+Aa-
    Zalo

    "Soi" chất lượng các nhãn nước mắm nổi tiếng ở Việt Nam

    • DSPL
    ĐS&PL Theo kết quả nghiên cứu công bố vào tháng 7/2015 của DI Marketing, 94\% gia đình Việt Nam sử dụng nước mắm có thương hiệu và Nam Ngư, Chin Su, Phú Quốc, Nha Trang…

    Theo kết quả nghiên cứu công bố vào tháng 7/2015 của DI Marketing, 94\% gia đình Việt Nam sử dụng nước mắm có thương hiệu và Nam Ngư, Chin Su, Phú Quốc, Nha Trang… là những thương hiệu nước mắm phổ biến.

    Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ 200 triệu lít nước mắm, 75\% trong đó là nước mắm công nghiệp với doanh thu khoảng 7.200-7.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, xu hướng vài năm trở lại đây, thu nhập cải thiện, người dân quan tâm hơn và khá nhạy cảm với các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đến thị phần nước mắm công nghiệp bị “lung lay”. Riêng nhà sản xuất nước mắm lớn nhất Việt Nam hiện nay là Masan, năm 2012 chiếm 80\% thị phần thì đến năm 2015 đã giảm 15\%, còn 65\%.

    Sự sụt giảm thị phần nước mắm công nghiệp gắn liền với sự vươn lên của nước mắm truyền thống. Song song đó, sự bùng nổ của nước mắm công nghiệp buộc các nhà sản xuất nước mắm truyền thống phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, cải tạo bao bì, mẫu mã, thay đổi cung cách bán hàng, mở rộng các đại lý, nhà phân phối... và tận dụng kênh quảng cáo bán hàng online, diễn đàn...

    Nước mắm Phú Quốc là ví dụ. Được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, từ năm 2014 đến nay, các doanh nghiệp nước mắm ở Phú Quốc đã chủ động xuất khẩu. Trung bình mỗi năm có khoảng 25-30 triệu lít nước mắm Phú Quốc ra lò, 90\% bán ở thị trường nội địa, 10\% xuất khẩu. Mặc dù chủ yếu bán trong nước nhưng theo bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, hiện chỉ mới 20\% sản lượng bán nội địa dưới dạng thành phẩm, 80\% bán nước mắm nguyên liệu. Các doanh nghiệp nước mắm ở Phú Quốc cũng nỗ lực đẩy mạnh nước mắm thành phẩm nhưng vốn ít, quy mô nhỏ và yếu cả khâu quảng cáo, tiếp thị lẫn phân phối nên chỉ loanh quanh ở phân khúc cửa hàng, đại lý.

    “Sáu tháng đầu năm 2016, có 1.500 tem chỉ dẫn địa lý được phát ra, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2015. Phú Quốc có 12 doanh nghiệp được cấp chỉ dẫn địa lý, sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt với thành phần chính là nước, muối, không có chất bảo quản, phụ gia... nên có mùi vị đậm đặc, giá cao hơn nhiều so với nước mắm công nghiệp nên khó cạnh tranh. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người sành ăn chấp nhận trả giá cao hơn để sử dụng nước mắm truyền thống. Tiêu thụ nước mắm Phú Quốc tại thị trường Hà Nội rất tốt” - bà Nguyễn Thị Tịnh cho biết.


    Người tiêu dùng đang ăn nước chấm hay nước mắm?

    94\% các gia đình ở Việt Nam đang dùng nước mắm. Nhưng liệu chúng ta đang dùng hương nước mắm hay nước mắm pha chế? Và chúng ta có hiểu tác dụng của các chất dùng để pha chế không?
    Cuối tháng 6 vừa qua, chia sẻ với báo giới, Chánh thanh tra Bộ Y tế, ông Đặng Văn Chính cho biết, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành một đợt thanh tra thị trường nước mắm, nước chấm đóng chai do hiện có nhiều phản ánh từ người tiêu dùng về tên gọi, nhãn mác, chất lượng, phụ gia sử dụng trong sản phẩm.

    “Có loại nước mắm không có chút cá nào mà chỉ có hương cá, vị cá, hoàn toàn không đúng với nước mắm truyền thống. Lẽ ra tên gọi của nó phải là nước chấm, nhưng sản phẩm vẫn được đặt tên là nước mắm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Chưa kể có nhiều loại phụ gia được sử dụng trong sản phẩm đang gây băn khoăn cho người tiêu dùng về độ an toàn” – ông Chính cho hay.

    Đây sẽ là đợt thanh tra riêng về sản phẩm nước mắm, nước chấm trong vòng 10 năm trở lại đây.

    Tổng hợp các công ty nước mắm lớn của Việt Nam.(Ảnh: Trí thức trẻ).

    Các nhãn hàng nước mắm phổ biến

    Theo kết quả nghiên cứu công bố vào tháng 7/2015 của DI Marketing, 94\% gia đình Việt Nam sử dụng nước mắm có thương hiệu và Nam Ngư, Chin Su, Phú Quốc, Nha Trang… là những thương hiệu nước mắm phổ biến.

    Thống kê của DI-Marketing, Nam Ngư đang dẫn đầu thị trường khi chiếm đến 40\% thị phần nước mắm. Ngoài Nam Ngư, Chin Su, Phú Quốc, tính theo khu vực, nước mắm Liên Thành, Hưng Thịnh phổ biến ở TP.HCM, và nước mắm Ông Tây, Cát Hải được chọn dùng nhiều ở Hà Nội.

    Chất lượng và hợp khẩu vị là yếu tố được ưu tiên, nhưng nước mắm Phú Quốc được chọn dùng bởi thương hiệu. Trong khi đó, nước mắm Hưng Thịnh được ưa chuộng nhờ giá cả; nước mắm Cát Hải được yêu thích vì được làm 100\% từ cá.

     94\% gia đình Việt Nam sử dụng nước mắm có thương hiệu và Nam Ngư, Chin Su, Phú Quốc, Nha Trang… là những thương hiệu nước mắm phổ biến. (Ảnh minh họa).

    Chất lượng nước mắm nhìn từ nhãn hàng bán ở siêu thị khu vực miền Trung - Nam

    Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm, trong đó nước mắm sản xuất theo phương thức công nghiệp chiếm tỷ lệ 75\%.

    Ngày nay, đa phần các sản phẩm nước mắm đều sử dụng các chất điều vị công nghiệp, bột ngọt/mì chính … như chất điều vị 950, 621, 627, 631, 620; chất điều chỉnh độ axit 260; chất bảo quản 202, 211; chất làm dày xathan gum 415; chất tạo ngọt tổng hợp aspartame 951; chất tạo màu caramel 150a, Carmines 120, màu tổng hợp và hương tổng hợp.

    Nam Ngư đang là thương hiệu nước mắm chiếm thị phần lớn nhất. Từ nhãn hàng của nước chấm Nam Ngư cho thấy, thành phần nước chấm Nam Ngư ngoài nước, mắm cốt, muối, đường, có thêm 14 chất để pha chế từ nhóm chất điều vị, chất điều axit, chất tạo ngọt tổng hợp, chất màu caramel,… và chất bảo quản.

    Nam Ngư có thể được xem là nhãn hàng ghi nhận đầy đủ nhất các chất đã sử dụng trong pha chế nước chấm, hoặc là sản phẩm sử dụng nhiều chất pha chế nhất trong nhóm 12 nhãn hàng khảo sát.

    Tương tự, nước mắm Chin Su ngoài tinh cốt cá cơm, muối, có thêm hơn 10 chất pha chế từ các nhóm điều vị, tạo ngọt, tạo màu, tạo ngọt, bảo quản….

    Trong khi đó, nước mắm Ông Kỳ 38, 40 với slogan là Nước mắm Phú Quốc do CTCP Thành Thiên Lộc sản xuất, trên nhãn hàng chỉ ghi thành phần là cá cơm và muối.

    Nước mắm Hưng Thịnh có thành phần nước mắm cốt cá cơm, muối và 5 chất pha chế là chất điều vị và điều chỉnh axit. Nước mắm Liên Thành được ghi nhận đầy đủ tỷ lệ \% nước mắm cá cốt nhỉ được làm từ cá cơm tỷ lệ 95\% (45\%), muối, 6 chất phụ gia là nhóm chất điều vị và chất bảo quản.

    Nước mắm cá cơm Hạnh Phúc có thành phần cá cơm, muối và 2 chất điều vị. Nước mắm 584 Nha Trang do CTCP Thủy sản 584 Nha Trang sản xuất, có thành phần là cá cơm, muối chiếm 21,1\% và 4 chất pha chế gồm chất điều vị và chất bảo quản.

    Dĩ nhiên chỉ có nước mắm do chính gia đình làm mới đảm bảo có pha chế thêm hay không. Ngay từ thời xưa, dân gian đã truyền nhau việc pha chế nước mắm sau khi lọc nước cốt nhĩ và khai thác xác mắm cá, khi rang xác mắm cá, thêm đường, bột ngọt/mì chính, nước nguội để có nước mắm kho nấu, thì ngay nay việc nước mắm pha chế cho hợp khẩu vị là điều dễ hiểu.

    Tuy nhiên, các nhãn hàng nên có trách nhiệm ghi nhận đầy đủ, trung thực thành phần và tỷ lệ các thành phần trong sản phẩm để khách hàng hiểu rõ sản phẩm mình đang dùng.

    Theo Trí thức trẻ, Người lao động

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/soi-chat-luong-cac-nhan-nuoc-mam-noi-tieng-o-viet-nam-a138901.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan