+Aa-
    Zalo

    Sửa đổi, bổ sung 8 nhóm quy định quản lý xe công nghệ: Bảo bối quản xe công nghệ, cạnh tranh sòng phẳng?

    • DSPL
    ĐS&PL Ông Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ bổ sung một số quy định để đảm bảo công bằng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.

    Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ bổ sung một số quy định để đảm bảo công bằng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.

    Để quản lý chặt chẽ đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) sử dụng hợp đồng điện tử, đảm bảo công bằng đối với xe taxi, bộ GTVT đã đề xuất bổ sung 8 nhóm quy định, trong đó có việc xe sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách điện tử phải báo cáo thông tin về hợp đồng trước khi vận chuyển; Phải có thiết bị để truy cập vào nội dung của hợp đồng và truy cập để xem danh sách hành khách. Nếu sửa đổi, bổ sung được triển khai đây có là bảo bối để quản xe công nghệ, tạo sự cạnh tranh lành mạnh?

    Chuẩn bị hơn 3 năm vẫn chưa thể ban hành

    Trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, một lý do quan trọng khiến cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô) được chuẩn bị đã hơn ba năm nay vẫn chưa thể ban hành là do việc quản lý xe ô tô dưới 9 chỗ hoạt động vận tải hành khách có ứng dụng phần mềm để điều hành hoạt động vận tải vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.

    Ông Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ bổ sung một số quy định để đảm bảo công bằng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.

    Tính đến thời điểm tháng 6/2019, có khoảng 70.000 xe ô tô ứng dụng hợp đồng điện tử", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết. Để quản lý chặt chẽ đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) sử dụng hợp đồng điện tử, đảm bảo công bằng đối với xe taxi, bộ GTVT đã đề xuất bổ sung 8 nhóm quy định, trong đó có việc xe sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách điện tử phải báo cáo thông tin về hợp đồng trước khi vận chuyển; phải có thiết bị để truy cập vào nội dung của hợp đồng và truy cập để xem danh sách hành khách. Giao diện của người thuê vận tải phải hiện diện thương mại của đơn vị kinh doanh vận tải và các phương tiện kinh doanh thuộc đơn vị để người thuê vận tải thực hiện lựa chọn, đàm phán về hành trình, thời gian và giá trị hợp đồng.

    Bên cạnh đó, trong thời gian 1 tháng, xe ô tô kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, xe ô tô sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách dưới 9 chỗ phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng. Chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận chuyển điện tử phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông. Đồng thời, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận chuyển điện tử có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) phải có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất). Quy định này nhằm đảm bảo cân bằng với điều kiện về niên hạn so với xe taxi.

    Đáng lưu ý, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” trên kính phía trước và kính phía sau xe theo quy định; kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20cm; cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” phải được làm bằng vật liệu phản quang. Doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho lái xe thuộc đơn vị theo quy định.

    Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ phải có niên hạn sử dụng không quá 12 năm tính từ năm sản xuất. Ảnh minh họa

    Nội dung quy định tại khoản 6, Điều 36 của dự thảo nghị định quy định việc chuyển tiếp về cấp và sử dụng phù hiệu đối với xe ô tô kinh doanh vận tải cũng đã được bổ sung, điều chỉnh nhằm đảm bảo quyền chủ động để đơn vị kinh doanh vận tải lựa chọn loại hình kinh doanh cho phù hợp với khả năng, nhu cầu của đơn vị mình, đồng thời khi lựa chọn loại hình nào thì phải thực hiện theo quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của loại hình đó, tránh trường hợp “lách” quy định như đã xảy ra trong thực tiễn.

    Hòa giải xung đột để đôi bên cùng thắng

    Bảo vệ cho taxi truyền thống, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch hiệp hội Taxi TP.HCM, Phó Tổng Giám đốc hãng Vinasun nhìn nhận: “Trong vòng 3 năm qua, đã rất nhiều xe kinh doanh dưới danh nghĩa Grab. Đây là một dạng taxi thương quyền và phải được quản lý như taxi, cần phải có nhận diện để ít nhất lực lượng chức năng biết chiếc xe đó đang kinh doanh chứ không phải xe cá nhân”.

    Trong khi đó, phía Grab vẫn khăng khăng tuyên bố điều ngược lại. Đại diện hãng Grab tại Việt Nam khẳng định Grab không phải là mô hình mới mà là sàn giao dịch thương mại điện tử và đáp ứng đầy đủ quy định của loại hình này.

    Đa số các chuyên gia cũng không đồng tình khi bộ GTVT có ý muốn thiên vị phía taxi truyền thống. Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, không thể coi các công ty sử dụng mô hình dịch vụ gọi xe điện tử hoàn toàn là một dịch vụ vận tải vì các đơn vị này chỉ phục vụ một phần trong chuỗi cung ứng, chứ không đáp ứng toàn bộ chuỗi giá trị vận tải. Dịch vụ kết nối vận tải nên được coi là một công đoạn tách biệt khỏi hoạt động vận tải truyền thống và là một mô hình kinh doanh mới. Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, mục đích của việc nhận diện phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của 3 đối tượng là khách hàng, đơn vị quản lý thuế và lực lượng thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông.

    Về phía khách hàng, họ không có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng.

    “Việc gắn phù hiệu hay không cũng không có ý nghĩa gì đối với các đơn vị quản lý thuế vì công tác truy thu thuế phải xử lý tại nguồn là doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trước sự bùng nổ của các loại hình xe công nghệ, Nhà nước cần thiết có những điều luật để quản lý nhưng phải xem chúng như một hình thức khác biệt để quản lý bằng những quy định khác biệt, đồng thời phải xác định đây không phải taxi truyền thống hay taxi công nghệ, cũng không phải là sự kết hợp mà là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới”, luật sư Đức bình luận.

    Đồng quan điểm, chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng nhận xét, bộ GTVT không thể dùng biện pháp thủ công để quản lý công nghệ. Các dự thảo có sự chồng chéo khi cùng một loại hình dịch vụ ứng dụng kết nối, đặt xe (như Grab, Go-Viet, Be) nhưng có 3 khái niệm và quy định khác nhau do 3 bộ ngành quản lý bao gồm: Kinh doanh vận tải (bộ GTVT), thương mại điện tử (bộ Công Thương) và nền tảng công nghệ (bộ TT- TT). Điều này khiến quy định trở nên phức tạp, khó thực thi cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp. Từ đó, chuyên gia này nhận định, cơ quan quản lý phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa taxi truyền thống và xe công nghệ. Cụ thể, cần “cởi trói” cho taxi truyền thống bằng cách bãi bỏ những quy định khắt khe không phù hợp.

    Song song đó, mô hình ứng dụng kết nối vận tải cần phối hợp để đảm bảo nghĩa vụ thuế của đối tác vận tải, bảo vệ người lao động, đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng. “Nhà cung cấp dịch vụ kết nối vận tải (như Grab, Go-Viet...) phải cùng có trách nhiệm phối hợp với Nhà nước để giám sát việc tuân thủ pháp luật của các đối tác vận tải. Nếu đối tác là hãng vận tải trong nước thì đó là việc đảm bảo việc đóng bảo hiểm, chế độ phúc lợi xã hội cho những người lái xe. Còn nếu lái xe là chủ xe cá nhân (lao động tự do) thì thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện. Ngoài ra, nhà cung cấp dịch vụ kết nối vận tải phải có nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu hoạt động một cách phù hợp, giúp cơ quan thuế có thể thu thuế minh bạch và công bằng. Có như vậy mới khuyến khích cả hai loại hình taxi cùng phát triển và hòa giải bất đồng trong môi trường kinh doanh”, ông Đồng nêu quan điểm.

    Hà Nhân

    Bài đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật số 169

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sua-doi-bo-sung-8-nhom-quy-dinh-quan-ly-xe-cong-nghe-bao-boi-quan-xe-cong-nghe-canh-tranh-song-phang-a298369.html
    Tài xế công nghệ: muôn vàn nỗi khổ

    Tài xế công nghệ: muôn vàn nỗi khổ

    (ĐS&PL) Tài xế công nghệ rõ ràng là một công việc đòi hỏi nghiệp vụ hẳn hoi chứ không đơn thuần chỉ là kỹ năng lái xe nhưng vẫn chưa được công nhận là một nghề

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tài xế công nghệ: muôn vàn nỗi khổ

    Tài xế công nghệ: muôn vàn nỗi khổ

    (ĐS&PL) Tài xế công nghệ rõ ràng là một công việc đòi hỏi nghiệp vụ hẳn hoi chứ không đơn thuần chỉ là kỹ năng lái xe nhưng vẫn chưa được công nhận là một nghề