Đình chỉ học vì giáo trình photo: Nhà trường có quyền xử lý vi phạm bản quyền?


Thứ 5, 16/02/2017 | 10:49


Trường đại học không phải cơ quan có thẩm quyền kết luận về hành vi vi phạm quyền SHTT cũng như không có thẩm quyền xử lý kỷ luật sinh viên vì vi phạm bản quyền.

"Trường đại học không phải cơ quan có thẩm quyền kết luận về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng như không có thẩm quyền xử lý kỷ luật sinh viên vì vi phạm bản quyền" - luật sư Trương Anh Tú khẳng định.

Vừa qua, báo chí đăng tải vụ việc một nữ sinh viên trường Đại học Luật TPHCM (tên N.T.N.A) bị đình chỉ học một năm do mang tài liệu photo giáo trình vào trường đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả và dư luận.

Thông tin về vụ việc, ông Phan Văn Tuyến - Trưởng phòng Công tác sinh viên trường Đại học Luật TPHCM cho biết, nhà trường ra quyết định đình chỉ học đối với sinh viên N.A. do sinh viên này tàng trữ và đưa vào trường trái phép tài liệu photo vi phạm bản quyền của trường. Hành vi này đã vi phạm pháp luật về luật Sở hữu trí tuệ và nội quy của Nhà trường là “Sao in và phát hành các loạt giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của Nhà trường và của pháp luật”.

Trước vụ việc của nữ sinh viên N.A., bên cạnh các luồng ý kiến đồng thuận với quyết định của nhà trường, cho rằng đã là sinh viên ngành luật thì trước hết cần gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật, thì cũng xuất hiện những nhận định về việc nhà trường đang áp dụng mức xử phạt quá nặng đối sinh viên vì trong trường hợp này, nhà trường đứng ra xử phạt sinh viên lỗi "vi phạm sở hữu trí tuệ" liệu có được coi là đúng thẩm quyền.

Trường Đại học Luật TPHCM đình chỉ học 1 năm đối với sinh viên mang giáo trình photo vào trường. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Nêu quan điểm về vụ việc trên, luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư tp Hà Nội) cho biết, nếu thông tin về vụ việc đúng như báo chí phản ánh thì trường Đại học Luật TP. HCM không có thẩm quyền nhưng đã tự kết luận sinh viên vi phạm luật sở hữu trí tuệ (SHTT).

Cụ thể, khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền SHTT, các tổ chức, cá nhân, chủ thể có quyền đề nghị các cơ quan Thanh tra chuyên ngành hoặc các cơ quan như: Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch;  Cơ quan Quản lý thị trường; Cảnh sát Kinh tế; Cơ quan Hải quan để được xử lý. Nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng đơn yêu cầu xử lý vi phạm (Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 99/2013/NĐ-CP).

Luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư tp Hà Nội)

"Mỗi cơ quan ở các ngành khác nhau có thẩm quyền lập biên bản, kết luận vi phạm trong lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, đất đai, xây dựng, giao thông, SHTT … Ngay cả khi kết luận đúng thẩm quyền vẫn có thể bị khiếu nại, bị kiện ra tòa. Chỉ khi không bị khiếu nại, không bị tòa tuyên hủy thì kết luận hành vi vi phạm mới có giá trị" - Luật sư Trương Anh Tú nhận định.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, trường đại học không có thẩm quyền xử lý kỷ luật sinh viên vì vi phạm bản quyền.

Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ quy định thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT thuộc về các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, UBND các cấp … Nếu nhà trường nhận thấy sinh viên có dấu hiệu vi phạm đến mức phải xử lý thì có thể phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý đúng theo hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Trong hệ thống cơ chế xử lý vi phạm của luật sở hữu trí tuệ không cho phép một trường đại học có quyền xử lý kỷ luật sinh viên hay 1 cơ quan, tổ chức có quyền tự kết luận và xử lý kỷ luật nhân viên của mình vì vi phạm bản quyền. 

Một trường đại học một tổ chức bất kỳ không có quyền tự đưa ra một cách thức xử lý khác không có trong hệ thống luật sở hữu trí tuệ. Cho nên Đại học Luật TP.HCM tự cho mình quyền xử lý kỷ luật sinh viên về hành vi vi phạm bản quyền là không có căn cứ" - Luật sư Trương Anh Tú nêu quan điểm.

Chia sẻ ý kiến về vấn đề nội quy của nhà trường, luật sư này cho rằng, một trường đại học có quyền đưa ra nội quy của trường mình nhưng không được quyền tùy ý đặt thêm các quy định mà phải dựa trên nền tảng pháp luật. Trong trường hợp này nền tảng pháp luật về giáo dục phải dựa vào là Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT về ban hành quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy. Nội quy có thể chi tiết hơn nhưng các nội dung trong nội quy mà trái, hoặc được thêm thắt vào so với Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT là không đúng quy định.

"Thông tư số 10/2016/TT-BGD-ĐT quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của sinh viên cũng như những điều sinh viên không được làm. Bên cạnh đó, Phụ lục kèm theo Thông tư số 10/2016/TT-BGD-ĐT quy định về các vi phạm và khung xử lý kỷ luật của sinh viên thì việc đưa thêm quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ vào nội quy và việc xử lý kỷ luật sinh viên vì vi phạm sở hữu trí tuệ là không đúng quy định" - Luật sư Tú cho biết thêm.

Trước đó, vào giữa tháng 1, sinh viên năm thứ hai của trường Đại học Luật TPHCM tên N.T.N.A. mang 11 cuốn tài liệu trong đó có 8 cuốn tài liệu photo trái phép các giáo trình khác nhau vào trường và bị bảo vệ phát hiện, lập biên bản, sau đó chuyển sang Thanh tra trường. 

Theo tường trình, nữ sinh viên N.A cho biết ,việc photo giáo trình là để tặng người em cùng quê khóa sau. 

Điều 8. Hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng hóa sao chép lậu

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng hóa được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ hàng hóa được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Điều 9. Hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai lệch đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có thông tin sai lệch về tên tác giả, tên tác phẩm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 10. Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

b) Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này. 

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dinh-chi-hoc-vi-giao-trinh-photo-nha-truong-co-quyen-xu-ly-vi-pham-ban-quyen-a181075.html