Sự thật đằng sau câu nói “không sao đâu con”


Thứ 2, 19/12/2022 | 12:00


Tết Nguyên đán 2023 đến sớm hơn mọi năm, làm cho những ngày cuối năm lại càng thêm tất bật với bao việc không tên để chuẩn bị đón Tết. Đây cũng là thời điểm mà những người cha, người mẹ dốc sức dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ Tết để đón những đứa con trở về đoàn tụ.

Tết yêu thương

Thế nhưng, có bao giờ bạn tự hỏi vì sao cha mẹ lại bỏ ra quá nhiều công sức như vậy cho vài ngày Tết ngắn ngủi, thậm chí phẩy tay từ chối sự giúp đỡ của các con để tự mình lo toan mọi việc?

“Mẹ tôi lúc nào cũng bảo ‘mẹ không sao’, ‘để đó cho mẹ’ mỗi khi tôi hỏi thăm sức khỏe bà hay muốn giúp bà việc gì đó. Đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, mẹ luôn muốn tự làm mọi thứ”, anh Tiến Minh, một kỹ sư tại Hà Nội, bồi hồi nhớ lại hình ảnh mẹ mình trong những mùa Tết trước.

“Vốn là người kỹ tính, ngày Tết mẹ lại càng cầu toàn hơn. Mẹ không bao giờ để ai giúp mình trong căn bếp và luôn nói với tôi rằng chỉ có mẹ mới có thể chuẩn bị những bữa ăn tươm tất nhất cho năm mới”. Nghe nhiều thành quen, đã có lúc anh Minh nghĩ mẹ mình là “siêu nhân” thật. Đến khi để ý thấy tay mẹ run run khi xách giỏ đi chợ về hay khi nhấc nồi canh trên bếp, anh mới nhận ra mẹ đã có tuổi rồi.

Trước câu hỏi “Mỗi dịp tết đến, bạn nhớ nhất hình ảnh nào của cha mẹ?”, rất nhiều người con đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về bậc sinh thành, trong đó có cả những nghệ sĩ, người nổi tiếng. Trà My Idol viết thư tay tâm sự hình ảnh mẹ phẩy tay và nói “không sao đâu con” đã trở nên quen đến độ, đôi khi chính My cũng quên mất sức khoẻ của mẹ đã không còn như trước. Diễn viên cũng Ngọc Lan chia sẻ cho dù cô thấy rõ bước chân mẹ đã khó nhọc hơn, nhưng khi ngỏ ý muốn giúp thì lại nhận được cái xua tay và kịch bản cũ “Không sao đâu con, mẹ làm cho”…

Hình ảnh cha mẹ trong tâm trí mỗi người con có thể khác nhau nhưng điểm chung vẫn là sự quan tâm, chăm sóc cho gia đình, con cái. Tuy vậy, liệu những người con đã hiểu hết tâm tình của cha mẹ mình chưa?

Sự thật đầy yêu thương

Khi được hỏi vì sao lại luôn từ chối sự giúp đỡ của con, một người mẹ chia sẻ rằng bà luôn cố sức lo Tết thật trọn vẹn: nhà cửa tươm tất, đồ ăn ngon, quà bánh đủ đầy... để gia đình con trai thật thoải mái, vui vẻ mỗi dịp từ thành phố về quê ăn Tết. “Không mấy khi con cái về nhà, tôi chỉ muốn các con thoải mái nhất có thể. Mấy năm nay tôi bị mất sức, xương khớp cũng gặp vấn đề nên lo toan việc nhà cũng mệt hơn. Nhưng việc nhà thì bé thôi, tôi cũng không muốn để các con lo lắng”, người mẹ phẩy tay.

Tâm sự của cô cũng là tiếng lòng của rất nhiều những người làm cha, làm mẹ khác. Cuộc sống bộn bề cùng với tuổi tác ngày một cao và ảnh hưởng dịch bệnh khiến người lớn tuổi ngày càng có nhiều nỗi niềm riêng về sức khỏe. Tuy vậy, ưu tiên hàng đầu của họ vẫn luôn là niềm vui và hạnh phúc của con cái. Việc dành công sức chuẩn bị những bữa cơm tươm tất, hay từ chối sự giúp đỡ của con đều là cách bày tỏ tình yêu thương và sự quan tâm giản dị nhất của cha mẹ.

Ngại thể hiện tình cảm bằng lời nói mà chỉ bộc lộ qua hành động có lẽ là thói quen của nhiều thế hệ người Việt, nhất là trong các mối quan hệ gia đình. Tuy nhiên, dù bằng lời nói hay hành động, những người con hãy cố gắng thấu hiểu và quan tâm cha mẹ hơn, ngay cả khi họ nói “không sao đâu” hay xua tay “chuyện nhà bé thôi” bởi sự thật là, cha mẹ chúng ta đang yếu dần đi theo năm tháng.

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, gần 70% người cao tuổi Việt Nam có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, với số năm khỏe mạnh chỉ là 64,1 trên mức tuổi thọ trung bình 73 tuổi. Chưa hết, nghiên cứu đã cho thấy người lớn tuổi có thể mất đến 40% khối cơ từ 40 đến 80 tuổi. Việc mất cơ gây ra nhiều tác động xấu cho sức khỏe người lớn tuổi như giảm khả năng vận động thể chất, tăng nguy cơ té ngã, suy giảm sức khỏe, suy giảm miễn dịch…

Những con số này có nghĩa rằng, trong khi bạn đang bận rộn với guồng quay cuộc sống, cha mẹ đang phải từng ngày đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe mà không hề nói ra để con cái không phải bận lòng. Hiểu được điều đó, hãy đáp lại tình yêu thương của cha mẹ bằng chính những hành động quan tâm của mình.

Nếu bạn may mắn có thể trở về nhà dịp Tết, đừng quên để ý những dấu hiệu về sức khỏe của cha mẹ để quan tâm, chăm sóc kịp thời, đồng thời xắn tay cùng cha mẹ làm việc nhà, chuẩn bị đón Tết để gia đình có thêm thời gian bên nhau.

Nếu bạn bất đắc dĩ không thể về nhà, những điều đơn giản như cuộc gọi hỏi thăm mỗi ngày, những lời nhắc nhở cha mẹ giữ gìn sức khỏe và những món quà sức khỏe gửi về kịp lúc cũng sẽ góp phần an ủi cha mẹ. sẽ khiến cha mẹ cảm nhận được tình yêu thương của bạn đó.

Điều quan trọng nhất là, dù cha mẹ có xua tay và nói #Không sao đâu con, những người con vẫn thấu hiểu tình yêu thương của cha mẹ và ở lại cạnh bên, dù bằng cách này hay cách khác để giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe cha mẹ mỗi ngày, cùng nhau bước qua muôn Tết.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-that-dang-sau-cau-noi-khong-sao-dau-con-a560543.html

Tag: