Quy định luật sư tố giác thân chủ: "Không thể khả thi"


Thứ 4, 21/06/2017 | 03:18


Cùng sự kiện

Theo quy định, người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh QG hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác.

Đó là nhận định của Tiến sỹ - Luật sư Lê Văn Thiệp liên quan tới quy định đang gây nhiều tranh cãi là, người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác.

Tại Hội nghị góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 với sự tham dự của khoảng 40 đại biểu, Điều 19 của dự luật trong đó quy định Luật sư cũng phải tố giác tội phạm nếu đó là những tội đặc biệt nghiêm trọng, tội xâm phạm an ninh quốc gia đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Cụ thể, theo khoản 3 điều 19 của BLHS 2015 (Hiện đang bị hoãn thi hành do có sai sót) thì: "Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của bộ luật này".

Bên cạnh luồng ý kiến ủng hộ, cho rằng quy định như thế là luật đã ghi nhận vai trò, trách nhiệm của luật sư cũng ghi nhận mối quan hệ đặc biệt giữa luật sư với thân chủ. Hay "Quy định tại khoản 3 điều 19 là phù hợp với hoạt động của luật sư, không ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề luật sư, không làm thui chột nghề này hoặc ảnh hưởng sự thu hút đầu tư nước ngoài"... thì luồng ý kiến khác lại nêu nhận định rằng, quy định này thiếu tính khả thi.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, điều tra tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan điều tra. Luật sư với trách nhiệm người bào chữa và trách nhiệm công dân thì sẽ phải ứng xử lý như thế nào?.Nếu luật sư tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời luật sư bào chữa nữa không và xã hội có tẩy chay nghề luật sư khi chưa bảo vệ được gì đã đi tố giác?

Đại biểu Nguyễn Chiến - Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu: “Luật sư gặp bị can trong trại tạm giam như người kể bệnh với bác sỹ. Vì vậy có căn cứ để tố giác hay không?. Tưởng chừng đưa điều 19 vào để nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân nhưng trong tiễn không bao giờ thực hiện được”- ông Chiến nói.

Tiến sỹ - Luật sư Lê Văn Thiệp -Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Về vấn đề này, Tiến sỹ - Luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ phá vỡ cấu trúc cân bằng của hệ thống tư pháp với sự đa dạng của các thành tố cấu thành hệ thống, mặc nhiên thay đổi tư cách tham gia tố tụng để bào chữa cho Bị can, Bị cáo của Luật sư thành "Điều tra viên" hoặc  "Kẻ chỉ điểm" của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hiện nay, nếu khoản 3 điều 19 được thông qua, thì "Người bào chữa" sẽ không chỉ có Luật sư mà còn có bào chữa viên nhân dân, Trợ giúp viên pháp lý… Như vậy, chỉ duy nhất Bào chữa viên nhân dân là không phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, không chịu sự điều chỉnh của Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý. Còn Luật sư và Trợ giúp viên pháp lý nếu tuân thủ khoản 3 điều 19 thì sẽ vi phạm các quy định của Luật Luật sư và Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tiến sỹ - Luật sư Lê Văn Thiệp nêu rõ, về nguyên tắc, Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, Bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội, cho nên quy định tại khoản 3 điều 19 là không phù hợp.

"Thực tiễn thực hiện Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sửa đổi bổ sung năm 2009) cho thấy là chưa có Luật sư hay Bào chữa viên nhân dân, Trợ giúp viên pháp lý nào bị khởi tố về tội này. Nay quy định có phân loại các chủ thể chịu sự điều chỉnh của khoản 3 điều 19 đã miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với Người bào chữa ở rất nhiều tội danh, hiện còn 83 tội, tuy nhiên theo tôi quy định như vậy là không cần thiết. Thực tế đối với một số tội danh đã được quy định nhưng thực tiễn không xảy ra thì khi sửa đổi bổ sung đều điều chỉnh theo hướng bãi bỏ quy định đó. Ví dụ: "Tội lạm sát gia súc", "Tội hủy hoại tiền tệ" hay bỏ hình phạt "Tử hình" đối với "Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia". Sở dĩ bỏ một số quy định nêu trên vì thực tiễn không có hoặc không áp dụng, vậy nên theo tôi, nên đánh giá, thống kê các số liệu cụ thể để cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp. Thực tế thì không ai có thể truy tố được tội danh này đối với Luật sư vì Luật sư có hiểu biết pháp luật tương đối đầy đủ, họ biết nói điều phù hợp khi không thể nói được sự thật. Vì vậy, tôi cho rằng nên bỏ khoản 3 điều 19 vì quy định như hiện nay là không khả thi" - Luật sư Thiệp nêu quan điểm./. 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quy-dinh-luat-su-to-giac-than-chu-khong-the-kha-thi-a191790.html