+Aa-
    Zalo

    Tài sản bất minh phải bị thu hồi và truy cứu trách nhiệm hình sự

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Để chống tham nhũng đến cùng cần thiết phải sửa luật Phòng, chống tham nhũng. Việc hình sự hóa tài sản bất minh sẽ tiêu diệt chỗ trú ẩn cuối cùng của tài sản tham nhũng.

    Để chống tham nhũng đến cùng cần thiết phải sửa luật Phòng, chống tham nhũng. Việc hình sự hóa tài sản bất minh sẽ tiêu diệt chỗ trú ẩn cuối cùng của tài sản tham nhũng.

    Toàn cảnh biệt phủ "khủng" của gia đình giám đốc sở Tài nguyên Yên Bái (Ảnh: Dân trí).

    Mới đây, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đề nghị tới đấy sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng theo hướng hình sự hoá các tài sản bất hợp pháp, không giải trình rõ nguồn gốc.

    Trước đó, giải trình của Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý khiến dư luận bất ngờ với khối tài sản lớn hình thành một phần quan trọng từ nuôi lợn, gà, làm giá đỗ, buôn chổi đót…

    Còn bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng bộ Công thương vi phạm quy định trong kê khai tài sản và quy định trong cổ phần hóa doanh nghiệp. Gia đình bà Thoa sở hữu 718 tỷ đồng cổ phần ở công ty bóng đèn Điện Quang, trong đó tài sản của bà Thoa là hơn 100 tỷ đồng.

    Trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng kê khai tài sản không đầy đủ, không đúng quy định. Đáng nói công ty của chồng bà Thanh đang khiến dư luận quan tâm khi khai thác 100ha mỏ đá, 91,7ha đất làm khu dân cư thương mại, làm đường vận chuyển vật liệu xây dựng...

    TS. Lê Nguyên Thanh (ảnh: Tuổi trẻ).

    Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, TS. Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn Tội phạm học – trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng: “Trong công ước quốc tế về chống tham nhũng đã có tội làm giàu bất chính.

    Tự nhiên anh có khối tài sản lớn mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp sẽ bị thu hồi và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện Việt Nam chưa tham gia công ước này, nhưng để chống tham nhũng đến cùng thì Việt Nam cũng nên tham gia.

    Hiện pháp luật nước ta chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có tài sản mà nguồn gốc không rõ ràng”.

    TS. Lê Nguyên Thanh cũng chỉ ra: “Việc xử lý tham nhũng đang dựa trên cơ sở phải chứng minh được họ phạm tội mà có tài sản từ tham ô, có nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, dùng ảnh hưởng để chiếm đoạt tài sản, trục lợi… Trong trường hợp này tài sản mới bị tịch thu sung công quỹ.

    Còn trường hợp tự nhiên anh giàu lên nhanh chóng mà tiền ở đâu ra dù anh không chỉ ra, chứng minh được nguồn gốc mà cơ quan chức năng không chứng minh được họ tham ô, nhận hối lộ thì cũng không xử lý được.

    Ví dụ như tài sản của anh do nhận hối lộ mà có thì cơ quan chức năng phải chứng minh được hành vi nhận hối lộ thì mới thu hồi được tài sản đó.

    Về điều này ở nước ta thì khó chứng minh về mặt tố tụng, nhưng các nước tham gia công ước quốc tế họ vẫn làm được.

    Họ làm được bởi nước họ có những giải pháp đồng bộ để đảm bảo minh bạch, nguồn gốc tài sản rõ ràng, như thu nhập của cán bộ, công chức minh bạch và được giao dịch qua tài khoản như thế sẽ quản lý được cán bộ, công chức có bao nhiêu tiền trong tài khoản.

    Các khoản tiền phát sinh thu nhập từ nguồn nào đều rất rõ ràng. Tự nhiên tiền của anh nhiều lên phải chứng minh được kiếm ở đâu ra, nguồn gốc bất minh sẽ bị thu hồi và phạm vào tội làm giàu bất chính”.

    Trước câu hỏi của PV về tình trạng nhiều cán bộ xây biệt thự “khủng”, có tài sản lớn nhưng giải trình rất ngô nghê từ nuôi lợn, nuôi gà…

    Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai kê khai tài sản không đúng quy định.

    TS. Lê Nguyên Thanh cũng chỉ ra: “Thực tế, ở nước ta thu nhập của cán bộ, công chức khó kiểm soát được dù có cơ quan trả lương qua tài khoản, nhưng đó chỉ là khoản lương chính thức còn khoản ngoài lương thì không kiểm soát được.

    Trường hợp anh chứng minh được tài sản hợp pháp, ngay cả anh giải thích nuôi gà, nuôi lợn có tài sản lớn, xây biệt thự thì cũng phải giải trình được việc chăn nuôi đó sinh lợi ra bao nhiêu, làm giàu như thế nào. Nếu không chỉ ra được tài sản đó sẽ bị thu hồi và bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

    TS. Lê Nguyên Thanh nhấn mạnh: “Tài sản bất hợp pháp, tài sản không rõ nguồn gốc chính là chỗ trú ẩn cuối cùng của tham nhũng.

    Bởi vậy, cần thiết phải hình sự hóa với những tài sản bất minh do kê khai không hợp lý, giải thích không rõ nguồn gốc và tịch thu xung công quỹ. Hình sự hóa tài sản bất minh để tài sản tham nhũng không còn chỗ trú ẩn”.

    Vũ Phương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-san-bat-minh-phai-bi-thu-hoi-va-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-a196004.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan