Sự khác biệt giữa hai cuộc đảo chính ở Thái Lan


Thứ 5, 17/07/2014 | 15:15


Cùng sự kiện

Cuộc đảo chính quân sự ngày 22/5 được dư luận Thái Lan đánh giá là có một số điểm khác biệt quan trọng so với cuộc đảo chính ngày 19/9/2006.

Cuộc đảo chính quân sự ngày 22/5 được dư luận Thái Lan đánh giá là có một số điểm khác biệt quan trọng so với cuộc đảo chính ngày 19/9/2006.
Sự khác biệt giữa hai cuộc đảo chính ở Thái Lan
Binh sỹ Thái Lan được điều động để ổn định tình hình đất nước sau đảo chính (Ảnh Getty Images)
Thứ nhất, bối cảnh xảy ra cuộc đảo chính lần này là sự đối đầu căng thẳng giữa lực lượng ủng hộ và lực lượng chống đối Chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, tạo lý do chính đáng hơn để giới chỉ huy quân đội quyết định tiến hành đảo chính nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột bạo lực quy mô lớn ở Thái Lan.
Trong khi đó, cuộc đảo chính năm 2006 xảy ra chỉ có cao trào chống đối Chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra và giới chỉ huy quân sự khi đó tiến hành đảo chính với lý do lật đổ chính phủ của ông Thaksin.
Thứ hai, mục tiêu quan trọng của cuộc đảo chính năm 2014 là tiến hành cuộc cải cách sâu rộng cả về chính trị - kinh tế - xã hội của Thái Lan nhằm khôi phục ổn định chính trị và sự đoàn kết dân tộc, xiết chặt kỷ cương phép nước và tạo các cơ chế thuận lợi cho sự phát triển bền vững của Thái Lan trên mọi lĩnh vực.
Đây là những mục tiêu chiến lược mang tính trung hạn và dài hạn, bước đầu nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Thái Lan.
Điều này khác xa so với mục tiêu của cuộc đảo chính năm 2006, vì ban lãnh đạo đảo chính khi đó chủ yếu chỉ nhằm tạo thuận lợi cho đảng Dân chủ và một số chính đảng liên minh có thể thắng cử để lên cầm quyền, ngăn chặn sự trở lại nắm quyền của lực lượng ủng hộ ông Thaksin.
Thứ ba, trong hành động thực tế gần hai tháng qua, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia do Đại tướng Prayuth đứng đầu đã chú trọng triển khai thực hiện chính sách hòa giải, đoàn kết dân tộc, giảm mâu thuẫn chính trị giữa các phe phái và khẩn trương giải quyết một số vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội được lòng dân.
Mặc dù vẫn áp dụng thiết quân luật và có một số biện pháp kiên quyết ngăn chặn hoạt động chống đối, buộc các nhà chính trị và các nhà hoạt động xã hội liên quan phải trình diện, cam kết tạm thời không hoạt động chính trị, song nhìn chung, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia không có động thái trấn áp mạnh tay đối với ban lãnh đạo đảng Vì nước Thái và lực lượng ủng hộ dân chủ.
Trong khi đó, ban lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2006 đã sử dụng hệ thống tư pháp để trấn áp, truy bức các thành viên đảng "người Thái yêu người Thái" và cá nhân cựu Thủ tướng Thaksin.
Thứ tư, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia hiện nay có sự chuẩn bị khá chu đáo và chủ động cho việc tổ chức thực hiện tiến trình cải cách. Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã điều chuyển, thay thế hàng loạt công chức cấp cao; sửa đổi một số luật lệ cho phù hợp với tình hình không bình thường của chính trường Thái Lan; lập ra nhiều ban chỉ đạo đối với các lĩnh vực quan trọng để nắm tình hình và đề xuất các nội dung cần cải cách.
Trên cơ sở đó, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia sẽ ban hành Hiến pháp tạm thời và thành lập các cơ chế như Hội đồng lập pháp quốc gia, Chính phủ lâm thời và Hội đồng cải cách, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới nhằm thực hiện lộ trình cải cách tới khoảng tháng 10/2015 sẽ tổ chức tổng tuyển cử.
Đặc biệt, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia công khai tuyên bố sẽ cố gắng đảm bảo sự công tâm, công bằng và khả thi trong tiến trình cải cách với sự tham gia của tất cả các phe phái và các tầng lớp xã hội.
Nếu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia tổ chức thực hiện hành công tiến trình cải cách, giữ đúng cam kết xây dựng được một chế độ dân chủ lành mạnh, bền vững ở Thái Lan, được các phe phái chấp nhận thì đây sẽ là sự khác biệt rất lớn so với cuộc đảo chính năm 2006. Và người dân Thái Lan sẽ có những đánh giá khách quan, tích cực hơn đối với ban lãnh đạo cuộc đảo chính lần này.         

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-khac-biet-giua-hai-cuoc-dao-chinh-o-thai-lan-a41567.html