+Aa-
    Zalo

    Sự cố sạt lở tại hầm đường sắt Đèo Cả: Do công trình được xây dựng lâu đời

    (ĐS&PL) - Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết nguyên nhân gây sạt lở là do công trình được xây dựng lâu đời, đất đai phong hóa.

    Báo Dân trí đưa tin, ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh mới đây đã bác bỏ việc sạt lở tại hầm đường sắt Đèo Cả là do quá trình thi công dự án gia cố hầm Bãi Gió. "Quá trình thi công không liên quan đến việc sạt lở. Nguyên nhân hầm Bãi Gió được xây dựng cách đây khoảng 90 năm, nên các tầng đất đá ở trên vỏ hầm lâu năm bị phong hóa rồi rơi tự do xuống phía dưới đường ray", ông Vinh thông tin.

    Theo ông Vinh, ngày 12/4, xảy ra đợt sạt lở đầu tiên với khối lượng khoảng 180m3, tưởng chừng đã nạo vét để thông hầm vào 4h30 ngày 13/4, một lượng đất đá với khối lượng khoảng 50m3 lại đổ ập xuống lần thứ 2.

    "Chúng tôi đã 2 lần làm khung thép để gia cố vỏ hầm, nhưng bất thành vì đất đá trong hầm Bãi Gió vẫn sạt, lở", ông Vinh cho hay. Để khắc phục sự cố sạt, lở tại hầm Bãi Gió (tỉnh Khánh Hòa), ngành đường sắt đã huy động hơn 200 nhân lực cùng 2 đoàn tàu công trình, 4 máy đào nhỏ cùng các trang thiết bị để gia cố vỏ hầm.

    Công nhân nỗ lực khắc phục lượng đất đá sạt lở ngày 12 và 13/4. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

    Công nhân nỗ lực khắc phục lượng đất đá sạt lở ngày 12 và 13/4. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

    Cũng theo ông Vinh, vị trí sạt lở nằm phía dưới quốc lộ 1 đoạn đi qua Đèo Cả (đèo nằm giữa địa phận 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa). Do đó, ngành đường sắt đã làm việc với Cảnh sát giao thông tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, tiến hành cấm tất cả các phương tiện xe tải đi trên đường Đèo Cả nhằm giảm áp lực cho vỏ hầm.

    "Xe tải lưu thông trên quốc lộ 1 gây rung động, làm đất đá tiếp tục rơi tự do xuống hầm, gây khó khăn trong công tác khắc phục. Do đó ngành đường sắt kiến nghị cấm tất cả các phương tiện xe tải đi lại trên Đèo Cả", ông Vinh nói thêm.

    Theo báo điện tử VietnamPlus, vào trưa 12/4, khoảng 100m3 đá trần hầm đường sắt Đèo Cả sạt xuống, bịt kín cửa hầm, kéo dài khoảng 5m. Vụ sạt lở khiến đường sắt Bắc Nam đoạn qua Phú Yên-Khánh Hòa không thể lưu thông.

    Từ lúc xảy ra sự cố sạt lở đến nay, ngành đường sắt đã phải thực hiện trung chuyển bằng xe ôtô gần 3.000 hành khách trên 10 đoàn tàu đi trên tuyến Bắc Nam và ngược lại, khi tàu đến các ga gần địa điểm xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, các đơn vị đường sắt khu vực cũng phối hợp rất tốt với Công an, chính quyền địa phương trong công tác giữ gìn an ninh trật tự

    Đại diện Cảnh sát Giao thông thị xã Ninh Hòa (đơn vị điều tiết giao thông Quốc lộ 1), Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Khánh Hòa cho biết điều động hàng chục cán bộ, chiến sỹ túc trực 24/24 tại 2 điểm chốt dưới chân Đèo Cả và trên đèo Cả để phân luồng, không cho các phương tiện xe tải, xe trọng tải lớn qua Đèo Cả để giảm rung chấn.

    P.U (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/su-co-sat-lo-tai-ham-uong-sat-eo-ca-do-cong-trinh-uoc-xay-dung-lau-oi-a413436.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan