+Aa-
    Zalo

    Sự nghiệp của Thủ tướng Merkel sẽ ra sao sau vụ xe tải lao vào chợ Berlin

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Các chuyên gia lo ngại, vụ thảm sát bằng xe tải này có thể khiến sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Đức Angela Merkel thêm gập ghềnh.

    (ĐSPL) - Dù cho Anis Amri, nghi phạm gây ra vụ lao xe tải vào chợ Giáng sinh ở Berlin đã bị thủ tiêu nhưng cuộc điều tra về vụ việc vẫn chưa thể kết thúc. Và, các chuyên gia lo ngại, vụ thảm sát bằng xe tải này có thể khiến sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Đức Angela Merkel thêm gập ghềnh.

    “Mồi nhử” của mạng lưới khủng bố lớn

    Dù nghi can khủng bố trong vụ xe tải lao vào chợ Giáng sinh ở Berlin ngày 19/12 đã bị thủ tiêu song không vì thế người Đức có thể thở phào. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, nghi phạm vụ đâm xe tải đã bị bắn không có nghĩa là cuộc điều tra về vụ việc sẽ kết thúc. Nhà chức trách Đức sẽ tìm ra kẻ nào giúp đỡ và che giấu cho thủ phạm.

    Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu tiến hành cuộc điều tra toàn diện sau vụ lao xe tải vào chợ ở Berlin.

    Theo nữ Thủ tướng, bà đã yêu cầu tiến hành cuộc điều tra toàn diện và tìm hiểu từng chi tiết cặn kẽ của vụ án có liên quan đến nghi phạm Anis Amri vì vụ việc có quá nhiều nghi vấn. Theo giới phân tích, nhiều dấu hiệu cho thấy vụ lao xe vào chợ Giáng sinh Berlin không phải là hành động tự phát của một “sói đơn độc” mà là do một mạng lưới khủng bố lên kế hoạch tỉ mỉ từ trước. Theo trang DEBKAfile, cơ quan Tình báo Đức biết rõ vụ tấn công khủng bố này là do một mạng lưới khủng bố tiến hành. Những kẻ khủng bố đã thực hiện vụ cướp xe tải của lái xe Lukasz Urban tại khu công nghiệp phía tây bắc Thủ đô Berlin. Những kẻ khủng bố đã làm gì với lái xe Urban và chiếc xe tải chở sắt trong nhiều tiếng đồng hồ từ thời điểm bị cướp xe đến khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở chợ Giáng sinh đến nay vẫn chưa xác định được.

    Giả thuyết cho rằng, những kẻ khủng bố đã chờ hơn 5 tiếng, đợi đến khi đêm xuống chúng mới thực hiện vụ tấn công. Và, trong thời gian đó, chúng đã học cách lái chiếc xe tải. Trước khi lao vào chợ Giáng sinh, nhóm khủng bố đã ngắt kết nối một phần hệ thống điện của xe, trong đó có đèn pha và vô hiệu hóa máy phát GPS. Sau khi gây án, nhóm khủng bố này đã biến mất như bóng ma và không ai nhìn thấy chúng.

    Có điều rõ ràng, các thủ phạm phải là người rất thuộc các đường chính ở Thủ đô Berlin hay khu vực công cộng đông người cũng như các trung tâm mua sắm Giáng sinh. Những kẻ khủng bố đã lên kế hoạch tấn công vô cùng chi tiết, trong đó có việc thoát khỏi hiện trường gây án. Theo suy đoán của nhà chức trách, nghi phạm Anis Amri có thể giữ vai trò như một “mồi nhử” đánh lừa các cơ quan điều tra nhằm giúp đồng bọn chuẩn bị một cuộc tấn công khủng bố tiếp theo.

    Bà Merkel đối diện với nhiều khó khăn

    Trong khi chủ mưu vụ tấn công ở Berlin vẫn còn chưa lộ diện, các chính trị gia Đức, những người không đồng tình với đường lối của Chính phủ đã quy trách nhiệm về thảm kịch cho bà Angela Merkel. Điều này bắt nguồn từ chính sách nhập cư mà bà Merkel đưa ra. Giữa năm 2015, bà Merkel đã có một “quyết định ngược dòng”, đó là mở rộng cánh cửa chào đón người tị nạn vào nước Đức. Cho đến nay, nhờ vào chính sách này, có hơn 1,1 triệu người tị nạn có nơi ăn, chốn ở tại Đức. Lúc ấy, người ta cho rằng, bà chính là người nắm giữ giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn mà cả châu Âu đang phải đối mặt. Bà Merkel cũng một mực khẳng định, Chính phủ Đức "sẽ quản lý được" cuộc khủng hoảng người tị nạn.

    Anis Amri, nghi phạm trong vụ tấn công xe tải vào chợ Giáng sinh ở Berlin hôm 19/12 đã bị cảnh sát thủ tiêu vào ngày 23/12.

    Tuy nhiên, hơn một năm qua, chính sách đón nhận người tị nạn của bà Merkel đã đẩy nỗi sợ hãi khủng bố của người dân Đức dâng cao khi mà nước này phải đối đầu với nhiều vấn đề phát sinh do dòng người nhập cư gây nên. Nỗi bất an bao trùm trên khắp cả nước Đức và năm 2016 được đánh giá là năm Thủ tướng Merkel phải đối mặt với thách thức chính trị khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình.

    Chủ tịch của Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo, Horst Seehofer nhận định, người Đức cần suy nghĩ lại và điều chỉnh luật pháp về toàn bộ chính sách nhập cư và chính sách an ninh nói chung. Điều này đồng nghĩa với việc, ông Horst Seehofer đang đặt ra nghi vấn với những quyết định của bà Merkel trong mấy năm vừa qua. Còn, Bộ trưởng Nội vụ Saar Klaus Bouillon tuyên bố: "Nước Đức đang trong tình trạng chiến tranh". Frauke Petry, một nhà lãnh đạo của đảng AfD thất vọng, nước Đức giờ đây đã không còn an toàn và đáng lẽ bà Merkel phải chịu trách nhiệm nói ra điều này với nhân dân.

    Thành viên thuộc đảng AfD - đảng có tư tưởng phản đối người nhập cư, Marcus Pretzell đã gọi chính sách của bà Merkel là “đạo đức giả” đồng thời cáo buộc bà Merkel đã gây ra cái chết của những người dân Đức. Trên mạng xã hội, những lời kêu gọi bà Merkel từ chức cũng xuất hiện tràn ngập.

    Bà Merkel mới đây tuyên bố sẽ tiếp tục tham gia tranh cử vào năm 2017. Theo đánh giá của giới phân tích, cho tới thời điểm hiện tại bà vẫn chưa có một đối thủ nào ngang sức, kể cả trong chính đảng của mình cũng như từ các đảng khác. Tuy nhiên, theo bình luận của tờ báo Nga, Sputnik, càng gần đến mốc khởi động chiến dịch tranh cử bầu Quốc hội, áp lực dồn lên bà Thủ tướng càng mạnh hơn. Những phát biểu chỉ trích bà Merkel sau vụ xe tải lao vào chợ như là một phần của chiến lược cố ý dồn bà Merkel vào góc bí và khiến bà càng ngày càng ít có cơ hội duy trì vị trí lãnh đạo. Theo nhận định của các chuyên gia, vụ đâm xe tải vào chợ ở Berlin có thể sẽ là “giọt nước làm tràn ly” khiến con đường chính trị của bà Merkel chấm dứt.

    Lý lịch bất hảo của nghi phạm

    Anis Amri, nghi phạm tham gia vào cuộc tấn công khu chợ Giáng sinh ở Berlin là kẻ có lý lịch bất hảo. Ở Ý, hắn từng ngồi tù 4 năm sau khi đốt phá một trường học. Amri được cho là có liên lạc với tổ chức Hồi giáo cực đoan, trong đó có mạng lưới tuyển người cho IS hoạt động tại Đức. Amri được cho là có 6 bí danh khác nhau, cũng bị cảnh sát theo dõi vì tìm mua súng. Hồi tháng Tám, hắn bị bắt vì mang theo giấy tờ giả mạo tại thị trấn Friedrichshafen, trên đường đến Ý. Tuy nhiên, một thẩm phán sau đó ra lệnh thả hắn.

    ĐÀO VŨ(Theo Reuters, Sputnik) 

    Đăng lại báo giấy số 155

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-nghiep-cua-thu-tuong-merkel-se-ra-sao-sau-vu-xe-tai-lao-vao-cho-berlin-a176293.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan