+Aa-
    Zalo

    Sự thật khiến các cửa hàng đồng giá 10.000 đồng "rủ nhau" đóng cửa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nếu cách đây 1-2 năm, kinh doanh cửa hàng đồng giá "hốt bạc" thì nay, nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa vì không có doanh thu...

    (ĐSPL) - Nếu cách đây 1-2 năm, kinh doanh cửa hàng đồng giá "hốt bạc" thì nay, nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa vì không có doanh thu...

    Hàng đồng giá: Vang bóng một thời!

    Thông tin trên báo Tri thức trực tuyến, hiện nay, hình thức kinh doanh cửa hàng đồng giá nói chung đang rất chật vật. Ngay cả Daiso, Hachi Hachi,... từng làm mưa làm gió trên thị trường khoảng năm 2007-2010 nay cũng hết sức khó khăn, do mặt hàng không phong phú, lợi nhuận thấp và thị hiếu thị trường thay đổi. Một số thương hiệu đã cố gắng thay đổi hình thức kinh doanh, nhưng vẫn không phù hợp với nhu cầu mua sắm của phần đông người tiêu dùng Việt. 

    Năm 2013, nhận thấy hình thức kinh doanh cửa hàng đồng giá 10.000 đồng ít vốn, nhanh thu lời nên chị Hồng Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) rủ bạn thân góp vốn. Cả hai hùn được hơn 50 triệu đồng mở một cửa hàng.

    Chị Hồng Anh cho biết, dù cửa hàng nằm trong ngõ nhưng khách mua rất đông. Chỉ trong nửa năm kinh doanh, chị đã thu hồi được vốn và tách ra mở cửa hàng riêng. Tuy nhiên, từ giữa năm 2014, lượng khách mua giảm hẳn. Thống kê từ tháng 3/2015, sản phẩm bán được không bằng 1/10 trước kia.

    "Tại cửa hàng, những sản phẩm sắt, nhựa, vật dụng cá nhân trước đây thường bán rất chạy, nhưng giờ ế ẩm. Hàng mỹ phẩm, quần áo thì không bán nổi một chiếc mỗi ngày. Doanh thu cả tháng không đủ trả tiền thuê mặt bằng", chủ shop than thở.

    Cách đây 1-2 năm, kinh doanh cửa hàng đồng giá thắng lớn vì cửa hàng luôn không lúc nào vắng khách.

    Theo tính toán của chủ cửa hàng này, sau khi trừ phụ phí, tiền lãi thu được trên mỗi sản phẩm giá 10.000 đồng chỉ 2.000-3.000 đồng. Trong khi đó, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước cũng ngốn hơn 200.000 đồng. Như vậy, cửa hàng phải bán được trên 100 sản phẩm mỗi ngày mới cân bằng. Nhưng hiện giờ, ngày đắt khách nhất chỉ bán 50-60 sản phẩm. "Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, một hai tháng nữa mình phải đóng cửa hàng", chị nói.

    Khi quyết định mở cửa hàng đồng giá, các chủ hàng đều căn cứ vào ưu điểm của việc bán hàng là giá rẻ, cố định, không có tình trạng khách mặc cả. Ngoài ra, sản phẩm phong phú từ vật dụng cá nhân cho đến đồ dùng gia đình, nên họ kỳ vọng khách hàng sẽ mua với số lượng nhiều hơn 1 chiếc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hệ thống đồng giá ế ẩm mà chính chủ hàng không lý giải được vì sao khách lại "quay lưng" với sản phẩm này.

    Sự thật đằng sau các cửa hàng một giá

    Thực tế, mô hình kinh doanh cửa hàng đồng giá đã giảm sức hút đối với người tiêu dùng. Nhiều khách hàng cho biết từ lâu họ đã không còn hứng thú với những cửa hàng đồng giá như thời gian đầu vì "hàng nào của nấy".

    Theo một mối buôn từng cung cấp sản phẩm giá rẻ ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, giá đổ buôn cho hàng đồng giá 10.000 đồng là 6.000 đồng một sản phẩm, 100\% có xuất xứ Trung Quốc.

    Chỉ cần là người thường xuyên đi mua sắm sẽ nhận thấy những món đồ này tuy màu mè bắt mắt mà chất lượng lại rất thấp. Các loại giỏ nhựa thì ọp ẹp và mỏng, hàng mỹ phẩm không tên tuổi, đồ gia dụng khác được thiết kế không chắc chắn,… Nhìn chung tất cả các mặt hàng đều là đồ giá rẻ, chất lượng kém, gần như hàng thải của Trung Quốc.

    Nay, nhiều cửa hàng một giá kinh doanh bết bát, ế ẩm buộc phải chuyển sang hình thức kinh doanh mới.

    Thông tin trên báo Afamily, không chỉ đồ gia dụng, các shop quần áo đồng giá khách hàng có thể tìm thấy những mẫu thời trang đang thịnh hành hiện nay nhưng với cái giá khá bèo, chỉ trên dưới một trăm ngàn đồng mà thôi. Và tương tự, nếu để ý kỹ sẽ thấy những mẫu quần áo này được may khá cẩu thả, vải nhăn, nhiều nếp gấp, lộ đường chỉ, có đôi chỗ còn bị sút gấu.

    Bán một giá nghĩa là dù mặt hàng giá trị nhỏ hay giá trị lớn cũng chỉ bán với đúng mức giá ấy mà thôi. Nhiều người thường cho rằng chủ cửa hàng lấy cái lớn bù cái nhỏ, nghĩa là lấy lãi của món rẻ tiền bù cho lỗ của món đắt tiền. Trên thực tế thì không hoàn toàn là như vậy, vì nếu xem xét kĩ có thể thấy hầu hết đồ ở đây đều có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc nhập về hàng thùng ở các chợ đầu mối, mà giá bán sỉ đều rất rẻ, đôi khi so với món ít tiền nhất trong cửa hàng còn rẻ hơn. Như vậy với mức giá tưởng như phải chịu lỗ ấy thì bán món nào chủ cửa hàng cũng có lời.

    Mặt khác, không phải cửa hàng một giá nào cũng bán đúng…một giá. Rất nhiều người khi vào các cửa hàng này mới ngã ngửa, cái giá đề ngoài kia chỉ là giá…trung bình, còn bên trong vẫn phân ra khu giá khác nhau. Thậm chí nhiều nơi còn trắng trợn lừa khách hàng, đề giá bán 49k – 59k nhưng thực chất chỉ là giá của hai số cuối sản phẩm, nghĩa là giá thực vẫn để ở mức 149k – 259k. Khách hàng khi đến thanh toán mới nhận ra mình bị hố. 

    Video: Bí mật bên trong các cửa hàng một giá[mecloud]As7fdhLu9A[/mecloud]

    Tại hệ thống hàng đồng giá 10k (tên gọi tắt của chữ 10.000 đồng), hầu hết các hàng hóa không có nhãn mác rõ ràng. Thường chỉ có khăn ướt, giấy ăn có phần giới thiệu bằng tiếng Việt. Còn lại, 95\% các mặt hàng có chữ Trung Quốc trên bao bì và không có nhãn phụ tiếng Việt.

    Chị Hiền, chủ cửa hàng đồng giá 10k tại Minh Khai, tiết lộ các sản phẩm bán ở shop này được đặt mua trên các trang bán hàng Trung Quốc. Họ có người chở sản phẩm đến tận nơi giao hàng. "Hàng có loại giá cao hơn, nhưng cũng có những món thấp hơn mức 10.000 đồng, nên khi bán đồng giá, món nọ bù cho món kia và tạo ra lợi nhuận", chị Hiền nói.

    Với khách mua, xuất xứ món hàng từ Trung Quốc cũng gây ít nhiều băn khoăn.

    "Mức giá rẻ, dù phù hợp với túi tiền nhiều người thu nhập thấp nhưng chất lượng như thế nào không ai kiểm chứng. Do đó, mình cũng chỉ dám mua những sản phẩm ít có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, như dây buộc tóc, bấm móng tay...", chị Mai (Long Biên, HN) cho biết.

    Chị Quỳnh Đông, một giảng viên đại học chia sẻ trước đây chị rất hay vào những cửa hàng đồng giá vì bị hấp dẫn bởi giá cả và nghĩ là sẽ có nhiều sự lựa chọn. Nhưng vào một số nơi, sau một vài lần, chị thấy không còn hứng thú nữa, bởi các mặt hàng không được cập nhật thường xuyên và không đúng với sở thích của mình. Chị nói thà chịu đắt hơn vài nghìn đến vài chục nghìn đồng mà mua được món hàng mình yêu thích ở những cửa hàng lớn. “Tôi cho rằng những cửa hàng đồng giá hiện nay nên ‘lau lớp bụi’ mỗi ngày bằng cách cập nhật thêm nhiều mặt hàng, mẫu mã mới. Bên cạnh đó là cải thiện hình thức trưng bày sản phẩm, tránh đơn điệu và tẻ nhạt”, chị Đông chia sẻ.

    Chuyên gia marketing Nguyễn Xuân Nhật Huy cho rằng mô hình kinh doanh cửa hàng đồng giá, đặc biệt từ một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… rất khó phát triển mạnh mà chỉ tồn tại ở dạng thị trường ngách. Theo ông Huy, tần suất mua hàng ở những cửa hàng đồng giá không cao vì hàng hóa không đa dạng, thường đồng giá ở mức giá thấp (2-5 USD) và ít thương hiệu mạnh.

    Cũng theo ông, mô hình kinh doanh cửa hàng đồng giá tại Việt Nam hiện nay cũng giống với xu hướng phát triển chung của thế giới là chỉ tồn tại ở một phân khúc nhất định nào đó. “Sức mua của thị trường tập trung vào những người thu nhập trên trung bình, trong khi các cửa hàng đồng giá thì nhắm vào người thu nhập thấp nên khó phát triển. Những khách hàng thường xuyên của các cửa hàng đồng giá hiện nay khi có thu nhập cao hơn sẽ bỏ cửa hàng này để mua hàng với giá cả đa dạng hơn ở những nơi khác. Tôi cho rằng mô hình bán hàng đồng giá tại Việt Nam chỉ có thể tồn tại chứ không thể phát triển mạnh hơn”, ông Huy nhận định.

    Ngọc Anh(Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-that-khien-cac-cua-hang-dong-gia-10000-dong-ru-nhau-dong-cua-a94730.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.