Số phận đặc biệt của cô giáo khuyết tật từng nghĩ đến cái chết để bố mẹ bớt khổ


Chủ nhật, 02/08/2020 | 23:55


Cùng sự kiện

Lớp học tiếng Anh đặc biệt của cô giáo khuyết tật Lê Thị Lan Anh tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ khá đặc biệt.

Lớp học tiếng Anh đặc biệt của cô giáo khuyết tật Lê Thị Lan Anh tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ khá đặc biệt. Nó là địa chỉ tin cậy của nhiều học sinh hơn 20 năm nay. Với nhiều người khác, đây có thể là việc hết sức bình thường, nhưng với một người từng ngày phải “vật lộn” để tồn tại với cơ thể khiếm khuyết như Lan Anh, đó là cả một quá trình cố gắng với nghị lực phi thường.

20 năm chèo đò chở con chữ...

Chị Lan Anh tâm sự về câu chuyện của mình. – Ảnh : Phương Ly

Lê Thị Lan Anh (sinh năm 1976) là người khuyết tật với chiều cao chưa tới 1m30 và cân nặng chỉ vỏn vẹn 40kg. Sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em nhưng chỉ có chị không may bị khuyết tật do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ người bố từng chiến đấu ở chiến trường miền Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Từ khi mới ra đời, chân tay chị bị co quắp dính chặt vào nhau, lưng gập xuống như đeo mai rùa. Lặng nhìn đứa con vừa chào đời, bố mẹ như đứt từng khúc ruột, bế con đi “cầu cứu” khắp các bệnh viện Hà Nội nhưng đều nhận được cái lắc đầu bất lực. Một tia hy vọng loé sáng khi bác sĩ bệnh viện Bạch Mai thông báo chỉ định mổ, nhưng hy vọng của họ vụt tắt khi các bác sĩ thông báo xác suất thành công chưa đầy 10%. Không “đặt cược” sinh mệnh của con trên bàn mổ, bố mẹ chị đành đưa con về nhà chăm sóc.

8 tháng tuổi, mẹ gửi chị về quê cho bà nội chăm sóc để đi làm. Hàng ngày, bà nắn bóp chân tay và chườm ấm từng ngón chân, ngón tay cho chị. Chính nhờ tình yêu thương và sự kiên trì bền bỉ của bà mà đến năm 1 tuổi chị có thể đi lại và năm 3 tuổi những ngón tay bắt đầu duỗi dần ra, chỉ còn chứng vẹo cột sống.

“Thời đi học, tôi đã quá quen với những ánh mắt kỳ thị, những hành động chỉ trỏ, thậm chí có những bạn còn châm chọc, giễu cợt nói tôi là “người ngoài hành tinh”. Nhưng câu chuyện khiến tôi “ám ảnh” nhất là bị bạn nam hơn một tuổi hét vào mặt: “Mày là đồ lai khỉ”. Câu miệt thị phũ phàng khiến tôi bật khóc nức nở, tôi không hiểu mình xấu xí, đáng sợ đến mức nào mà bị anh này buông lời cay đắng như vậy”, chị Lan Anh nghẹn ngào nhớ lại.

Bỏ qua những lời miệt thị, cô gái bé nhỏ rất ham học, dù nắng hay mưa vẫn không bỏ một buổi học nào. Những tưởng với nghị lực của cô bé khuyết tật mọi chuyện sẽ “xuôi chèo mát mái”, nhưng ông trời dường như vẫn muốn thử thách. Cuối năm lớp 8, sức khoẻ cô bé giảm sút trầm trọng, những trận ốm liên miên khiến Lan Anh không thể đến lớp được. Đỉnh điểm là đầu năm lớp 9, Lan Anh yếu đến mức không thể xách nổi chiếc cặp, không cầm nổi bút để viết bài.

Thời gian đó, Lan Anh chỉ nằm yên một chỗ, cứ đặt chân xuống đất là không thở được, đi vệ sinh cũng phải nhờ người nhà cõng đi. Chẳng ăn uống được nên người gầy trơ xương, mặt trắng bệch ngỡ cắt không ra giọt máu. Bố mẹ vội vàng đưa đi cấp cứu nhưng bệnh viện cũng bất lực trả về.

“Những ngày ấy, trước mặt mọi người, tôi luôn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, nhưng thâm tâm thì mặc cảm, nhiều đêm tủi thân đến phát khóc. Tôi cảm thấy cuộc sống quá bất công với tôi đến nỗi tôi mong được chết, để không làm khổ bố mẹ, để bệnh tật không còn giày vò thân xác tôi. Thế nhưng, mỗi khi nhìn bố mẹ chạy ngược xuôi tìm thuốc, lo lắng chăm chút từng tý, nhìn người bà già yếu ngày đêm nắn bóp tay chân, tôi lại thấy mình thật ích kỷ. Và tôi cố gắng lấy lại tinh thần, ăn uống đầy đủ để có sức khoẻ” Lan Anh nghẹn ngào nói. Sau một thời gian “chiến đấu” với bệnh tật, không phụ công chăm sóc, bồi bổ của bố mẹ, sức khoẻ cô bé dần dần ổn định.

Khiếm khuyết về thể xác, khoẻ mạnh về ý chí

Cô giáo Lan Anh vui vẻ bên học trò của mình. Ảnh: NVCC

Giai đoạn thập tử nhất sinh qua đi, niềm khát khao học tập lại trỗi dậy trong Lan Anh. Cô bé bị thu hút khi nghe các chương trình tiếng Anh, thứ ngôn ngữ giống như nhạc điệu. Lan Anh năn nỉ xin bố mẹ cho đi học tiếng Anh và đây cũng là cơ duyên đưa cô gái khuyết tật đến với nghề “gõ đầu trẻ”. Có cơ hội học gia sư tiếng Anh tại nhà, Lan Anh ôn luyện ngày đêm không biết mệt mỏi. Bằng sự kiên trì, cố gắng nên sau một thời gian, kết quả học tập của cô bé tiến bộ đáng kể.

Thấy được sự say mê và kiến thức tiếng Anh của Lan Anh, một người hàng xóm đã gửi 2 con để cô dạy kèm. Tiếng lành đồn xa về cô gái bé nhỏ có khả năng dạy tiếng Anh tốt giúp lớp học của Lan Anh ngày càng đông đúc. Trong lớp học của Lan Anh có các học sinh nghèo, khuyết tật.

Với những học sinh này, chị không thu học phí và dành nhiều thời gian khích lệ để các em có ý chí phấn đấu vượt lên khó khăn, viết tiếp ước mơ trên con đường phía trước. Đối với Lan Anh, công việc dạy học không những giúp chị có thêm thu nhập mà còn mang đến nguồn năng lượng mới, động lực mới cho chính bản thân mình và cả những người xung quanh.

Khi được hỏi về chuyện tình yêu, chị thẹn thùng kể, cũng có nhiều người kết bạn, tỏ ý muốn làm quen nhưng chị không nghĩ đến chuyện yêu đương. Duyên số là trời ban thế nên chị không cưỡng cầu. Điều quan trọng nhất với Lan Anh chính là sức khỏe, có sức khỏe để bố mẹ yên lòng và có sức khỏe để chăm sóc được cho bố mẹ.

PHƯƠNG LY

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật kỳ 2 số thứ Bảy (31)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-phan-dac-biet-cua-co-giao-khuyet-tat-tung-nghi-den-cai-chet-de-bo-me-bot-kho-a332895.html