+Aa-
    Zalo

    Sợ phẫu thuật, cô gái trẻ chọn tiêm filler tạo môi trái tim, nào ngờ đến cười cũng không dám

    • DSPL
    ĐS&PL Muốn gương mặt trở nên xinh đẹp hơn nhưng lại sợ phẫu thuật nên cô gái 26 tuổi chọn cách tiêm filler, không ngờ sau khi tiêm môi cô trở nên biến dạng, không dám cười.

    Muốn gương mặt trở nên xinh đẹp hơn nhưng lại sợ phẫu thuật nên cô gái 26 tuổi chọn cách tiêm filler, không ngờ sau khi tiêm môi cô trở nên biến dạng, không dám cười.

    Thông tin trên VnExpress, Kiều 26 tuổi ở Hà Nội, hiện là du học sinh tại Nhật Bản. Diện mạo ưa nhìn, làn da trắng mịn, gương mặt dễ thương, nụ cười duyên song cô gái luôn muốn mình trở nên đẹp hơn. "Môi em hơi mỏng. Em thích môi hình trái tim và căng mọng hơn. Em sợ phẫu thuật nên chọn cách tiêm filler cho an toàn", cô gái chia sẻ.

    Kể từ khi tiêm filler tạo khối môi, Kiều không dám cười vì xấu hổ.

    Về nước nghỉ hè năm 2016, Kiều đến một spa tại Hà Nội để tiêm chất làm đầy (filler) môi với chi phí 4,5 triệu đồng. Ngay sau khi tiêm, Kiều xuất hiện tình trạng filler vón cục, lồi lõm ở cả hai bờ môi. Miệng bị lệch và biến dạng, môi trên hở lợi khiến cô gái từ đây không dám cười, đi đâu cũng đeo khẩu trang.

    Kiều liên lạc với cơ sở làm đẹp kia thì người đại diện spa cam kết filler đảm bảo chất lượng. "Môi là mô mềm, filler tiêm vào chưa tan hết nên lồi lõm nhẹ và còn cục nhỏ li ti, sau khi tan thì cục sẽ tiêu hết", người đại diện cơ sở spa giải thích.

    Chờ hơn một năm sau filler vẫn chưa tan, Kiều về nước trở lại cơ sở này để yêu cầu khắc phục. Sau ba lần tiêm chất làm tan filler, tình trạng vón cục không cải thiện mà môi của Kiều còn bị thâm bầm và tụ máu nhiều hơn. Cô gái bảo: "Em vô cùng hối hận về quyết định làm đẹp mà không chọn cơ sở uy tín. Giờ đây em chỉ mong sao môi mình trở về như ngày xưa".

    Đây không phải là trường hợp 'tiền mất tật mang' khi lạm dụng tiêm filler làm đầy môi, mặt để mong gương mặt trở nên xinh đẹp hơn, rạng rỡ hơn.

    Trước trường hợp của cô gái tên Kiều này, cũng đã có rất nhiều trường hợp than khóc khi 'đẹp đâu chưa thấy chỉ thấy mắt môi biến dạng, cằm mũi cong vẹo...'.

    Để cảnh báo đến những ai vẫn đang ham rẻ làm đẹp ở các cơ sở làm đẹp không có uy tín, chưa được cấp phép, nhiều cô gái đã dũng cảm chia sẻ những hình ảnh 'đáng sợ' của bản thân sau khi làm đẹp.

    Điển hình như trường hợp của cô gái T.T.M.H (25 tuổi) thực hiện nâng mũi tại một tiệm uốn tóc cách đây gần 4 tháng. Hai tháng sau, sống mũi của H. biến dạng, chảy mủ, dịch và bắt đầu có “cục lạ” lồi ra từ đầu mũi. Ngày 25/1 H. đến khám tại Bệnh viện Trưng Vương và có chỉ định mổ gấp vì mũi cô gái đã có biến chứng.

    Như trường hợp của bạn Nguyễn Ánh Tuyết, cô đã tiêm filler 2 lần nhưng chỉ thành công được lần đầu, còn lần thứ hai cô bị sưng, thậm chí rỗng trong mũi, bóp ra có dịch lẫn cả máu khiến cô vô cùng lo lắng.

    Tuyết tiêm filler 2 lần, nhưng đến lần 2 thì hỏng.

    Việc lạm dụng chất làm đầy để làm đẹp luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định, nếu không may chị em phải trả giá bằng cả tính mạng, hay phải sống khổ sở với những vết sẹo cả đời.

    Theo đánh giá của bác sỹ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật- tạo hình hàm mặt (Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba) cho biết: Bất kỳ xâm lấn ngoại khoa nào cũng có những ảnh hưởng tới cơ thể người sử dụng. Đặc biệt, các chất trong mỗi mũi tiêm filler còn có thể lây lan ra các vùng khác trên cơ thể, dẫn đến tình trạng giãn cơ, mất cơ, thậm chí làm gia tăng lượng mỡ để thay thế. Nếu quá lạm dụng phương pháp này, có thể bị teo cơ và lão hóa nhanh hơn". Cách đây chưa lâu, bác sỹ Thái phải giải quyết "hậu quả" cho một trường hợp bị biến chứng với các vết thâm tím sau khi tiêm chất làm đầy không đảm bảo chất lượng tại một cơ sở thẩm mỹ ở Hà Nội.

    Cũng liên quan đến vấn đề này, bác sỹ Chu Thanh Hương, bệnh viện Đại học Y cho biết, thời gian vừa qua bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ bằng filler hỏng, phải điều trị trong một thời gian dài để khắc phục hậu quả.

    Theo bác sỹ Hương, các chất filler tuy đã được chứng nhận an toàn ở Việt Nam nhưng với những cơ sở phẫu thuật "chui", không rõ ràng về nguồn gốc của hoá chất có thể ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm với người sử dụng, tay nghề của các "bác sỹ chui" cũng không đảm bảo.

    Nhiều bệnh nhân nghiện "đập đi xây lại" đã phải "khóc ròng" khi đến bệnh viện với chiếc mũi to, bè, cánh mũi lớn, thậm chí làm biến dạng gương mặt thay vì chiếc mũi cao dọc dứa, "như Tây" mong muốn. Trường hợp này, bệnh nhân hoặc "ngậm ngùi" đợi cho thuốc tiêm hết tác dụng sau 8 - 18 tháng hoặc phải tiến hành phẫu thuật cắt cánh mũi, tạo hình lại đầu mũi rất tốn kém, mất một thời gian dài mới có thể liền lại sẹo.

    Mỹ An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-phau-thuat-co-gai-tre-chon-tiem-filler-tao-moi-trai-tim-nao-ngo-den-cuoi-cung-khong-dam-a219021.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan