khi đó các app (ứng dụng) vay tiền lãi suất cao đã đánh vào tâm lý này, và người chịu hậu quả là các bậc phụ huynh. Vì vậy, nếu thực sự có nhu cầu vay tiền, sinh viên cần tìm đến các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức hoặc khi khó khăn đột xuất thì liên hệ nhà trường hỗ trợ".

    Liên quan đến sự việc, Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, trường hợp của sinh viên T. đã được gia đình báo về trường để hỗ trợ cách giải quyết.

    Cụ thể, tháng 3 vừa qua, phụ huynh có gửi hơn 10 triệu đồng để T. đóng học phí. Không may, em này làm mất. Vì lo sợ nên sinh viên không nói với gia đình, tự xoay sở. Đến hạn đóng học phí, T. chọn cách vay tiền tín dụng đen qua ứng dụng (app) cho vay trực tuyến có lãi suất cao với suy nghĩ sẽ chi tiêu tiết kiệm và đi làm thêm để trả nợ.

    Tuy nhiên, lãi mẹ đẻ lãi con, đến hạn, sinh viên này không có đủ tiền để trả nợ. App này giới thiệu qua những app khác, cùng đường dây, để sinh viên tiếp tục vay trả nợ. Việc này cứ lặp lại thành vòng tuần hoàn trong mấy tháng qua.

    Đến khi số tiền nợ quá lớn, T. bị người của các tổ chức tín dụng đen nhắn tin, gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần. Không chịu nổi, em đã thú thực với gia đình.

    Theo Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, qua danh sách gia đình gửi, sinh viên này vay tiền ở hàng chục app khác nhau. Khi app này đến hạn trả tiền, không vay thêm được nữa thì giới thiệu qua app khác và đều thuộc một đường dây.

    Gia đình đã liên hệ và đã được luật sư cố vấn của trường hướng dẫn cách làm việc, giải quyết tình trạng này.

    Thủy Tiên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sinh-vien-vay-tin-dung-den-mac-no-300-trieu-dong-truong-dh-co-dong-thai-gi-a519345.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan