+Aa-
    Zalo

    Sử dụng Bitcoin ở Việt Nam có hợp pháp?

    • DSPL
    ĐS&PL Từ khá lâu, thuật ngữ Bitcoin đã được biết đến ở Việt Nam, nhiều người đã tham gia đầu tư vào Bitcoin để kiếm lời và nó đã không còn là một tên gọi xa lạ nữa ở nước ta.

    Từ khá lâu, thuật ngữ Bitcoin đã được biết đến ở Việt Nam, nhiều người đã tham gia đầu tư vào Bitcoin để kiếm lời và nó đã không còn là một tên gọi xa lạ nữa ở nước ta. Cho đến khi Đại học FPT thông tin chấp nhận sinh viên đóng học phí bằng Bitcoin thì các vấn đề pháp lý đã được bàn đến trước đó đã được đề cập đến nhiều hơn. Chúng tôi trao đổi thêm với Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng về Bitcoin ở khía cạnh pháp lý, liệu đã có cơ sở nào để lưu hành Bitcoin như một phương tiện thanh toán ở Việt Nam hay chưa, việc làm của Đại học FPT liệu có hợp pháp?

    Thưa ông, Bitcoin có phải là một loại tiền tệ?

    Bitcoin được xem là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phân cấp dựa trên mã nguồn mở được phát hành từ năm 2009 bởi Satoshi Nakamoto. Bitcoin thực chất là một dãy các con số và chữ cái để truy cập vào block chain (một dạng sổ cái ghi chép tài chính) nhằm xác định trị giá của nó. Khi chúng ta trả tiền cho một ai đó, cần báo cho block chain biết sẽ chuyển bao nhiêu. “Quyển số cái” này không chịu sự cai quản của nhà nước hay bất kỳ tổ chức nào. Nó được mã hóa vô cùng phức tạp với mục đích ngăn chặn vấn đề giả mạo thông tin. Nó được cập nhật 10 phút/lần. Tất cả giao dịch của chúng ta cũng cần chờ đến 10 phút thì mới được chấp nhận.

    Luật sư Lê Cao

    Thực tế, để được xem là một loại tiền tệ thường phải được xác định Bitcoin phải có các chứng năng như là một phương thức thanh toán, lưu trữ giá trị. Thế nhưng, Bitcoin vẫn chưa hẳn mang đầy đủ các đặc trưng đó bởi hiện rất nhiều quốc gia chưa thừa nhận nó như là một phương tiện thanh toán thanh thế cho đồng tiền truyền thống. Hơn nữa, về mặt biểu thị giá trị, nó không thể hiện đúng bản chất quy đổi cho sự biểu thị cho giá trị vật chất hay có giá trị quy đổi với các đồng tiền của các quốc gia khác nhau. Giá trị của Bitcoin phụ thuộc vào mức giá của nó, phụ thuộc vào sự hửu dụng, phụ thuộc vào thị trường, quốc gia chấp nhận nó … Do đó, ở khía cạnh này nó có bóng dáng của hàng hóa được đem ra trao đổi với các phương tiện biểu thị giá trị khác.   

    Bitcoin có được phép thanh toán, lưu hành ở Việt Nam hay không?

    Cho đến hiện nay, khi mà sự hiển diện của Bitcoin với tính chất không biên giới của nó đang tràn đến các quốc gia khác nhau trong đó có Việt Nam thì chúng ta không thể đứng yên mà Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những động thái để nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề tiền ảo, tiền điện tử.

    Theo Điều 4, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016) đã có quy định rất rõ các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó không có loại phương tiện tương tự như Bitcoin, cụ thể: "Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Đồng thời, các quy định của Nghị định 101/2012/NĐ-CP cũng cấm sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam. Như thế, ở khía cạnh này nếu xem Bitcoin là một phương tiện thanh toán thì nó chưa được pháp luật Việt Nam cho phép thực hiện để thực hiện các hoạt động thanh toán.

    Thế nhưng, ở khía cạnh khác, như chúng tôi đã trao đổi ở trên, nếu xem Bitcoin như một loại hàng hóa có thể quy đổi ra các giá trị, thì một giao dịch mang tính chất dân sự, kinh tế của các tổ chức, cá nhân với nhau họ tự nguyện thỏa thuận về sự trao đổi cho nhau thì đó lại là chuyện khác. Chẳng hạn, Đại học FPT không xem đó là cách thức tiếp nhận một phương tiện thanh toán, mà ở đây họ chỉ tiếp nhận nó như một sự chấp nhận trao đổi, họ nhận các giá trị từ Bitcoin và chấp nhận mọi rủi ro của nó, và sự trao đổi đó không phải là việc thu học phí.Điều này pháp luật hiện hành của Việt Nam không cấm. Bản thân Bitcoin cũng không bị xác định là hàng hóa bị cấm, hay một điều gì đó bị cấm lưu hành thì cần phải xem xét ở khía cạnh khác của nó.

    Như vậy, nếu Đại học FPT thay vì thu tiền học phí của sinh viên, lại chấp nhận nhận Bitcoin thì có bị phạt hay không?

    Hiện nay nếu sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp thì có thể bị xử phạt theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014. Thế nhưng, giả sử Đại học FPT có chương trình trao đổi, nhận giá trị Bitcoin thay cho việc thu học phí, xem đó không phải là việc sử dụng một phương tiện thanh toán thì khó có thể phạt họ. Chúng tôi cũng nhấn mạnh thêm, bản chất hiện nay Bitcoin có phải là một phương tiện thanh toán hay không vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi, nó có khá nhiều đặc trưng của một dạng hàng hóa vật chất điện tử và câu chuyện này còn phải xác định thêm về bản chất thực sự ở khía cạnh tài chính lẫn pháp lý, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các quốc gia đang chấp nhận sự lưu hành của nó.

    Nhà nước cần làm gì để ứng phó với các tình huống khá phức tạp như thế này, bởi dường như luật pháp chưa chạm đến được hết các vấn đề nảy sinh trên thực tế?

    Rõ ràng, thực tiễn luôn đi trước so với luật lệ, đứng trước các vấn đề mới, hiện quan điểm của Ngân hàng nhà nước Việt Nam thời gian qua có thể thấy là không chấp nhận Bitcoin như một phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam. Quan điểm đó được đưa ra bởi các lý do sau:

    Một là, người ta cho rằng khi chấp nhận Bitcoin là tiền tệ, là phương tiện thanh toán hợp pháp thì chủ quyền quốc gia về phát hành tiền tệ bị xâm phạm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ (tiền ảo nằm ngoài phạm vi quản lý, điều tiết của ngân hàng trung ương). Hai là, nếu Bitcoin được chấp nhận sẽ khó kiểm soát, hiện tượng trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp sẽ phát sinh và như thế việc quản lý nhà nước về tiền tệ, về kinh tế sẽ trở nên rất phức tạp.

    Thế nhưng, dù cấm hay không thực tiễn vẫn sẽ tồn tại các hoạt động sử dụng Bitcoin và điều đó mới là vấn đề chúng ta cần quan tâm nghiên cứu để có giải pháp pháp lý chung sống với Bitcoin hay các vấn đề về tiền điện tử, tài sản ảo … tương tự. Hiện nay, Bộ luật dân sự 2015 vẫn chưa đưa các quy định về tài sản ảo, tài sản điện tử vào các quy định của nó. Trong khi đó, luật pháp về Ngân hàng, về tổ chức tín dụng chưa có quy định nào về phương tiện thanh toán điện tử. Trong khí đó thực tiễn thì vẫn tồn tại các hoạt động giao dịch đổi với các tài sản ảo và tiền điện tử, đó là câu chuyện về khoảng trống pháp lý cần phải lấp đầy.

    Vậy những tổ chức cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán bằng Bitcoin chịu những rủi ro nào khi luật pháp chưa hoàn thiện?

    Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện thì các hoạt động trao đổi, thanh toán bằng Bitcoin không được xem là hợp pháp. Khi đó, nếu có các tranh chấp phát sinh thì có thể không được thừa nhận nếu xem đó là một phương tiện thanh toán. Trong trường hợp khác, xem nó là một loại hàng hóa trao đổi thì đây là loại tài sản ảo, loại hàng hóa trao đổi không bị cấm do đó lại là chuyện khác và có thể phải chấp nhận nó. Do đó, khi thực hiện các giao dịch liên quan đến các vấn đề chưa được đảm bảo pháp lý ở Việt Nam, các cá nhân, tổ chức cũng cần cẩn trọng để tránh những rủi ro không đáng có cho mình.

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-dung-bitcoin-o-viet-nam-co-hop-phap-a206988.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan