+Aa-
    Zalo

    Sự thật bất ngờ về đề xuất mua 1 triệu đồng/bộ áo mưa ở Thái Bình

    • DSPL
    ĐS&PL Cho biết chủ trương xin kinh phí để mua bộ đồ đi mưa phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã bị UBND tỉnh Thái Bình từ chối.

    Cho biết chủ trương xin kinh phí để mua bộ đồ đi mưa phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã bị UBND tỉnh Thái Bình từ chối, song người được uỷ quyền trả lời PV cũng không lý giải được tại sao giá áo mưa lên tới 1 triệu đồng/bộ.

    Áo mưa có giá cao tới mức… khó hiểu

    Vừa qua, dư luận tỉnh Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung vô cùng sửng sốt trước việc ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Bình có tờ trình đến UBND tỉnh Thái Bình về việc xin cấp kinh phí để mua bộ đồ đi mưa phục vụ công tác PCTT&TKCN với giá khó hiểu. Tờ trình này nêu rõ, để phục vụ công tác PCTT&TKCN năm 2018, Ban chỉ huy PCTT&TTCN tỉnh trình UBND tỉnh cho phép sử dụng quỹ PCTT trang bị bộ đồ đi mưa. Bao gồm: Mũ, áo mưa, ủng và dép rọ cho các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; thành phần Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành được cử tham gia PCTT tại các huyện, thành phố; các đồng chí văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN; lãnh đạo, cán bộ, kỹ thuật ngành NN&PTNT.

    Cụ thể, theo tờ trình số 02/TTr-PCTT ngày 9/1/2018, của ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình, tổng kinh phí mà đơn vị này xin cấp là 396.000.000 đồng. Nhưng, chỉ tính riêng áo mưa 300 bộ đã hết 300 triệu đồng! Giá được tính toán cụ thể cho mỗi bộ áo mưa theo kích cỡ khác nhau đều là 1 triệu đồng/bộ. Loại áo mưa được đề xuất không nói rõ thuộc thương hiệu, chất lượng gì. Ngoài áo mưa thì các trang thiết bị trong đề xuất cũng có giá khá cao ví dụ như: Ủng cao su giá 120.000/đôi, mũ cối 100.000 đồng/cái, dép rọ 100.000 đồng/đôi.

    Ông Vi: Tôi không biết đó là loại áo mưa gì, mới chỉ là tờ trình thôi.

    Trước việc này, dư luận đặt câu hỏi: Tại sao áo đi mưa của cán bộ lại đắt như vậy? Bởi bình thường ngoài thị trường, áo mưa loại tốt, bền, đẹp chỉ có giá từ vài chục nghìn đồng tới khoảng 300.000 đồng/bộ.

    Để làm rõ về những thắc mắc trên, PV báo ĐS&PL đã liên hệ với ông Phạm Văn Dụng - Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình kiêm Phó ban chỉ huy PCTT&TKCN, là người ký tờ trình kể trên. Ông Dụng đã ủy quyền cho ông Đặng Cao Vi - Trưởng phòng Hành chính chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Bình để làm việc với PV.

    Vụ trước chỉ mua áo mưa dưới 100.000 đồng

    Tại buổi làm việc sáng ngày 9/6, khi PV hỏi tờ trình của ban chỉ huy PCTT&TKCN đã được UBND tỉnh Thái Bình duyệt chưa? Ông Vi nói, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản tạm dừng, không chấp thuận việc này.

    Ông Vi đã cung cấp cho PV văn bản số 1814/UBND-KT ngày 29/5/2018 của UBND tỉnh Thái Bình gửi sở NN&PTNT, sở Thông tin và Truyền thông, sở Tài chính và các sở, ngành, đơn vị có liên quan về việc thực hiện mua sắm trang thiết bị thông tin liên lạc chuyên dụng phục vụ công tác PCTT&TKCN.

    Theo nội dung văn bản này, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện cho từ quỹ PCTT của tỉnh. Số dư quỹ PCTT của tỉnh còn lại để dự phòng cho công việc cấp bách về PCTT năm 2018. Căn cứ vào kết quả thu quỹ PCTT của tỉnh năm 2018, sở NN&PTNT nghiên cứu, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh bố trí, mua sắm sau. PV tiếp tục hỏi theo tờ trình, áo mưa dự định mua là áo mưa loại gì mà lại đắt đến như vậy, ông Vi không trả lời được.

    “Tôi không biết áo mưa loại đó là loại gì. Từ trước đến nay, chúng tôi mặc loại áo mưa có giá dao động vài chục nghìn đến 100.000 đồng/bộ. Tôi phải nói thế này, đó chỉ là tờ trình dự kiến mà thôi, chứ UBND tỉnh có duyệt đâu, mà có duyệt thì chắc cũng phải điều chỉnh”, ông Vi nói.

    Những vụ “vẽ” ra số tiền cao ngất ngưởng để lấy tiền ngân sách không phải chưa từng xảy ra. Trước đó, vào năm 2015, khi Hà Nội khiến dân tình bức xúc bởi chặt hàng loạt cây xanh và còn bởi những vụ tiêu tiền của Nhà nước. Theo báo Kienthuc.net.vn, Hà Nội quét sơn đánh mã số mỗi cây xanh cũng hết gần... 700 nghìn đồng. Số tiền cắt cỏ, tỉa cây ở Đại lộ Thăng Long tuy chỉ có 24km nhưng mất tới 53 tỷ/năm khiến dư luận nhớ đến số tiền Hà Nội đã chi ra để quét sơn đánh mã số cây khi chặt hạ hàng loạt cây xanh tháng 3/2015. Cũng liên quan đến chi phí đốn hạ cây xanh, theo đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015 cho lĩnh vực duy trì công viên cây xanh, được áp dụng từ ngày 1/1, để chặt hạ một cây xà cừ có đường kính trên 120cm, ngân sách thành phố sẽ chi 25 triệu đồng tiền chặt, 10 triệu đồng tiền đào gốc.

    Minh Sơn 

    Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 70

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-that-bat-ngo-ve-de-xuat-mua-1-trieu-dongbo-ao-mua-o-thai-binh-a232677.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan