+Aa-
    Zalo

    Số liệu người Trung Quốc mua nhà tại TP.HCM được nói quá như... “thầy bói xem voi”

    • DSPL
    ĐS&PL Thị trường bất động sản đang có nhiều tranh cãi xung quanh thông tin khách hàng nước ngoài từ Trung Quốc có giao dịch mua nhà tại TP.HCM tăng bất thường trong năm 2018.

    Trước số liệu khách hàng nước ngoài từ Trung Quốc có giao dịch mua nhà tại TP.HCM tăng bất thường trong năm 2018, thị trường bất động sản đang có nhiều tranh cãi về thông tin này cũng như quan điểm xung quanh nó. Trong khi đó, các chuyên gia lại tỏ ra nghi ngờ và cho rằng số liệu trên không chính xác.

    Cú hích từ chính sách

    Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, dịp cuối năm 2018, hàng loạt các diễn đàn, hội nghị nhằm tổng kết tình hình kinh doanh bất động sản đã được tổ chức tại TP.HCM. Và từ đó, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao công ty nghiên cứu thị trường CBRE đã đưa ra số liệu về người Trung Quốc mua nhà tại TP.HCM tăng cao khiến dư luận dậy sóng.

    Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam

    Trong báo cáo, bà Dung cho biết, sau 9 tháng đầu năm 2018, số lượng khách nước ngoài có quốc tịch Trung Quốc mua nhà ở TP.HCM chiếm tỉ lệ cao nhất so với các quốc gia khác, tỉ lệ 31%. Cũng theo bà Dung, tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà tại thị trường TP.HCM đã thay đổi nhanh chóng trong 3 năm qua. Năm 2016, tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà TP.HCM chỉ chiếm 2%. Đến năm 2017, con số này tăng gấp đôi. Và trong năm nay, tỉ lệ này đã tăng gần gấp 8 lần, từ vị trí thứ 6 nhảy vọt lên đứng đầu trong số các khách hàng nước ngoài có giao dịch bất động sản tại TP.HCM.

    Bà Dương Thùy Dung trình bày: “Nếu 2 năm trước, số lượng khách đến từ Hàn Quốc là đông đảo nhất thì hiện nay, số lượng khách mua từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đang dẫn đầu về các hoạt động đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều nhất vẫn là phân khúc căn hộ cao cấp ở những khu vực trung tâm TP.HCM”. Tuy nhiên, bà Dung cũng nhấn mạnh, số liệu được CBRE đưa ra dựa trên thông tin do công ty này thu thập được. Từ đó, lãnh đạo CBRE cũng thừa nhận, báo cáo của đơn vị mình không thể bao quát toàn bộ thị trường bất động sản.

    Một đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản khác là Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam đã có trao đổi với PV báo ĐS&PL về vấn đề này. Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nói: “Không có công ty nghiên cứu thị trường nào có thể khẳng định số liệu của mình bao quát được cả thị trường. Chúng tôi không nghiên cứu chi tiết về vấn đề người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, trong đó có TP.HCM. Nhưng qua đánh giá sơ bộ, tôi có thể nói, hầu hết người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là để đầu tư, cho thuê chứ ít khi sử dụng. Vì điều này có liên quan đến chính sách quản lý tài sản ở nước ngoài của công dân từ chính phủ các nước khác”.

    Nhiều đơn vị nghiên cứu và tư vấn bất động sản cũng cho biết, dù số liệu của CBRE không phản ánh đầy đủ toàn bộ thị trường nhưng chuyển biến về hoạt động mua nhà tại TP.HCM của người nước ngoài là không thể phủ nhận. Đây là sự thay đổi rõ nét kể từ năm 2015, khi quy định cho phép người nước ngoài được mua 30% số lượng đơn vị nhà ở trong các dự án bất động sản tại Việt Nam có hiệu lực. Chuyển động chính sách ngay lập tức tạo nên cú hích, tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, những yêu cầu dành cho đối tượng này đã được quy định khá cụ thể và rõ ràng. Từ đó, thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó có TP.HCM đã có thêm một nguồn khách hàng mới để thúc đẩy sự phát triển.

    Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở công ty TNHH Savills cho hay: “Việc cho người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút, kích thích phát triển nhiều loại hình bất động sản như đầu tư, du lịch, dịch vụ. Điều này có lợi cho cả nền kinh tế, phù hợp thông lệ quốc tế và là một hình thức xuất khẩu bất động sản tại chỗ khá hiệu quả”.

    Có hay không “thầy bói xem voi”?

    Theo các chuyên gia kinh tế, thông tin người Trung Quốc mua nhà tại TP.HCM tăng cao chỉ là cách nói quá của một đơn vị nghiên cứu, không thể đánh giá chính xác và khách quan toàn bộ thị trường. Là đơn vị có số lượng bất động sản tiêu thụ lớn bậc nhất, chiếm tới 15% trong tổng nguồn cung trên thị trường TP.HCM, đại diện công ty Hưng Thịnh khẳng định số liệu của CBRE không chính xác. “Năm 2018, trong khoảng 5.000 sản phẩm do Hưng Thịnh bán ra, người nước ngoài mua chỉ chiếm khoảng 7 - 8%, bao gồm khách hàng là người Trung Quốc”, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Hưng Thịnh cho biết.

    Con số người Trung Quốc mua nhà tại TP HCM chiếm 31% do CBRE công bố không phản ánh được toàn bộ thực tế 

    Một vị lãnh đạo công ty bất động sản khác cũng cho rằng, công ty CBRE vừa môi giới bất động sản, vừa nghiên cứu về thị trường nên chắc chắn số liệu thống kê sẽ không đúng vì không đủ mẫu để thống kê. Trong khi đó, đại diện hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng không đồng tình với nhận định của CBRE. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM phân tích: “Số liệu 31% người Trung Quốc mua nhà trên thị trường TP.HCM được đưa ra từ số liệu giao dịch của riêng CBRE, trong phân khúc trung và cao cấp mà doanh nghiệp này phân phối. Ngoài ra, mỗi năm CBRE chỉ giao dịch vài nghìn căn hộ, trong khi toàn thị trường TP.HCM có đến vài chục nghìn giao dịch. Như vậy, thống kê của CBRE không phản ánh bức tranh chung của bất động sản thành phố nên không đáng để lo lắng hay tranh cãi”.

    Ông Lê Hoàng Châu cũng đánh giá, khách nước ngoài mua nhà ở Việt Nam dù đến từ Trung Quốc, Đài Loan hay Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu,... đều không có gì đáng lo ngại. Điều này nằm trong chính sách mở cửa, thu hút nhà đầu tư nước ngoài của Nhà nước. Nhà nước đã có quy định về tỉ lệ người nước ngoài mua nhà tại một khu chung cư và trong một đơn vị hành chính cấp phường. Nếu kiểm soát được điều đó thì việc mua nhà của người nước ngoài là điều rất bình thường. Phía Hiệp hội không có cảnh báo gì về vấn đề này.

    “Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải đề phòng trường hợp người nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên mua nhà. Điều này có thể dẫn đến tình trạng một người nước ngoài sở hữu nhiều căn nhà ở Việt Nam, vừa vi phạm pháp luật, vừa khó kiểm soát. Còn thông tin cho rằng người nước ngoài chưa từng đến Việt Nam cũng mua được nhà là không có cơ sở, luật pháp Việt Nam không cho phép điều này. Luật Nhà ở chỉ cho phép người nước ngoài sau khi nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam mới được mua nhà ở thương mại ngoài khu bảo vệ quốc phòng an ninh”, ông Châu nói thêm.

    Về phía cơ quan chức năng, đại diện sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện nay không thể thống kê số liệu người nước ngoài mua nhà tại các dự án trên địa bàn Thành phố vì không có quy định chủ đầu tư phải báo cáo thông tin khách hàng cho cơ quan quản lý, chỉ khi chủ đầu tư làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho khách hàng mới có thể thống kê được. Việc cấp giấy chủ quyền này do văn phòng Đăng ký đất đai TP thuộc sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM quản lý.

    Còn đại diện văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM cũng “đá” trách nhiệm cho cơ quan khác khi cho biết, việc cấp giấy chủ quyền cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà tại các dự án đang vướng mắc vì các cơ quan quản lý chưa công bố dự án nào được cho người nước ngoài sở hữu nhà. Từ đó, cơ quan này không thể thống kê số lượng người nước ngoài mua nhà tại TP.HCM vì chưa nhận hồ sơ cấp giấy cho người nước ngoài.

    H.N
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 2
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-lieu-nguoi-trung-quoc-mua-nha-tai-tphcm-duoc-noi-qua-nhu-thay-boi-xem-voi-a257846.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan